| Hotline: 0983.970.780

Cá tra phải vượt qua thanh tra FSIS để giữ thị trường Hoa Kỳ

Thứ Sáu 04/08/2023 , 22:18 (GMT+7)

ĐBSCL Đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm với sản phẩm cá tra xuất khẩu sang Hoa Kỳ là yếu tố tiên quyết giữ thị trường, tín chỉ thâm nhập vào thị trường khác.

Dự kiến trong tháng 8/2023, Đoàn thanh tra của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ - FSIS (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) sang Việt Nam đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá da trơn xuất khẩu.

Để chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các cơ sở, vùng nuôi cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đang đẩy mạnh công tác hướng dẫn, thẩm định, giám sát, chứng nhận.

Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức về tập huấn hướng dẫn quy định về an toàn thực phẩm và chuẩn bị hồ sơ làm việc với thanh tra nước ngoài cho Chi cục Thủy sản, doanh nghiệp vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức về tập huấn hướng dẫn quy định về an toàn thực phẩm và chuẩn bị hồ sơ làm việc với thanh tra nước ngoài cho Chi cục Thủy sản, doanh nghiệp vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Nhận định thị trường thế giới đang biến động, người dân thắt chặt chi tiêu dẫn đến lượng hàng tồn kho nhiều, ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản khẳng định đây là giai đoạn rất khó khăn cho ngành hàng cá tra.

Câu chuyện điển hình ông Cẩn đưa ra, mới đây Bộ NN-PTNT cùng một số tỉnh thành ĐBSCL tới thăm một cảng biển ở Hà Lan. Đây được xem là nơi trung chuyển gần 60% lượng hàng nông thủy sản Việt Nam vào châu Âu. Một doanh nghiệp logistics tại đây chia sẻ, lượng hàng thủy sản tồn kho ở cảng rất nhiều.

Nhìn lại tình hình xuất khẩu trong nước, ông Cẩn cho biết, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng cá tra đạt trên 2,4 tỷ USD. Ba thị trường lớn nhập khẩu cá tra Việt Nam là: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU. Bước sang nửa đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ sụt giảm sâu đến 60% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Trung Quốc cũng ghi nhận mức giảm gần 35% và EU giảm khoảng 20%.

Theo ông Cẩn, đối với thị trường EU, hiện khu vực này không chỉ quan tâm các sản phẩm đạt chứng nhận môi trường bền vững, mà còn quan tâm đến chứng nhận an sinh thực vật và chứng nhận giảm phát thải khí nhà kính. Thậm chí các tiêu chuẩn, chứng nhận này có thể dần được luật hóa.

“Nói như thế để thấy rằng sản xuất cá tra sản xuất theo chuỗi, buộc chúng ta phải tiếp cận và theo thị trường. Ngành hàng cá tra hiện nay đã chuyên nghiệp và chúng ta cần nỗ lực để giữ vững vị thế”, ông Cẩn bày tỏ.

Hiện, khu vực ĐBSCL có 142 cơ sở/vùng nuôi cung cấp nguyên liệu cho 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ, chiếm gần 9% số cơ sở/vùng nuôi cả nước. Tuy số lượng không nhiều, nhưng lại giữ vị thế quan trọng.

Khu vực ĐBSCL có 142 cơ sở/vùng nuôi cung cấp nguyên liệu cho 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ. Ảnh: Kim Anh.

Khu vực ĐBSCL có 142 cơ sở/vùng nuôi cung cấp nguyên liệu cho 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ. Ảnh: Kim Anh.

Đặc biệt, việc đảm bảo các điều kiện ATTP tại các cơ sở, vùng nuôi cá tra cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ là yếu tố tiên quyết để giữ thị trường.

Vừa qua, Cục Thủy sản đã tổ chức rà soát điều kiện nuôi của 17 cơ sở/vùng nuôi tại 4 địa phương nuôi cá tra trọng điểm trong vùng là An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và Tiền Giang. Các vùng nuôi, cơ sở nuôi còn lại do Sở NN-PTNT các địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát.

Cục Thủy sản đánh giá, các cơ sở/vùng nuôi của doanh nghiệp đảm bảo tốt các tiêu chí, điều kiện theo Chương trình kiểm soát ATTP cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. 100% các cơ sở/vùng nuôi được cấp mã số nhận diện ao nuôi. Tuy nhiên, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 30% các hộ nuôi nhỏ lẻ, vẫn còn tồn tại một số tiêu chí về cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, cơ quan chuyên môn Cục Thủy sản đã hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở khẩn trương khắc phục, đầu tư thêm cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh.

Thời gian tới, Cục Thủy sản sẽ phối hợp với một số doanh nghiệp cung ứng giống cá tra để phát triển công tác chọn giống qua nhiều thế hệ, cung cấp cho thị trường. Lãnh đạo Cục Thủy sản cho biết, đơn vị đang đặt hàng 75.000 cá tra bố mẹ để cung cấp cho các địa phương. Tạo cơ sở lai tạo con giống chất lượng, thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản đánh giá, đợt thanh tra của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ FSIS rất quan trọng, là tín chỉ để cá tra Việt Nam thâm nhập vào các thị trường khác. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản đánh giá, đợt thanh tra của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ FSIS rất quan trọng, là tín chỉ để cá tra Việt Nam thâm nhập vào các thị trường khác. Ảnh: Kim Anh.

Đợt thanh tra của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ FSIS lần này được đánh giá rất quan trọng. Bởi Hoa Kỳ là thị trường lớn, là "tín chỉ" để xuất khẩu sang thị trường khác.

Vì vậy Sở NN-PTNT các địa phương cần vào cuộc tích cực, nỗ lực khắc phục những tồn tại. Đối với doanh nghiệp cần nắm chắc thông tin từ thị trường và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để đảm bảo xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, đạt chuẩn.

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.