Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao mô hình liên kết trồng lúa hữu cơ ở Thừa Thiên - Huế. Ảnh: HA. |
Theo thống kê, trong 20 năm qua, hơn 165 triệu tấn phân bón đổ xuống đồng ruộng ở Việt Nam chủ yếu là phân bón vô cơ, dẫn đến hệ lụy đất đai ngày càng suy thoái, chai hóa trầm trọng. Thực trạng báo động đến mức, tại hội nghị “Thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ” do Bộ NN-PTNT tổ chức cuối tháng 8/2019, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phải thốt lên rằng: “Đến đỉa, ếch, nhái cũng đang dần hết… Một hệ sinh thái như thế là hết sức nguy hiểm”.
Làm gì thay đổi thực trạng “hết sức nguy hiểm” đó? Nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp đều khẳng định, không có con đường nào khác ngoài việc tăng sản lượng phân bón hữu cơ.
Sau hai năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về định hướng sản xuất hữu cơ, trong đó sử dụng phân bón hữu cơ đã cơ bản chuyển biến được nhận thức của xã hội. Toàn quốc đã có 50.000 ha tại 63 tỉnh thành với tất cả các ngành trồng trọt đều dùng phân bón hữu cơ, từ quy mô hộ, hợp tác xã đến quy mô doanh nghiệp, trong đó có 60 doanh nghiệp quy mô lớn.
Điểm đáng chú ý là các vùng sản xuất hữu cơ đều có sự liên kết giữa “hai nhà” là doanh nghiệp và nông dân, tạo ra chuỗi nông sản sạch có thương hiệu, giá trị cao. Mô hình của Tập đoàn Quế Lâm và nông dân Thừa Thiên Huế là một điển hình.
Nhằm mục tiêu thúc đẩy nông nghiệp địa phương, bằng việc mở rộng vùng chuyên canh lúa hữu cơ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm vào tháng 7/2019, dựa trên kết quả thực tế chuỗi sản xuất doanh nghiệp đã liên kết với trên 500 hộ nông dân ở 13 hợp tác xã thuộc các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả cao về kinh tế xã hội và môi trường trong nhiều năm qua.
Gắn bó với mô hình trồng lúa hữu cơ đã hơn 4 năm, những nông dân ở Hợp tác xã Phù Bài, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế nhận thấy, từ ngày làm lúa hữu cơ, chỉ bón phân, làm cỏ, không phun thuốc BVTV đã tiết kiệm được sức người, sức của và sức khỏe người sản xuất cũng được đảm bảo.
Nhờ bón phân hữu cơ, đồng ruộng an toàn, giàu chất dinh dưỡng, đất đai phì nhiêu trở lại. Đã lâu lắm rồi, người nông dân nơi đây mới lại thấy sự sống sinh động ở môi trường ruộng đồng “hiền hòa”, hệ sinh thái đa dạng, tự nhiên như nó vốn có, các loại chim chóc, thủy sản như cá, tôm quay về; nhiều gia cầm như vịt, ngỗng cũng được thả bơi ra đồng kiếm ăn.
Để có được những điều tưởng như là lẽ thường tình đó, HTX Phù Bài đã sớm đi vào con đường nông nghiệp hữu cơ từ năm 2015 liên kết với Tập đoàn Quế Lâm, được tập đoàn cung cấp đầu vào giống, phân bón hữu cơ vi sinh, hướng dẫn quy trình canh tác hữu cơ “3 không” không phân vô cơ, không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu hóa chất.
Ông Lê Tranh - Giám đốc HTX Phù Bài. Ảnh: HA. |
Ông Lê Tranh - Giám đốc HTX Phù Bài cho biết, ban đầu chỉ làm 7,5 ha/vụ, qua 10 vụ sản xuất, đến nay đã nhân rộng trên 120 ha lúa hữu cơ với cánh đồng mẫu lớn; ứng dụng tiến bộ vào sản xuất lúa bằng phương pháp mạ khay cấy máy, không chỉ giúp cây lúa chống chịu ngoại cảnh và đổ ngã, đạt năng suất trên 55 tạ/ha; mà còn góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm sức lao động của nông dân, nhất là trong bối cảnh thiếu lao động nông nghiệp thời vụ.
Đặc biệt, sau khi thu hoạch lúa, đưa nước vào ruộng và dùng chế phẩm vi sinh ủ rơm rạ của Quế Lâm sau 7-10 ngày thì rơm rạ được phân hủy, rất thuận lợi cho công tác làm đất để sản xuất vụ tiếp theo; chế phẩm đem lại cho đất nhiều chất mùn hữu cơ, tơi xốp giúp cây lúa chắc khỏe; nông dân không phải đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.
Cũng theo ông Tranh, sản phẩm được Tập đoàn Quế Lâm ký hợp đồng bao tiêu đầu ra với giá cao hơn thị trường 15-20% luôn ổn định trong nhiều năm, từ đó càng khiến bà con yên tâm, phấn khởi, tự giác, ý thức chăm sóc đúng quy trình lúa hữu cơ. Việc liên kết sản xuất lúa hữu cơ đã giúp cho người sản xuất thoát khỏi nỗi ám ảnh bệnh tật, người tiêu dùng yên tâm với sản phẩm sạch; giải quyết việc làm ở nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân.
Tình trạng “được mùa, mất giá” không còn là nỗi lo đối với người sản xuất, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Chính quyền thị xã Hương Thủy còn khuyến khích tất cả các trường mầm non trên địa bàn sử dụng gạo hữu cơ trong bữa ăn bán trú nên đầu ra rất rộng mở.
Tháng 7/2019, khi thị sát các mô hình trồng lúa, chăn nuôi mà Tập đoàn Quế lâm đang liên kết với người nông dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã gọi đó là kỳ tích.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Tập đoàn Quế Lâm khẩn trương xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp. Ảnh: HA. |
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ, xu thế của thời đại là ăn ngon, mặc đẹp, sống lâu, sống khỏe, cho nên phải có nền nông nghiệp sạch. Nông nghiệp sạch phải bắt nguồn từ phân bón sạch, mà phân bón sạch phải là phân bón hữu cơ vi sinh, vì phân bón hữu cơ truyền thống mất thời gian ủ rất dài mới triệt tiêu được các loại nấm bệnh, còn phân bón hữu cơ vi sinh với cốt lõi là vi sinh vật giải quyết được vấn đề chất lượng cây trồng, dịch bệnh và môi trường.
“Song song với phân bón sạch, để thực hiện được chuỗi nông nghiệp bền vững, doanh nghiệp còn phải đóng vai trò là “bà đỡ” cho nông dân, xây dựng được chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ; thông qua những mô hình “nói thật, làm thật” để xây dựng được lòng tin cho người nông dân”, ông Lam khẳng định.
Nhằm góp phần hiện thực hóa các mục tiêu trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, cụ thể là 3 triệu tấn phân bón hữu cơ của cả nước vào năm 2020, Tập đoàn Quế Lâm tiếp tục mở rộng đầu tư, hợp tác với Nhật Bản để khởi công xây dựng nhà máy sản xuất vi sinh lớn nhất Việt Nam với công suất 5.000 tấn vi sinh/năm tại tỉnh Thừa Thiên - Huế vào đầu năm 2020, phục vụ nhu cầu công nghệ vi sinh trong nước với giá thành mềm hơn so với nhập khẩu.
Chia sẻ vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, việc đưa phân bón hữu cơ vào canh tác sạch không chỉ là một trào lưu mà trở thành một yêu cầu bắt buộc định dạng cho nền nông nghiệp thời gian tới, nhằm bảo đảm phát triển an toàn bền vững, là nền tảng tạo ra nông sản sạch phục vụ cho gần 100 triệu người Việt Nam và tiếp tục duy trì đà xuất khẩu. Do đó, cần tuyên truyền để người dân tự có “cuộc cách mạng” trong nhận thức sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ.