| Hotline: 0983.970.780

Na Uy chia sẻ mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch

Thứ Năm 19/05/2022 , 13:15 (GMT+7)

Na Uy hiện áp dụng mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch rất thành công, liệu chúng ta có học hỏi được lợi thế và tiềm năng từ lĩnh vực này.

Tại hội thảo phát triển bền vững nuôi biển quy mô công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa mới đây, ông Arne Kjertil Lian, Tham tán thương mại Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam chia sẻ, Na Uy rất thành công về mô hình nuôi cá hồi kết hợp du lịch.

Ông Arne Kjertil Lian, Tham tán thương mại Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam chia sẻ mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch ở Na Uy. Ảnh: KS.

Ông Arne Kjertil Lian, Tham tán thương mại Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam chia sẻ mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch ở Na Uy. Ảnh: KS.

Để thúc đẩy mô hình này, Tổng cục Thủy sản Na Uy sẽ cấp giấy phép miễn phí cho trang trại trình diễn nuôi cá trên biển với thời hạn 10 năm. Đây là cơ chế chính sách của Chính phủ Na Uy nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Bởi ở Na Uy, các doanh nghiệp muốn có được giấy phép nuôi cá trên biển phải thông qua quy trình đấu giá rất tốn kém ( từ 15 - 20 triệu EURO/giấy phép).

Đến nay, Tổng cục Thủy sản Na Uy đã cấp 30 giấy phép cho mô hình trình diễn, trong đó 27 trang trại đã xây dựng và đi vào vận hành, 3 trang trại trong quá trình xây dựng. Tổng cục Thủy sản cấp giấy tuy nhiên chính quyền địa phương sẽ quyết định địa điểm trang trại trình diễn đặt ở đâu.

Theo ông Arne Kjertil Lian, sau khi được cấp giấy phép, các doanh nghiệp thủy sản thường hợp tác với các Viện Bảo tàng địa phương, Trung tâm công nghệ, nhà hàng để xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch.

Na Uy rất thành công với mô hình nuôi cá hồi kết hợp với du lịch. Ảnh: MH.

Na Uy rất thành công với mô hình nuôi cá hồi kết hợp với du lịch. Ảnh: MH.

Giám đốc Bảo tàng Kyst Museum, một trong những Bảo tàng lớn nhất ở Na Uy cho biết, về phía doanh nghiệp nuôi cá họ chỉ chú trọng xây dựng trang trại và nuôi cá bình thường. Còn nhóm của Viện Bảo tàng sẽ đảm nhận về du lịch, từ việc sắp xếp tàu bè ra thăm mô hình, lên chương trình tour, chi phí, thời gian…

Trong chương trình tour, ngoài giới thiệu về quy trình sản xuất cá hồi Na Uy, các du khách còn được chia sẻ các vấn đề liên quan như tác động xã hội của mô hình đối với địa phương, phúc lợi của cá mang lại; sự xung đột giữa nuôi trồng thủy sản với đánh bắt hay việc các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản tạo công ăn việc làm cho lao động như thế nào.

“Tất cả các vấn đề đó, chúng tôi đều đưa vào chương trình tour để trao đổi, chia sẻ với khách du lịch tham quan”, Giám đốc Bảo tàng Kyst Museum chia sẻ và cho biết thêm, để thúc đẩy du lịch cũng như chia sẻ kiến thức về nuôi trồng thủy sản, chính quyền địa phương quy định giá tham quan có đoàn khách với mức thấp, thông thường khoảng 10 EURO. Bởi trong quá trình tham quan, các doanh nghiệp nuôi cá có thể bán sản phẩm cho du khách.

Theo Giám đốc Bảo tàng Kyst Museum, hiện Bảo tàng của ông liên kết doanh nghiệp nuôi cá đưa khách tham quan 4 điểm, trong đó 2 điểm nuôi thương phẩm, 1 điểm sản xuất cá giống và 1 điểm chế biến với quy mô hiện đại. Từ Bảo tàng đến các điểm tham quan gần xa mất khoảng 17 phút di chuyển. Khi du khách có yêu cầu tham quan các điểm trên sẽ liên hệ với Bào tàng qua email hay điện thoại, tin nhắn.

Với mô hình ở Na Uy, liệu chúng ta có thể học hỏi và áp dụng tại Việt Nam. Ảnh: KS.

Với mô hình ở Na Uy, liệu chúng ta có thể học hỏi và áp dụng tại Việt Nam. Ảnh: KS.

Một chương trình tour tham quan từ khu ấp trứng, ương con giống, nuôi thương phẩm cho đến chế biến với thời gian từ 2,5 - 3 tiếng. Các chương trình tour, Bảo tàng sẽ cố gắng tổ chức vào thời điểm để du khách chứng kiến hoạt động nuôi và chăm sóc cá thực tế trên biển như thế nào.

Cũng theo Giám đốc Bảo tàng Kyst Museum, trong 10 năm qua xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch, Bảo tàng đã thút nhiều thành phần tham quan như: học sinh, sinh viên, các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức Chính phủ, Công ty trong lĩnh vực công nghiệp, báo chí, khách du lịch, đại lý du lịch, thậm chí có cả người dân bản địa. Vì ngay cả người dân bản địa không phải ai cũng hiểu quá trình nuôi cá hồi. Được biết, Bảo tàng Kyst Museum có 250 nhân viên, mỗi năm đón khoảng 550.000 khách du lịch.

Theo Giám đốc Bảo tàng Kyst Museum, về khía cạnh phát triển du lịch, ông cho rằng khi phát triển du lịch dựa trên trải nghiệm kết hợp chia sẻ kiến thức cho du khách rất dễ dẫn đến sự thành công. Những trải nghiệm mà du khách có được đi tàu cao tốc được nước bắn vào mặt, họ đã thích rồi, nay kết hợp chuyến đi nắm bắt kiến thức về nuôi trồng thủy sản từ sản xuất con giống cho đến chế biến sẽ thu hút rất nhiều du khách đến với địa phương. Còn doanh nghiệp được mở cho du khách tham quan cũng rất thích vì được nâng cao uy tín, danh tiếng về lĩnh vực nuôi.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.