| Hotline: 0983.970.780

Cầm tay chỉ việc đồng bào phát triển cây hồi

Thứ Năm 28/03/2024 , 10:06 (GMT+7)

Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Ninh phối hợp với UBND huyện Bình Liêu xây dựng mô hình phòng chống dịch bệnh tổng hợp trên cây hồi theo cách cầm tay chỉ việc.

Ông Trần Văn Thực (bên trái), Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra cây hồi bị bệnh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Trần Văn Thực (bên trái), Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra cây hồi bị bệnh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cây hồi đã được người dân huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) trồng từ hàng chục năm trước, tập trung chủ yếu ở các xã Đồng Văn, Đồng Tâm, Hoành Mô và thị trấn Bình Liêu với tổng diện tích trên 8.300ha, năng suất trung bình khoảng 900 tấn hoa hồi khô mỗi năm. Hồi trồng 15 năm là có thể thu hoạch 2 vụ/năm. Trong đó, vụ xuân tập trung vào tháng 2, tháng 3, vụ mùa vào tháng 9 và tháng 10. 

Đây là loại cây trồng đặc biệt phù hợp với những vùng có khí hậu mát mẻ, biên độ nhiệt dao động lớn giữa ngày và đêm. Vì vậy, chất lượng hoa hồi trồng ở Bình Liêu rất tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhờ đó, hoa hồi ở Bình Liêu thu hoạch đến đâu là được thu mua, xuất bán hết đến đó và mức giá cũng khá cao, khoảng 90.000đ/kg hồi khô.

Đặc biệt, cây hồi Bình Liêu không chỉ mang lại thu nhập, nâng cao đời sống của bà con khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, mà còn góp phần phát huy giá trị bền vững từ rừng. Đặc biệt, hoa hồi cũng là nguyên liệu quý để sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm. Trong y học, tinh dầu hồi là vị thuốc giúp giữ ấm cơ thể, trị đau bụng, chống cảm cúm, giảm đau nhức...

Vừa qua, theo phản ánh của người dân huyện Bình Liêu, một số diện tích hồi có hiện tượng rụng lá, khô cành. Sau khi nhận được thông tin, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Ninh đến địa phương để kiểm tra, khảo sát và thu thập mẫu bệnh xét nghiệm.

Ông Trần Văn Thực, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, diện tích hồi bị bệnh khoảng 40ha, nằm rải rác ở một số hộ dân trên địa bàn xã Hoành Mô và Đồng Văn (huyện Bình Liêu). "Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, hiện những cây hồi có tuổi thọ trên 20 năm, cây già cỗi đều bị mắc loại bệnh này. Những cây hồi non thì phát triển bình thường".

"Chúng tôi đã lấy mẫu lá, cành, rễ và đất gửi lên cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT để xác định cụ thể nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây hồi ở Bình Liêu bị các bệnh rụng lá, khô cành. Từ đó, đưa ra các giải pháp cụ thể để hỗ trợ bà con, giúp bà con yên tâm sản xuất", ông Thực nhấn mạnh.

Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu là địa phương có trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, tập quán canh tác, phương thức chăm sóc còn theo hướng tự nhiên. Cụ thể, người dân không sử dụng phân bón, đặc biệt là các loại phân hữu cơ, không phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây hồi, dẫn đến cây có sức đề kháng không cao. 

Hiện nay, 1ha hồi có thể mang lại thu nhập 200 triệu đồng mỗi năm cho người dân huyện Bình Liêu. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hiện nay, 1ha hồi có thể mang lại thu nhập 200 triệu đồng mỗi năm cho người dân huyện Bình Liêu. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Liêu cho biết, huyện đang tập trung vận động người dân thực hiện chăm sóc, phát dọn cỏ xung quanh cây hồi và thực hiện bón phân hữu cơ để nâng cao sức chống chịu sâu bệnh.

Bên cạnh đó, huyện sẽ phối hợp cùng Chi cục Trồng trọt và BVTV xây dựng 2 mô hình thí điểm (1 mô hình rộng 3ha, 1 mô hình rộng 5ha) về quản lý dịch bệnh tổng hợp trên cây hồi theo cách cầm tay chỉ việc, nhằm hướng dẫn cho bà con cách quản lý, chăm sóc cây hồi như bón phân hữu cơ, hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật không ảnh hưởng đến chất lượng hoa hồi, cách xử lý thực bì... để từ 2 mô hình đó sẽ nhân rộng ra toàn huyện.

Nhằm nâng cao giá trị cây hồi, những năm qua, huyện Bình Liêu đã chủ động triển khai các giải pháp như tuyên truyền, vận động các hộ trồng hồi thực hiện tốt việc chăm sóc cây trồng, nâng cao chất lượng hoa hồi để đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch, cũng như năng suất, sản lượng hoa.

Huyện Bình Liêu đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm từ hồi, quế thông qua chế biến, xây dựng thương hiệu và hướng tới phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng... Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền công nghệ để sản xuất, chế biến hoa hồi thành hàng hoá, như tinh dầu, túi thơm… từ đó nâng cao giá trị cây hồi trên địa bàn.

Các sản phẩm chế biến từ hoa hồi được huyện Bình Liêu giới thiệu, bày bán tại các hội chợ, mở rộng ra thị trường ngoại tỉnh và được khách hàng ưa chuộng. Từ đó, không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi này.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.