| Hotline: 0983.970.780

Cạm bẫy biển khơi

Thứ Ba 24/06/2014 , 13:15 (GMT+7)

Từ bao đời nay, đánh bắt xa bờ là một cuộc hành trình đầy cạm bẫy, rủi ro của ngư dân. Chết chóc, tai nạn vì thiên tai, bị tàu Trung Quốc bắt cóc đòi tiền chuộc, bị trộm cắp, xua đuổi... Nhưng cứ hết mùa trăng trong tháng, những chuyến tàu lại lầm lụi ra khơi.

Loạt bài này những mong có cái nhìn sát thực nhất về cạm bẫy mà ngư dân bám biển đang phải gánh chịu, là trần tình, mong mỏi, tâm tư, nguyện vọng của họ...

Đủ loại... bẫy biển khơi

Nhiều chủ tàu ở vùng biển Quỳnh Lưu (Nghệ An) kể rằng, nỗi ám ảnh lớn nhất của họ mỗi khi ra khơi là bị tàu Trung Quốc cài bẫy, dùng thủ đoạn bắt cóc, đòi tiền chuộc cho dù ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trên ngư trường truyền thống của cha ông mình. Cộng thêm nạn trộm cắp hoành hành trên biển khiến nhiều làng chài lao đao.

14-53-05_bien3
Cảng cá Lạch Quèn những ngày biển lặng

Thủ đoạn bẩn thỉu

Xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu có khoảng 760 hộ dân tham gia nghề đi biển, cả gần bờ lẫn xa bờ. Đó là nghề truyền đời nên hỏi ai họ cũng bảo là nghề gia truyền cả. Từ độ 10 năm trở lại đây, Quỳnh Long là một trong những xã tập trung nhiều tàu đánh bắt có công suất lớn vào loại bậc nhất cả nước.

Ngư dân Quỳnh Long can trường, dũng cảm và rất mạnh dạn. Họ luôn đi tiên phong trong việc đóng tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ, tập trung nhiều nhất ở khu vực vùng Vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị...

Trước khi về Quỳnh Long, tôi đã mường tượng về một vùng ven biển trù phú, nơi có những ông chủ tàu đầu tư hàng chục tỷ đồng vào nghề đi biển, mỗi mùa trăng kéo về hàng chục, hàng trăm tấn cá nhẹ nhàng. Mường tượng về một nơi khá hiếm hoi ngư dân có thể giàu từ nghề bám biển. Ấy vậy mà...

Nổi tiếng nhất ở biển Quỳnh, tên gọi chung của dải biển Quỳnh Lưu, là đại gia Nguyễn Văn Minh (xóm Đại Bắc, xã Quỳnh Long). Người được đồn đại có thiên nhãn, thần thông quảng đại, có thể nhìn thấy luồng cá cách mặt nước cả trăm mét, có thể nghe tiếng cá ăn giữa tiếng sóng vầm vập biển khơi.

Sự thật là ông Minh rất giàu, giàu nhất trong số những người làm nghề đánh cá mà tôi đã từng gặp. Người đàn ông 43 tuổi, thâm niên 30 năm đi biển này là chủ sở hữu của hai con tàu cá công suất hơn 500CV, mỗi tháng đi biển hai lần.

Người ta gọi ông là “quái kiệt biển Quỳnh” bằng tất cả sự ngưỡng mộ. Ấy vậy mà câu đầu tiên ông nói với tôi xem chừng rất chua chát và ngoài sự tưởng tượng: "Không ai khổ như ngư dân, không nghề gì vất vả, hiểm nguy như cái nghề đi biển. Đấy. Con cái tui có đứa mô đi biển mô mồ. Anh tui chết rất cay đắng ở ngoài biển. Cháu tui lần lượt bị tàu Trung Quốc bắt bớ, đòi tiền chuộc nhiều lần khiến nó sạt nghiệp, bỏ nghề. Bạn bè tui nhiều người phá sản.

Bản thân tui, nhờ kinh nghiệm, nhờ trời phú cho khả năng phán đoán, nhận biết luồng cá nên có khá hơn, nhưng nghề biển bạc lắm. Chim trời cá nước, trăm thứ rủi ro không biết đường mô mà lần".

“Quái kiệt biển Quỳnh” đã chán biển hay nghề đi biển quả thực quá nhiều cạm bẫy như ông trần tình?

