Sáng 24/11, tại thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đã diễn ra hội nghị đánh giá kết quả thực hiện quy chế phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm Vùng I và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố, các Vườn Quốc gia khu vực phía Bắc.
Ông Trần Văn Triển, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng I cho biết, sau 3 năm triển khai quy chế, sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa Chi cục Kiểm lâm Vùng I với các Chi cục Kiểm lâm địa phương ngày càng phát triển toàn diện trên tất cả các mặt công tác của ngành; Các giải pháp trọng tâm, có hiệu quả từ cấp Chi cục đến các đơn vị cơ sở, đặc biệt là công tác phối hợp trong chia sẻ thông tin về các điểm nghi biến động rừng tự nhiên, cháy rừng, kiểm tra, truy quét phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, nhất là hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động áp dụng pháp luật.
Đối với các Vườn Quốc gia, mặc dù hoạt động phối hợp mới được triển khai trong năm đầu tiên, tuy nhiên hai bên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đầy đủ nội dung kế hoạch phối hợp…
Theo đó, Chi cục Kiểm lâm Vùng I đã kịp thời thông tin, ban hành 34 văn bản gửi Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương trong công tác quản lý nhà nước và thi hành pháp luật về lâm nghiệp.
Duy trì khai thác thông tin về quản lý bảo vệ rừng trên các kênh thông tin truyền thông. Trong 10 tháng đầu năm 2023, các lực lượng trên đã cập nhật 110 loạt tin bài phản ánh về tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật… kịp thời liên hệ với các địa phương nơi có vụ việc xảy ra để kiểm tra, xác minh, xử lý đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, hạn chế dư luận không tốt trong công tác bảo vệ rừng.
Ngay từ đầu năm, Chi cục Kiểm lâm Vùng I phối hợp với các Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổng hợp, báo cáo, công bố hiện trạng rừng năm 2022; duy trì hỗ trợ, hướng dẫn khắc phục lỗi cập nhật diễn biến tài nguyên rừng năm 2023 theo đề nghị của Chi cục Kiểm lâm các tỉnh.
Cụ thể là đã tư vấn, giải đáp trên 500 cuộc điện thoại, 100 lượt hỗ trợ qua Teamviewer, Ultraview; trên 300 lượt trao đổi qua email, zalo… cho các công chức phụ trách công tác theo dõi, cập nhật diễn biến rừng; Cử cán bộ làm giảng viên hỗ trợ các Chi cục Kiểm lâm địa phương tổ chức các lớp tập huấn về diễn biến rừng.
Chi cục Kiểm lâm Vùng I đã thực hiện 44 đợt dự báo, cảnh báo sớm nguy cơ cháy rừng đăng lên website (1 lần/tuần), giúp các địa phương có thêm kênh thông tin tham khảo, kịp thời xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống cháy rừng trong mùa khô hanh.
Phối hợp tuần tra rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn Vườn; hỗ trợ theo dõi, cập nhật diễn biến rừng... đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, an ninh rừng trên địa bàn vườn được bảo đảm.
Đặc biệt, công tác phát triển rừng tính đến tháng 10/2023, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 95.185,7ha. Trong đó, rừng đặc dụng 270ha, rừng phòng hộ 956,1ha và rừng sản xuất 93.959,6ha; diện tích rừng trồng được chăm sóc đạt 236.576,8ha; diện tích rừng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh đạt 65.630 ha (trong đó khoanh nuôi mới 4.310ha; khoanh nuôi chuyển tiếp 61.320ha; số lượng cây lâm nghiệp trồng phân tán 31.141 nghìn cây; số lượng cây giống lâm nghiệp đạt 589.309 nghìn cây giống các loại).
Đáng chú ý là ngày càng có nhiều mô hình phát triển rừng bền vững hơn như ở các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lạng Sơn, Yên Bái, Quảng Ninh, Bắc Giang…