Tổng lượng nước về các hồ thủy điện miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam hiện chỉ đạt 3,29 tỷ m3, thấp hơn dự kiến 1,84 tỷ m3.
Lưu lượng nước về tại hầu hết các hồ thủy điện trong khu vực đều giảm thấp hơn so với giá trị trung bình nhiều năm, trong đó nhiều hồ có giá trị lưu lượng nước về là cực hạn trong chuỗi quan trắc nhiều năm, như: Bản Vẽ, Hủa Na, Cửa Đạt, Quảng Trị, Bình Điền, A Vương, Đăk Rinh, Ka Nak, Krông H’năng, Pleikrông, Ialy, Hàm Thuận, Đại Ninh, Đồng Nai 3, Trị An, Thác Mơ…
Trước tình hình rất khó khăn về nguồn nước, EVN đã phối hợp với Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN-MT) làm việc cụ thể với UBND các tỉnh vùng hạ du các hồ chứa thủy điện, chỉ đạo vận hành các nhà máy thủy điện đáp ứng nhu cầu nước phục vụ SXNN và sinh hoạt của nhân dân các địa phương.
EVN cũng đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các Sở, ban ngành được UBND các tỉnh, thành phố trên địa bàn phân công làm đơn vị chủ trì, đầu mối tại địa phương và các đơn vị liên quan, trên cơ sở lượng nước còn lại trong các hồ thủy điện và dự báo tình hình thủy văn của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn để xác định nhu cầu sử dụng nước, lập kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa thủy điện, phù hợp với tình hình thủy văn thực tế, tuân thủ các Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ưu tiên trước tiên là đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, dịch vụ của người dân, sau đó đến chăn nuôi gia súc, SXNN, thủy sản, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh và sản xuất công nghiệp, sản xuất điện.