14-53-05_bien1
“Quái kiệt” biển Quỳnh Nguyễn Văn Minh tâm sự về nghề biển

Chuyện tàu Trung Quốc dùng thủ đoạn bắt bớ rồi vu oan ngư dân Việt Nam để đòi tiền chuộc đã có từ hơn chục năm trước. Người anh trai đã mất của ông Minh tên là Nguyễn Văn Bình bị “phạt” hơn 100 triệu đồng. Đứa cháu ông tên Nguyễn Văn Doai bị bắt giam hơn tháng trời, ở nhà chạy loạn lên mới chồng đủ 150 triệu đồng để chuộc về...

 Rồi những chủ tàu cá ở các xã lân cận như Tiến Thủy, Quỳnh Thuận... Thủ đoạn của tàu Trung Quốc đều có chung một kịch bản mà những ngư dân Việt Nam có biết cũng không có cách gì đối phó.

 “Tàu ngư dân Việt Nam đang đánh bắt bình thường trên vùng biển Việt Nam thì đột nhiên tàu Trung Quốc lao vào với tốc độ rất lớn rồi tổ chức bao vây, bắt bớ. Họ áp tải tàu mình ra phía bên ngoài đường quá độ rồi dàn cảnh bắt để quay phim, chụp ảnh, vu vạ cho ngư dân mình xâm phạm vùng biển của họ. Số tiền họ bắt mình nộp để chuộc lại tàu ngang bằng với tiền mua một con tàu mới”, Nguyễn Văn Doai, nạn nhân của những thủ đoạn bẩn thỉu trên biển kể.

Từ năm 2008, khi Việt Nam và Trung Quốc có Hiệp định về việc phân định định vị hải đồ ở khi vực Vịnh Bắc Bộ thì thủ đoạn bắt cóc đòi tiền chuộc có giảm đi nhiều. Nhưng ngay cả khi có những phân định rạch ròi, ngư dân Việt Nam đánh bắt ở ngư trường này chưa bao giờ được yên.

“Hết nạn bắt cóc thì đến nạn ăn cắp, xâm lấn ngư trường. Mặc dù đã thống nhất đường phân định, những tàu không có giấy phép không được vào khu vực đánh bắt chung. Nhưng suốt một thời gian dài hàng đoàn tàu Trung Quốc cứ ngang nhiên vào, lấn sang vùng biển Việt Nam, có nhiều nơi chỉ cách đất liền mấy chục hải lý.

Rồi thì trộm cắp. Khi ngư lưới cụ, khi tôm cá. Sểnh ra là mất. Tàu bọn trộm cắp chạy nhanh hơn tàu mình, biết cũng đuổi theo không kịp, chỉ nhìn thấy biển số. Những biển số hầu hết đều không được phép đánh bắt trên vùng đánh bắt chung nhưng mình không có cách gì ngăn chặn cả. Đặc biệt là những khi gió hơi to một tý, chúng nghĩ mình lơ là nên kéo vào đông như kiến, vừa đánh bắt vừa đánh cắp ngư lưới cụ của ngư dân mình”, ông Minh chia sẻ.

Đi biển mất nhà

Lang thang ở Lạch Quèn, chỗ neo đậu của hàng ngàn tàu cá của ngư dân Nghệ An và nhiều tỉnh thành khác tôi nghe được nhiều câu chuyện xót xa. Những ngư dân làm nghề đánh bắt xa bờ đúc kết: Làm nghề đi biển, chỉ cần sơ sẩy một tý là mất nhà như chơi.

Nghĩ cũng phải. Một con tàu vỏ gỗ đi biển bây giờ giá thấp nhất cũng 1-2 tỷ đồng, còn như muốn đành bắt lớn phải tầm 6-7 tỷ. Chỉ một gia đình thì dù có bán cốt lột xương, cầm cắm hết sổ đỏ của gia đình, anh em, họ hàng cũng khó có thể đủ.

Ngư dân sáng tạo bằng cách lập từng tổ nhóm mà họ gọi là đi bạn. Mỗi tổ khoảng chục người chung nhau một con tàu, lời ăn lỗ chịu. Một con tàu ấy kéo theo vài ba chục cái sổ đỏ ngân hàng, chưa kể tiền bán trâu, bò, lợn gà đi theo. Chém mồm, lỡ may tàu có mệnh hệ gì thì mất nhà mất cửa là chuyện bình thường. Buồn ở chỗ “chuyện bình thường” ấy thỉnh thoảng lại đổ ập xuống đầu ngư dân.

