| Hotline: 0983.970.780

Phát triển rừng phòng hộ và đặc dụng bền vững

Thứ Năm 23/11/2023 , 09:18 (GMT+7)

Tỉnh An Giang thực hiện các dự án trồng rừng qua các giai đoạn, đến nay diện tích vùng đồi núi của tỉnh đã được phủ xanh, nâng độ che phủ rừng lên 3,5%.

An Giang có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp gần 16.870ha, trong đó rừng đặc dụng 1.577ha, chiếm 9,35% diện tích đất lâm nghiệp. Rừng phòng hộ 11.550ha, chiếm 68,47% diện tích đất lâm nghiệp. Rừng sản xuất 3.741ha, chiếm 22,18% diện tích đất lâm nghiệp.

Rừng và đất rừng của An Giang tuy không lớn so với các tỉnh, thành khác nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với phát triển của du lịch, bảo vệ đa dạng sinh học, an ninh, quốc phòng biên giới.

An Giang thực hiện các dự án trồng rừng qua các giai đoạn, đến nay cơ bản diện tích đất rừng vùng đồi núi của tỉnh đã phủ xanh, nâng độ che phủ rừng lên 3,5%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

An Giang thực hiện các dự án trồng rừng qua các giai đoạn, đến nay cơ bản diện tích đất rừng vùng đồi núi của tỉnh đã phủ xanh, nâng độ che phủ rừng lên 3,5%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang cho biết: Thời gian qua được sự quan tâm của nhà nước, đặc biệt là Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) và Sở NN-PTNT An Giang đưa ra các chủ trương chính sách, pháp luật về phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng đã được đầu tư thông qua các dự án trồng rừng qua các giai đoạn từ năm 1991 đến nay.

Đối với rừng phòng hộ đồi núi, Ban quản lý dự án trồng rừng phòng hộ và đặc dụng (do Chi cục Kiểm lâm An Giang kiêm nhiệm), địa phương đã thực hiện các dự án trồng rừng qua các giai đoạn từ năm 1991 – 2017, cơ bản diện tích đất rừng vùng đồi núi của tỉnh An Giang đã được phủ xanh, góp phần nâng độ che phủ rừng lên 3,5%.

Tuy nhiên bên cạnh những mặt thuận lợi về phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng ở An Giang, cũng còn một số khó khăn về mặt chủ thể quản lý rừng phòng hộ và rừng đặc dụng . Ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang cho hay, hiện nay các diện tích rừng và đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng vùng đồi núi của địa phương chưa có quyết định giao đất rừng cho đơn vị để quản lý. Vì vậy, chưa xác lập được chủ quyền quản lý đất rừng.

Hiện nay cơ quan này đang lấy ý kiến, góp ý thống nhất diện tích đất rừng giữa 4 huyện, thành phố có rừng để tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh An Giang phê duyệt kế hoạch phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2030.

Cũng theo ông Nhân, cái khó tiếp theo hiện nay do áp lực tăng dân số ngày càng tăng, nhất là trên vùng đồi núi, thu nhập từ rừng không bảo đảm cuộc sống, trong khi thu nhập từ nguồn khác không có. Do đó nhu cầu sử dụng đất rừng vào các mục đích khác như làm rẫy, trồng cây ăn trái, làm du lịch... do có hiệu quả kinh tế cao hơn, gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Vào mùa khô lực lượng kiểm lâm An Giang đều gắn đặt bảng cảnh báo phòng chống cháy rừng và vận động người dân hạn chế vào rừng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vào mùa khô lực lượng kiểm lâm An Giang đều gắn đặt bảng cảnh báo phòng chống cháy rừng và vận động người dân hạn chế vào rừng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cộng đồng dân cư sống trong rừng hay gần rừng hầu hết là đồng bào dân tộc Khmer, đời sống còn khó khăn, trình độ dân trí thấp cũng ảnh hưởng đến việc phát triển rừng. Tình trạng quy hoạch các lĩnh vực khác như thủy lợi, du lịch, quốc phòng... bị chồng lấn trên đất lâm nghiệp trong khi ranh giới giữa diện tích rừng và các dự án này không rõ ràng cũng làm cho diện tích đất lâm nghiệp bị thu hẹp, diện tích trồng rừng tập trung ngày càng ít đi, trong khi chất lượng rừng trồng chưa được nâng cao.

Do điều kiện lập địa khó khăn (độ dốc lớn, đất đai nghèo kiệt về dinh dưỡng …), chính vì vậy việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào công tác giống cây trồng rừng chưa cao, khó thực hiện đầy đủ các biện pháp lâm sinh nên năng suất rừng trồng chưa cao. Ngoài ra, việc đầu tư cho công tác phát triển rừng còn gặp những rủi ro nhất định như thời tiết khô hạn kéo dài, cháy rừng, chu kỳ kinh doanh rừng dài… chưa thật sự khuyến khích được người dân, cộng đồng, và các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng, làm ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển rừng trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Đức Duy, Phó Giám Sở NN-PTNT An Giang, địa phương đang tập trung xây dựng bản đồ số hóa đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, trồng rừng bổ sung nâng cao chất lượng rừng giai đoạn 2026 - 2030, đồng thời tập trung bảo vệ và phát triển rừng tại khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm, xác định ranh giới, cắm mốc 2 loại rừng phòng hộ và đặc dụng.

Tỉnh cũng sẽ tiếp tục trồng cây lâm nghiệp phân tán để tạo vành đai rừng phòng hộ cho đồng ruộng, hỗ trợ và bảo vệ sản xuất nông, ngư nghiệp nhằm giúp hạn chế xói lở, làm mất đất, giảm tối đa thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm nhẹ thiên tai, điều hòa khí hậu, ổn định môi trường, cân bằng hệ sinh thái, hạn chế ô nhiễm môi trường, cải tạo đất và bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng. Mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh trồng được thêm hơn 5,2 triệu cây xanh, tương đương diện tích 5.223ha.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.