Người dân tuân thủ quy định
Quy trình đánh bắt cua an toàn, đúng luật và tránh thất lạc bẫy của người Na Uy thường diễn ra ở cả 3 giai đoạn: Trước khi đặt bẫy, cố gắng tìm lại bẫy và sau khi hoàn toàn thất lạc bẫy.
Cụ thể, ngay từ quá trình đặt bẫy, người đánh bắt phải gắn “tem” trên bẫy, ghi rõ họ tên, địa chỉ và số điện thoại của mình trước khi thả bẫy xuống biển. Việc cung cấp thông tin cá nhân này vừa giúp kiểm soát hành vi đánh bắt theo luật và tìm kiếm bẫy bị mất để trả lại cho chủ nhân, hoặc tái sử dụng.
Tiếp theo, khi mất bẫy trong quá trình đánh bắt, người dân cần tìm lại thiết bị của mình. Lúc này, họ có thể dùng dây xích cào với các mắt xích cắt hở, kéo lê dưới lòng biển ở tốc độ chậm. Nếu gặp bẫy thất lạc dưới đáy biển, các mắt xích hở dễ dàng móc vào và kéo bẫy theo. Tàu kéo xích cào phải di chuyển theo hướng đan nong mốt so với đoạn lòng biển có bẫy bị mất. Quá trình này đòi hỏi cả kỹ năng và sự kiên nhẫn khi không thể xác định ngư cụ bị mất ở chính xác vị trí nào.
Nếu quá trình tìm kiếm bẫy không thành công, người dân phải báo với cơ quan chính quyền thông qua đường dây nóng hay ứng dụng báo cáo trực tuyến. Và với quốc gia này, sẽ là vi phạm pháp luật nếu không báo cáo việc thất lạc bẫy.
Hành động từ phía Chính phủ Na Uy
Để ngăn ngừa bẫy thất lạc bị trôi nổi trong đại dương, Chính phủ Na Uy đã nỗ lực tuyên truyền cho người dân cách thu hồi ngư cụ khi mất và tác hại của việc để mất ngư cụ (hình thành các bẫy ma). Bẫy ma là những chiếc bẫy bị thất lạc, trôi tự do trong nước, vẫn bắt cá tôm nhưng không có ai thu hoạch. Bẫy ma gây ô nhiễm và có thể triệt tiêu hải sản với số lượng lớn và trong thời gian dài. Bẫy ma là nỗi ám ảnh với chính quyền Na Uy trong việc bảo vệ biển.
Hiện tại, kênh Youtube của Tổng cục Thủy sản nước này (Fiskeridirektoratet) đang phát huy hiệu quả tuyên truyền rất tốt với nhiều video hướng dẫn cách đặt bẫy đúng cách, tìm kiếm ngư cụ hay tác hại của bẫy ma và cách báo mất bẫy.
Bên cạnh đó, Na Uy cũng có nhiều cách kiểm tra khi người dân đặt bẫy sai, không tìm kiếm bẫy bị thất lạc, hoặc không báo cáo khi mất ngư cụ. Ví dụ, Cảnh sát biển Na Uy được phép kéo bẫy của người dân lên để kiểm tra bẫy có được thiết kế đúng hay không. Việc kiểm tra này không cần sự có mặt của người dân hoặc chủ bẫy, chỉ cần phát hiện sai phạm, cảnh sát dùng thông tin trên tem để xử lý tiếp.
Cũng theo chương 17 trong Quy định về hoạt động đánh bắt trên biển của Na Uy, các đội tàu đánh bắt hải sản chuyên nghiệp nước này có nghĩa vụ phải tìm kiếm khi để mất ngư cụ. Nếu hoạt động tìm kiếm không thành công, họ sẽ cần thông báo tổn thất về loại ngư cụ, số lượng thiết bị và vị trí bị mất cho lực lượng Cảnh sát biển hoặc thông qua nhật ký điện tử.
Tổng cục Thủy sản Na Uy cũng thường xuyên tiến hành các hoạt động trục vớt ngư cụ và làm sạch biển thường niên trong suốt 40 năm qua. Kể từ các chuyến dọn sạch biển những năm 1980 tới năm 2019, hơn 1.000 tấn ngư cụ đã được đưa ra khỏi đáy biển khơi. Trong chuyến tàu trục vớt gần đây nhất, vào tháng 8,9/2020, khoảng 100 tấn thiết bị đánh cá và ngư cụ bị thất lạc cũng đã được dọn sạch khỏi vùng biển Ålesund và Svalbard.