Khi cuộc rượu tàng tàng, những ngư dân ở Quỳnh Lưu trút lòng tâm sự: Làm nghề đi biển có nhiều cạm bẫy, mất mạng lúc nào chẳng hay, nhưng điều họ thấy cay đắng nhất là bản thân nhiều ngư dân một số nơi thường xuyên tổ chức trộm cắp ngư lưới cụ.
Năm ngoái, một chủ tàu cá ở xã Quỳnh Phương bị mất bộ ngư lưới cụ khoảng 500 triệu đồng. Lân la điều tra cuối cùng phát hiện một số ngư dân tỉnh Thanh Hóa cắt trộm.

Để vào chỗ neo đậu Lạch Quèn, tất cả các tàu bè phải đi qua một con nước sâu chưa đầy 2 mét. Đáy con nước là bãi đá ngầm, bên cạnh một hòn đá khổng lồ mà ngư dân thù hằn đến mức đặt tên nó là Con Chó. Không biết bao nhiêu tàu thuyền mắc cạn ở Con Chó bị sóng đánh vỡ tan tành rồi?

Chỉ mấy tháng trước, thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ở thôn Mành, xã Tiến Thủy đang đánh cá trên biển thì nhận được điện đàm máy ICOM báo tin vợ bị tai nạn giao thông. Cả thuyền vội vàng quay vào bờ chấp nhận lỗ cả tiền dầu lẫn tiền công. Đến gành Con Chó, chẳng biết do vội vàng hay sao mà thuyền trưởng Hùng không thể lách qua. Tàu mắc kẹt. Trong vòng vài tiếng đồng hồ sóng đánh tan thành cả trăm mảnh, chỉ lấy duy nhất được chiếc máy mà thôi.

Những chuyện tưởng chừng đơn giản như thế có thể biến ngư dân mất nhà mất cửa không biết bất cứ lúc nào. Dọc dải biển Quỳnh Lưu chưa có ai đến mức bị ngân hàng xiết nhà, nhưng số chủ tàu phải bỏ làng mà đi thì có. Nhưng đi lang bạt một thời gian lại thấy họ quay về xin đi bạn ngang với các chủ tàu khác.

Thuyền trưởng Hồ Sự, cổ phần con tàu Na 10243, công suất 500 CV nói với tôi rằng: Ngư dân đang rơi vào rất nhiều cái bẫy. Bẫy “dầu đắt cá rẻ”, bẫy nợ nần, bẫy chết chóc... Tôi thấy lạ. Trong tất cả những cái bẫy mà Sự đưa ra, tính mạng bản thân đứng sau cả bẫy nợ nần. Hóa ra ngư dân sợ nợ hơn cả sợ chết.

14-53-05_bien2
Thuyền trưởng Hồ Sự (bên trái)

“Thuyền bé nhất cũng cần đầu tư tỷ rưỡi. Lãi suất ngân hàng tính thu chi trên một năm một lao động thừa ra đôi ba chục triệu. Mỗi một người đóng cổ phần cho tàu chi ra ít nhất 300 triệu, đều vay mượn ngân hàng cả. Bình quân một năm 40 triệu tiền lãi chưa tính tiền giao dịch, 60 triệu khấu hao tài sản... Tính ra thu nhập chẳng đáng là bao. Làm ngư dân, tàu thuyền chẳng ai mua bảo hiểm. Nếu có gặp sự cố, kêu đất đất dày, kêu trời trời cao, chỉ có nước sạt nghiệp thôi”, Sự bảo thế.

Ngồi nghe ngư dân nói, chỉ có duy nhất một điều cảm thấy an ủi. Đó là tấm lòng, đó là dũng khí, của họ. “Làm nghề đi biển chịu sóng chịu gió thì đương nhiên rồi. Kể cả va chạm với tàu Trung Quốc chúng tôi chưa bao giờ thấy sợ.Tàu nó to, mạnh còn tàu mình chỉ làm bằng gỗ, nhưng nếu nó xâm phạm ngư trường chúng tôi sẵn sàng bảo vệ. Người Việt Nam mình sợ chi ai”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm