| Hotline: 0983.970.780

Các chuyên gia nói ‘bão ngày một khó lường’

Thứ Tư 14/10/2020 , 11:02 (GMT+7)

Một loạt các cơn bão gần đây đã bất ngờ tăng tốc, mạnh lên rất khó dự báo và được các nhà khoa học cho là do sự nóng lên của khí hậu toàn cầu.

Chết đi sống lại

Ví dụ mới nhất chính là cơn bão Delta xuất phát từ Đại Tây Dương đã đột ngột tăng sức mạnh khi nó đổ vào vùng duyên hải Vịnh Mexico gồm các bang Texas, Louisiana, Mississippi, Alabama, và Florida ở miền nam nước Mỹ.

Bão Delta hình thành hôm lúc nửa đêm hôm 8/10/2020 và hiện vẫn còn là một mối đe dọa. Ảnh: AP

Bão Delta hình thành hôm lúc nửa đêm hôm 8/10/2020 và hiện vẫn còn là một mối đe dọa. Ảnh: AP

Theo các chuyên gia nghiên cứu khí tượng, bão Delta trước khi đổ bộ vào bán đảo Yucatan đã đột nhiên suy yếu khi tốc độ di chuyển của nó chỉ là 35 dặm trên giờ (tương đương 56km/h) và ngang một đợt áp thấp nhiệt đới không tên. Tuy nhiên điều kỳ quái là sau đó 36 giờ đồng hồ, bão Delta đã “sống lại” với sức gió mạnh 140 dặm trên giờ (225km/h) và được xếp vào danh mục bão khủng Cấp độ 4.

Nhà khoa học về dữ liệu thời tiết Sam Lillo ở Đại học Colorado (Mỹ) cho biết, bão Delta đã thiết lập kỷ lục mới về tốc độ di chuyển được ghi nhận từ cách đây đúng 20 năm.

 “Thực tế là chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều điều tương tự xảy ra trong vài năm qua khi ghi nhận tính khó lường về sức mạnh của các cơn bão chỉ trong một thời gian ngắn, khác xa so với những năm 1980. Phần lớn nguyên nhân là liên quan đến biến đổi khí hậu do con người gây ra", chuyên gia dự báo bão và khí hậu Jim Kossin thuộc Cục Khí quyển và Đại dương quốc gia cho hay.

Nhận xét chung trong vài thập kỷ qua, các nhà khí tượng học thế giới ngày càng quan ngại về tính khó lường trước những cơn bão vốn xuất phát điểm khá… ầu ơ, giống như bão Delta rồi chỉ trong vòng 24 giờ bỗng nguy hiểm trở lại với sức tàn phá kinh khủng.

Ông Sam Lillo cho biết, bão Delta là cơn bão thứ sáu trong năm nay và là cơn bão thứ hai trong tuần chạm tới ngưỡng báo động. Trước đó là các cơn bão Hannah, Laura, Sally và Teddy và bão nhiệt đới Gamma, tất cả đều đạt có sức gió tối thiểu trên 56 km/h sau 24 giờ xuất hiện. Và mới đây nhất là cơn bão thứ bảy có tên Marco vừa hình thành cũng đã biến mất.

Chuyên gia khí tượng học kì cựu Jeff  Masters cho biết, trước bão Delta thì bão Laura là cơn bão mạnh nhất ở Vịnh Mexico trong mùa bão năm nay khi nó di chuyển với tốc độ 65 dặm trên giờ (105 km/h) sau một ngày hình thành và đổ bộ vào đất liền.

Xu hướng đáng lo ngại

Theo ông Kossin, các cơn bão có tốc độ chết chóc, khó dự báo bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn từ năm 2017, trong đó điển hình là cơn bão Harvey.

Bão Laura gây thiệt hại nặng và ngập lụt nhiều nơi ở khu vực Vịnh Mexico hôm 27/8/2020. Ảnh: AP

Bão Laura gây thiệt hại nặng và ngập lụt nhiều nơi ở khu vực Vịnh Mexico hôm 27/8/2020. Ảnh: AP

“Nếu bạn đi ngủ đúng vào lúc có một cơn bão nhiệt đới hình thành trên Vịnh Mexico và không có gì là bất ngờ khi bạn thức dậy vào sáng hôm sau, nó đã sắp đổ bộ vào đất liền và được xếp vào Cấp độ 4 và bạn không có đủ thời gian để sơ tán. Đó là một xu hướng rất đáng lo ngại", nhà khoa học Kerry Emanuel ở Viện Công nghệ Massachusetts nói.

Ông Kerry cho biết, xu hướng này sẽ không chỉ xảy ra thường xuyên hơn mà còn nguy hiểm hơn khi những thiệt hại do bão gây ra không chỉ tăng theo tốc độ gió mà còn tăng theo cấp số nhân.

Theo một nghiên cứu năm ngoái do ông Kossin và cộng sự Gabriel Vecchi, thuộc Đại học Princeton là đồng tác giả, kể từ năm 1982 đến nay tỷ lệ các cơn bão mạnh lên nhanh chóng ở Đại Tây Dương đã tăng gần gấp đôi. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mô hình phát triển của các cơn bão có xu hướng bất ngờ như kiểu Delta vừa qua là không thể giải thích được bằng các nguồn lực tự nhiên.

Theo hai tác giả Vecchi và Kossin, biến đổi khí hậu bắt nguồn từ việc đốt than, sử dụng nguồn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên rõ ràng đang đóng một vai trò quan trọng. Đó chính là các yếu tố then chốt khiến các cơn bão ngày càng trở nên khó lường- yếu đi hoặc mạnh lên do nhiên liệu từ nước nóng cộng với luồng gió ở trên cao có khả năng gây bão hoặc thay đổi đột ngột.

Các nhà khoa học cho biết, trong điều kiện thời tiết thay đổi hàng ngày thì đối với từng cơn bão, vấn đề gió là quan trọng, tuy nhiên trong nhiều thập kỷ nghiên cứu cho thấy, nhiệt độ của nước là một yếu tố còn lớn hơn nhiều.

 “Chúng ta đã tạo ra nhiều nhiệt lượng hơn trong đại dương. Đó chính là nguyên nhân hình thành nên các cơn bão ngày một khó lường”, ông Kossin nói, đồng thời dẫn chứng bão Delta đã mạnh lên khi nhiệt độ nước vào khoảng 31 độ C, ấm hơn bình thường đáng kể. Khi nó được kích hoạt nhiên liệu vào cuối ngày thứ Hai đến sáng thứ Ba, nước đủ ấm đã làm nó mạnh hơn và mở rộng độ sâu thêm khoảng 75 mét rồi di chuyển với “tốc độ điên rồ”.

Theo Trung tâm Dự báo bão quốc gia, sau khi đổ bộ vào bán đảo Yucatan, tốc độ gió của Delta giảm xuống 137 km/h và sau 24 giờ nó lại tăng tối đạt 185 km/h. Hiện cơn bão này vẫn còn là mối đe dọa đối với vùng miền nam nước Mỹ cho tới hết ngày thứ Sáu tới.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.