Hướng tới cây quất “sạch”
Xã Tàm Xá (huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) trước đây nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm từ khi chuyển sang trồng quất, đời sống của bà con đã được cải thiện đáng kể.
Người dân rất vui khi có loại phân bón hữu cơ vi sinh vừa đảm bảo năng suất và dáng đẹp của cây lại vừa bảo vệ đất cũng như sức khỏe của người làm vườn. |
Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Hữu Vân- Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiện nay xã có khoảng 300 gia đình trồng quất với diện tích khoảng 80ha. Những năm nay gần đây thời tiết thuận lợi, cây quất đẹp nên bán rất được giá, nhiều hộ gia đình có kỹ thuật chăm sóc tốt thu nhập mỗi năm từ cây quất lên tới 1,7 tỷ đồng/ha”.
Nếu như trước kia quất Tàm Xá chủ yếu là bán lẻ thì giờ đây gần như toàn bộ đều là bán buôn, hàng năm cứ gần giáp Tết thương lái lại đổ về đây mua cây rất đông và nhộn nhịp. Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ triển khai chuyển đổi diện tích đất bãi ít hiệu quả sang trồng quất, không chỉ giúp bà con tăng thêm thu nhập mà còn tận dụng hiệu quả những lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên…
Tuy nhiên, vấn đề nổi lên là chuyện sử dụng phân bón, thuốc hóa học, dùng trong thời gian dài sẽ khiến đất bị bạc màu, mất dinh dưỡng nuôi cây, còn nông dân tiếp xúc thường xuyên cũng có nguy cơ mắc các bệnh về gan và hô hấp.
Dù biết là xấu và hại nhưng bà con nông dân lại không thể ngừng sử dụng bởi các loại thuốc và phân bón hóa học có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo tiến độ phát triển của cây cũng như bảo vệ cây khỏi sâu bệnh. Đặc biệt quất Tầm Xá là quất cảnh nên dáng cây và chùm quả quyết định rất lớn đến giá trị của cây.
Vấn đề trên đã đặt ra cho chính quyền xã một câu hỏi lớn: Làm sao để vừa đảm bảo năng suất cho cây vừa không có tác động xấu tới người dân và môi trường? Từ thực tiễn trên, một số HTX tại địa bàn huyện Đông Anh đã phối hợp cùng Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) để áp dụng một loại chế phẩm vi sinh.
Chế phẩm này tác động vào thức ăn trong chăn nuôi không chỉ xử lý được mùi hôi trong chuồng trại mà khi thải ra môi trường còn thúc đẩy quá trình mùn hóa phân nhanh hơn. Khi được xử lý cùng các nguồn thải hữu cơ khác sẽ tạo thành phân hữu cơ vi sinh, giúp tăng độ phì nhiêu, tơi xốp cho đất, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất cây trồng.
“Từ thành công trên của các mô hình nông nghiệp trên cùng địa bàn huyện, chính quyền xã Tàm Xá đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân về loại phân bón mới, hướng tới mục tiêu hạn chế tối đa sử dụng chất hóa học trong canh tác. Chúng tôi hy vọng, quất Tàm Xá sẽ được sử dụng lâu dài và đa dạng trong cuộc sống, không chỉ làm cảnh ngày Tết mà còn được sử dụng làm mứt hoặc thuốc trị ho”, ông Vân chia sẻ.
Nâng tầm thương hiệu quất Tầm Xá
Hiện tại, cây quất Tàm Xá đã có một vị trí nhất định trên thị trường khu vực, tuy nhiên để thực hiện mục tiêu đưa nơi đây trở thành vựa quất cảnh lớn cung ứng cho tiêu dùng của người dân Thủ đô và cả nước thì còn cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ phía chính quyền và bà con nông dân.
Với diện tích trồng lên tới 80 ha, cây quất đã mang lại thu nhập lớn cho người dân xã Tàm Xá. Những cây quất dáng đẹp có giá lên tới 7 triệu đồng. |
Trong thời gian tới, UBND xã Tàm Xá sẽ phối hợp cùng Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) triển khai kế hoạch gắn mã truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm quất Tàm Xá. Theo đó, mọi thông tin sản phẩm như giống quất, tên hộ trồng, ngày thu hoạch, hướng dẫn bảo quản… đều được cập nhật trên Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản Thành phố Hà Nội tại địa chỉ https://hn.check.net.vn/.
Thông qua mã QR truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể tra cứu toàn bộ thông tin sản phẩm chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh. Ứng dụng này không chỉ tiện lợi cho người dùng mà còn đơn giản hóa khâu quản lý của người dân. Mọi thông tin về sản phẩm được cập nhật công khai, minh bạch, tránh việc lợi dụng thương hiệu để kinh doanh thu lời.