| Hotline: 0983.970.780

Các dự án khoa học của Viện nghiên cứu Hải sản ứng dụng thực tế cao

Thứ Hai 06/03/2023 , 20:31 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Các nhiệm vụ khoa học công nghệ của Viện nghiên cứu Hải sản sau khi kết thúc đều được ứng dụng phục vụ công tác quản lý, sản xuất và chuyển giao tới người dân.

Viện nghiên cứu Hải Sản ở TP Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Viện nghiên cứu Hải Sản ở TP Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Viện nghiên cứu Hải sản (Bộ NN-PTNT) vừa được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký tặng Huân chương Độc lập hạng Ba về những thành tích xuất sắc trong giai đoạn 10 năm vừa qua.

Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Viện nghiên cứu Hải sản trong việc thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cũng như trong đào tạo, hợp tác quốc tế, tư vấn và dịch vụ về bảo tồn và phát triển nguồn lợi hải sản; khai thác, chế biến hải sản trong phạm vi cả nước.

Ông Nguyễn Khắc Bát, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải sản cho biết, thời gian qua, đơn vị đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo Bộ NN-PTNT để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao trong bối cảnh diễn ra những thay đổi nhanh chóng của nghề cá, của đất nước.

Quá trình thực hiện các nhiệm vụ, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Viện nghiên cứu Hải sản đã huy động mọi nguồn lực và các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Lãnh đạo Viện nghiên cứu Hải sản kiểm tra việc nghiên cứu Rong Sụn tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Đinh Mười.

Lãnh đạo Viện nghiên cứu Hải sản kiểm tra việc nghiên cứu Rong Sụn tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Đinh Mười.

Đơn vị đã kịp thời cung cấp các cơ sở khoa học cho Bộ NN-PTNT trong chỉ đạo sản xuất, đi đầu trong nhiều lĩnh vực như: áp dụng phương pháp tiếp cận mới trong nghiên cứu và quản lý nghề cá, tích cực chuyển giao, ứng dựng mô hình mới và kết quả nghiên cứu mới vào sản xuất.

Trong đó với lĩnh vực nghiên cứu và quản lý nghề cá, các nhà khoa học đã tích cực tìm tòi, cập nhật và nghiên cứu ứng dụng các phương pháp nghiên cứu nghề cá mới trên thế giới phù hợp với đặc thù  nghề cá Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng công tác đánh giá nguồn lợi, nghề cá phục vụ quản lý nghề cá.

Các kết quả nghiên cứu về tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý nghề cá đã sơ bộ đưa ra bức tranh về ứng dụng phương thức quản lý mới vào thực tiễn quản lý nghề cá ở nước ta.

Trong lĩnh vực chuyển giao, ứng dựng mô hình mới và kết quả nghiên cứu mới vào sản xuất, đơn vị này cũng đã xây dựng và phát triển được các mô hình nuôi trồng rong biển kinh tế đạt hiệu quả cao ở các đảo tiền tiêu.

Ông Nguyễn Khắc Bát - Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải sản chia sẻ với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Khắc Bát - Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải sản chia sẻ với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đinh Mười.

Đơn cử như mô hình nuôi trồng rong nho biển trong bể xi măng tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và mô hình nuôi trồng rong sụn trong ô lồng lưới tại huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.

Cả hai mô hình này rong phát triển khá tốt, phù hợp với điều tự nhiên môi trường, sinh thái tại các đảo tiền tiêu và có triển vọng phát triển trở thành một trong những đối tượng nuôi trồng mới tại các đảo tiền tiêu ở biển Việt Nam.

Hay bên cạnh đó, đơn vị đã nghiên cứu thành công quy trình bảo quản cá ngừ đại dương bằng đá sệt trên tàu thử nghiệm giảm tổn thất về chất lượng sản phẩm trên 30% và giảm 4,7% tổn thất về số lượng so với bảo quản bằng nước đá.

Theo quy trình này, thời gian bảo quản 20-25 ngày dài hơn so với bảo quản bằng nước đá thông thường (10-12 ngày). Chất lượng cảm quan, hóa sinh nằm trong giới hạn an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Khắc Bát chia sẻ thêm, những năm qua, dù số lượng cán bộ không tăng, nhưng đơn vị đã thực hiện một khối lượng công việc lớn, quy mô công việc ngày càng tăng và các sản phẩm khoa học ngày càng được nâng cao cả về lượng và chất.

Cán bộ Viện nghiên cứu Hải sản trong một chuyến điều tra nguồn lợi hải sản trên biển. Ảnh: VHS.

Cán bộ Viện nghiên cứu Hải sản trong một chuyến điều tra nguồn lợi hải sản trên biển. Ảnh: VHS.

Đội ngũ cán bộ được đào tạo cơ bản và chuyên sâu, có khả năng nắm bắt và cập nhật kiến thức khoa học công nghệ trong và ngoài nước, là lực lượng nòng cốt triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Còn với lực lượng cán bộ trẻ, tất cả được đào tạo bài bản và đang ở độ chín vẫn tâm huyết, gắn bó với nghề, tiếp tục phát huy được truyền thống đoàn kết, bền bỉ khắc phục khó khăn, phát triển ổn định và hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao.

Có thể nói, những năm vừa qua, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ có sự chuyển biến tích cực theo xu thế đi lên, phù hợp với tình hình thực tế, bám sát đề án tái cơ cấu ngành thủy sản.

Các nhiệm vụ do Viện nghiên cứu Hải sản thực hiện rất đa dạng, bao quát các lĩnh vực khoa học công nghệ ngành thủy sản từ công nghệ khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản đến đánh giá nguồn lợi, môi trường, điều tra hiện trạng, xây dựng giải pháp... phục vụ quản lý của ngành.

Đơn cử như việc chuyển giao 3 công nghệ khai thác vào thực tiễn sản xuất là hệ thống tời thủy lực cho nghề lưới chụp, hệ thống tời thủy lực thu lưới rê tầng đáy và hệ thống ánh sáng đèn LED cho nghề lưới chụp cho ngư dân một số địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Bình Thuận.

"Hầu hết các nhiệm vụ khoa học công nghệ sau khi kết thúc đều được ứng dụng phục vụ công tác quản lý, sản xuất kinh doanh của ngành thủy sản và được chuyển giao công nghệ tới ngư dân và địa phương", ông Bát khẳng định.

Giai đoạn 2010-2020, Viện nghiên cứu Hải sản thực hiện tổng số 184 nhiệm vụ Khoa học công nghệ trong và ngoài nước, trong đó có 25 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 61 nhiệm vụ cấp Bộ, 41 nhiệm vụ cấp Tỉnh, 7 nhiệm vụ cấp Viện, 46 hợp đồng KHCN, 4 nhiệm vụ Hợp tác quốc tế.

Kết quả, 100% các nhiệm vụ nghiệm thu các cấp đạt yêu cầu, trong đó trên 85% đạt loại khá trở lên. Tổng số nhiệm vụ thuộc giai đoạn này tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 10 năm trước, trong đó nhiệm vụ với các tỉnh địa phương tăng đột biến 20,5 lần. Bình quân mỗi năm Viện triển khai và thực hiện được 19,2 nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Dựa vào dân để giám sát tàu cá vi phạm

Nhân dân là tai mắt trong việc phát hiện tàu cá vi phạm. Do vậy, cần dựa vào dân, lấy dân làm gốc trong thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.