| Hotline: 0983.970.780

Cả xã vùng cao sinh sống bằng nước mất vệ sinh nhiều năm nay

Chủ Nhật 22/05/2016 , 08:01 (GMT+7)

Theo Quyết định 755 của Thủ tướng chính phủ về chính sách hỗ trợ đất ở, đất SX, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã thôn bản đặc biệt khó khăn, mỗi hộ nghèo ở Phước Gia nếu đóng giếng bơm thì được Nhà nước hỗ trợ 1,3 triệu đồng, nhưng đóng cái giếng cũng mất hơn 6 triệu, dân không đủ tiền để thêm vào.

Trên địa bàn xã không có công trình nước sạch nào, suối khe bị ô nhiễm nặng, cộng đồng người Ca Dong ở xã Phước Gia (huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) đang sống chung với nước bẩn.

Anh Hồ Văn Danh (26 tuổi, thôn 3, Phước Gia), nói: “Nước suối đã không còn sạch nữa rồi, mình chờ hứng nước mưa để uống, nhưng mùa này chẳng thấy mưa đâu, tắm rửa thì phải ra suối, tắm xong thấy ngứa lắm.”

Cả xã cũng có chừng chục hộ làm giếng đóng bi, nhưng ông Hồ Đình Trí (56 tuổi, thôn 1), chủ nhân của một cái giếng bi, nói: “Nước ngầm bây giờ khô cạn, chỉ múc hai ba tiếng là giếng khô đáy”. Còn bà Bà Hồ Thị Nhanh (55 tuổi, thôn 1), người lấy nước từ giếng đóng bi của ông Trí, thì nói: “Mỗi tháng mình trả cho chủ giếng 95 nghìn đồng, nhà mình nghèo phải lo trả tiền nước, lại phải chở nước quá xa, cực lắm.”

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra từ nhiều năm nay, ảnh hưởng đến cả 5 thôn của xã Phước Gia, gồm 226 hộ với gần 1200 nhân khẩu.

08-45-49_nh-2
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra từ nhiều năm nay, ảnh hưởng đến cả 5 thôn của xã Phước Gia

Theo các hộ dân, bao quanh các khe suối trên địa bàn xã là một nông trường cao su: Thuốc diệt cỏ, rồi hóa chất thải độc hại từ nông trường đổ dồn về khe suối, rồi trâu bò tắm lội làm nước bị ô nhiễm nặng.

Hơn nữa, khe bây giờ cũng khô cạn, nước tự chảy về lúc có lúc không tùy trời mưa nhiều hay ít. Chỉ có khe suối của bản Đồi Sim (thôn 1) là nước đầy và sạch, nhưng đủ chỉ dùng cho 8 hộ trong bản. Người dân phải ra dòng suối bị ô nhiễm nặng để tắm. Qua hệ thống nước tự chảy, họ dùng nước suối mà không qua bộ lọc nào.

Phước Gia là xã vùng cao khó khăn nhất trong số các xã của huyện Hiệp Đức. Cả xã cũng không có một cái chợ, số hộ buôn bán tạp hóa chỉ đếm trên đầu ngón tay, dân chủ yếu làm nương rẫy, đã vậy không có công trình nước sạch nào.

Ông Trần Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Phước Gia thông tin, theo Quyết định 755 của Thủ tướng chính phủ về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã thôn bản đặc biệt khó khăn, mỗi hộ nghèo ở Phước Gia nếu đóng giếng bơm thì được Nhà nước hỗ trợ 1,3 triệu đồng, nhưng đóng cái giếng cũng mất hơn 6 triệu, dân không đủ tiền để thêm vào.

08-45-49_nh-3
Trẻ em bắt buộc phải ra nơi dòng suối bị nhiễm độc nặng để tắm

“Ngày trước dân Ca Dong chúng tôi chưa bao giờ biết đến bệnh tật, mười năm trở lại đây bệnh tật liên miên, nhập viện thường xuyên, tôi nghĩ cũng do nguồn nước ô nhiễm. Tôi rất mong các cấp ngành hay nhà hảo tâm nào đấy ủng hộ cho xã một công trình nước sạch, có hệ thống lọc công nghiệp hẳn hoi, để người dân không còn uống nước bẩn.” – ông Thanh khẩn thiết.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế về tỉnh Gia Lai

Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đã đề nghị một số địa phương nộp hơn 57 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.

Tăng cường tập huấn phòng chống cháy rừng tại các phân trường

Sóc Trăng Ngoài chuẩn bị tốt phương án xử lý khi có cháy rừng, lãnh đạo Sóc Trăng đề nghị ngành kiểm lâm tăng cường tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường.