| Hotline: 0983.970.780

Cải tổ nhân sự và chính sách ở Trung Quốc trước Đại hội đảng 19

Thứ Hai 16/10/2017 , 11:05 (GMT+7)

Trung Quốc đang đứng trước sự kiện chính trị quan trọng nhất đất nước, diễn ra 5 năm một lần, với sự tham gia của 2.287 người được bầu ra từ 89 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), theo Xinhua.

Các đại biểu này sẽ tham gia Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 18/10.

Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tìm cách hoàn thành “mục tiêu trăm năm” đầu tiên trong nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai.

14-23-24_tp-cn-binh
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Xinhua)

Theo dự kiến, Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 (đại hội 19) diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 18/10 đến trưa 24/10.

Kỳ đại hội này sẽ đưa ra đường hướng phát triển đất nước, bầu những nhà lãnh đạo mới Trung Quốc trong nhiệm kỳ 5 năm tới.

Ủy ban Trung ương đảng với 200 thành viên chính thức và 100 thành viên dự khuyết sẽ được bầu ra từ đại hội 19. Tiếp đó, cơ quan này sẽ bầu ra 25 thành viên Bộ Chính trị, với các ủy viên thường là đại diện của các thành phố trực thuộc trung ương như Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh, Thiên Tân, và lãnh đạo của quân đội, cơ quan chính phủ.

Cơ cấu quyền lực cao nhất Trung Quốc là Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, gồm 7 thành viên, cũng sẽ được bầu ra từ đây.
 

Duy trì ổn định chính trị

5 năm trước, ông Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, với những thách thức về kinh tế và chính trị. Giới phân tích cho rằng ông Tập đang đi đúng hướng trong việc hoàn thành mục tiêu đầu tiên trong “hai mục tiêu trăm năm”. Nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập, sẽ bắt đầu vào tháng này, với một số thành tựu trong cải cách kinh tế.

Đối diện những thách thức về xã hội, kinh tế, dẫn đến những kêu gọi chung về cải cách cơ bản trong các lĩnh vực như vai trò của nhà nước với nền kinh tế, những nguy cơ của hệ thống tài chính và vấn đề bảo vệ môi trường, ông Tập chọn cách tiếp cận ổn định, đó là nhấn mạnh sự kiểm soát của đảng và nhà nước.

Nhà kinh tế học Louis Kuijs, đại học Oxford, Anh, bình luận rằng có sự căng thẳng giữa các mục tiêu kinh tế và chính trị của ông Tập, song “nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như cho rằng chính trị là vấn đề rất quan trọng”. “Ông ấy sẽ bảo vệ hệ thống hiện tại, chấp nhận nó có thể mang lại ít hiệu quả hơn, song ổn định”, Kuijs nói.

Trung Quốc coi trọng sự ổn định kinh tế, theo đánh giá của nhiều chuyên gia phương Tây, bởi Bắc Kinh luôn tự hào đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi nghèo đói.

Điều này cũng nằm trong “hai mục tiêu trăm năm”, được ông Giang Trạch Dân nhắc tới cách đây hai thập kỷ. Mục tiêu đầu tiên là xây dựng Trung Quốc thành “xã hội thịnh vượng vừa phải” vào năm 2021, đúng 100 năm thành lập Đảng Cộng sản nước này. Mục tiêu thứ hai là trở thành “đất nước phát triển toàn diện” vào năm 2049, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Mục tiêu đầu tiên đòi hỏi Trung Quốc phải tăng gấp đôi tổng sản lượng quốc nội (GDP) bình quân đầu người năm 2010, lên mức 10.000 USD. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập đã bị chậm lại, dù vẫn duy trì tăng trưởng hai con số trong ba thập kỷ liên tiếp. Ông Tập và bộ máy lãnh đạo Trung Quốc vẫn còn cách mục tiêu này 6,5% tốc độ phát triển hàng năm.

Một số chuyên gia kinh tế dự đoán về cải cách kinh tế trong 5 năm tới, với điều kiện không có bất ổn chính trị trong bộ máy cầm quyền của ông Tập.

14-23-24_bo-chinh-tri-trung-quoc
Ông Tập Cận Bình dẫn đầu 7 thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc ( Ảnh: Xinhua)

“Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ tập trung vào quản lý vi mô, thay vì tái cơ cấu kinh tế sau đại hội 19”, Scott Kennedy, Giám đốc dự án kinh doanh và kinh tế chính trị, thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, Mỹ, dự đoán.
 

Cải cách doanh nghiệp nhà nước

Ông Tập Cận Bình được cho là người có tư duy rộng mở và có nền tảng chính trị, kinh tế vững vàng. Cha ông Tập, cố Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân, là người dẫn đầu mở cửa kinh tế tại tỉnh Quảng Đông từ năm 1978 đến 1981, giai đoạn đầu trong cuộc cải tổ kinh tế ở Trung Quốc.

Trong một cuộc họp Ủy ban Trung ương đảng vào tháng 10/2013, ông Tập từng tiết lộ về việc bật đèn xanh cho cải cách doanh nghiệp nhà nước (SOEs) và ngân sách, tài chính cùng hệ thống pháp lý.

“Trọng tâm của tái cấu trúc hệ thống kinh tế là cho phép thị trường giữ vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực, tài nguyên”, thông cáo của cuộc họp cho biết.

Tuy nhiên, thị trường tài chính Trung Quốc từng đối mặt suy giảm trầm trọng năm 2015, khiến chính phủ phải mở hầu bao 3 nghìn tỷ nhân dân tệ để cứu vãn. Mức suy giảm 2% của đồng nhân dân tệ với USD cũng khiến dự trữ ngoại tệ Trung Quốc giảm 980 tỷ USD, từ tháng 6/2014 đến tháng 1/2017.

Các sự kiện này khiến giới quan sát cho rằng ưu tiên hàng đầu của ông Tập là giảm tốc độ cải cách tài chính và mở cửa.

Kennedy dự đoán rằng trong nhiệm kỳ mới của ông Tập, nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả sẽ bị loại bỏ thẳng tay, hoặc buộc phải sáp nhập với đơn vị khác.

Lý Tấn, thuộc Học viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Trung Quốc, cùng chung nhận định Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước trong nhiệm kỳ hai của ông Tập.

“Nhiệm kỳ thứ nhất của ông Tập được đánh dấu bởi cải cách quân đội, chống tham nhũng trên toàn quốc và sáng kiến ‘Vành đai, Con đường’. Nhiệm kỳ hai sẽ là cải cách doanh nghiệp nhà nước để tái cơ cấu nền kinh tế vững mạnh hơn”, ông Lý nói.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.