Tuy nhiên theo thời gian, diện tích gieo trồng giống nếp than bị thu hẹp. Vì vậy, việc nghiên cứu, bảo tồn và phục tráng giống lúa nếp than này là rất cần thiết.
Nếp than được gieo trồng chủ yếu trên các chân ruộng cao vùng đồi, gần khe suối. Đây là giống lúa có thời gian sinh trưởng dài ngày, chiều cao cây thấp hơn so với các giống lúa thường, bông lúa to, màu tím, hạt to mẩy.
Tuy là giống lúa nếp đặc sản, nhưng hiện nay số hộ gieo trồng không nhiều. Tại xã A Ngo, huyện Đakrông hiện có diện tích đất sản xuất 23ha thì chỉ còn khoảng 20% trồng giống lúa này và có nguy cơ diện tích bị thu hẹp, mất giống nếu không có chính sách bảo tồn và nhân rộng. Hiện tại xã A Ngo chỉ có thôn A Đeng còn duy trì gieo trồng giống lúa nếp than này với diện tích khoảng 5 ha/năm.
Việc sản xuất các ruộng lúa nếp than theo kiểu nhờ trời, bố trí gần các khu dân cư không có biện pháp bảo vệ nên hay bị vật nuôi phá hoại. Mặc dù năng suất không cao lắm (khoảng 40 tạ/ha), nhưng giống nếp này có chất lượng dẻo thơm, giàu chất dinh dưỡng nên giá trị sản phẩm mang lại khá cao. Hiện nếp than được bà con bán với giá 40 nghìn đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với các loại nếp khác để phục vụ cho các lễ hội, đãi khách quý.
Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết, với mục tiêu bảo tồn, phát triển giống lúa nếp than, xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả cũng như chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và ngày càng nhân rộng mô hình, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị sẽ đề xuất với Sở KH-CN hỗ trợ kinh phí để Trung tâm xây dựng đề tài nghiên cứu, bảo tồn và phục tráng giống lúa nếp than.
Việc nghiên cứu, bảo tồn nhằm hoàn thiện quy trình gieo trồng, chăm sóc để đảm bảo năng suất, chất lượng tốt nhưng vẫn giữ nguyên hương vị, làm cơ sở để phát triển giống nếp than và xây dựng thương hiệu OCOP cho địa phương, tiến tới phát triển sản xuất hàng hóa.