Ngồi xổm bên đống lúa nếp than mới gặt, ông Hồ Hiền, Trưởng bản Khe Giữa (xã Ngân Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) cười vui: “Đây là vụ thứ ba rồi. Giống lúa nếp than này dễ làm, nắng suất cao hơn và bán giá gấp ba, gấp bốn lúa thường. Rứa mà không có được nhiều để bán mô…”.
Nặng lòng với dân…
“Giống lúa nếp than ngon, quý bởi nó có hạt chắc mẩy, dẻo, thơm lắm. Ngày xưa, người Vân Kiều cực khổ lắm, cuộc sống du cư, du canh nay đây mai đó nên rất khổ và sau đó giống lúa nếp than cũng mai một và mất từ lúc nào chẳng biết nữa”, già bản Hồ Hiền kể lại.
Còn ông Hồ Minh Vừa, Trưởng bản Còi Đá (xã Ngân Thủy) cũng chia sẻ, gạo nếp than ăn ngày qua ngày, tháng qua tháng không biết ngán. Người Vân Kiều ăn gạo này với bát muối hạt giã nhuyễn với ớt chỉ thiên cay xé lưỡi là bắt lắm thấy ngon miệng lắm.
“Hàng chục năm nay rồi, không được ăn xôi từ hạt nếp than rồi bì bà con không còn giống mà gieo cấy nữa. Nhưng cái ngon, cái thơm thì không làm sao mà quên được đâu”, ông Hồ Minh Vừa nói.
Vào năm 2017, anh Nguyễn Hữu Hán, Trưởng phòng Dân tộc được huyện Lệ Thủy luân chuyển làm Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy. Vốn là dân học Đại học Nông nghiệp nên khi về cơ sở anh Hán đau đáu trong lòng làm được điều gì để nâng cao đới sống cho bà con.
Sau lần ngồi nói chuyện với các già làng, với bà con được bà con kể cho nghe giống lúa quý đã “thất truyền” làm anh suy nghĩ nhiều về một cánh đồng bội thu và nụ cười của bà con Vân Kiều nơi vùng rừng sâu.
Một lần, qua người bạn cùng khóa đại học, anh Hán biết tin ở vùng Núi của bà con bộ tộc Lào sát biên giới đang còn có giống lúa nếp than.
Một dịp cuối tuần, anh lên thăm bạn ở vùng A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế), biết được đồng bào Pa Cô, Tà Ôi ở đây vẫn đang canh tác giống lúa này làm anh mừng khôn xiết. Hỏi thăm, anh bạn bảo bà con ở A Roàng đây cũng bị mất giống do tập quán du canh, du cư trước đó. Say này, bà con lấy lại được giống ở bên bản Lào bên kia biên giới.
“Vậy là đúng rồi” - anh Hán như reo trong bụng và xin mấy nắm thóc giống rồi quầy quả về chứ không bụng dạ nào ở lại chơi theo lời “dặn dò” của bạn thân.
Ngày nào cũng tranh thủ xem xét, ghi chép quá trình sinh trưởng cẩn thận. Có lúc, nữa đêm, trời nổi gió mưa, Bí thư Hán bật dậy, không kịp choàng áo mưa, cứ thế phóng ra sân hì hục bưng mấy “mảnh ruộng” mà cây lúa đã lên thì con gái vào “cất” trong nhà rồi mới an lòng ngủ tiếp.
Chọn đúng nông lịch như bà con làm ruộng, anh Hán mang mấy nắm hạt giống ngâm ủ đúng quy trình ròi gieo vào mấy… xô, chậu nhựa. Mấy “mảnh ruộng” bé tẹo này được đặt ở sân nhà để dễ kiểm soát.
Khi thấy hạt thóc nẩy mầm đều, anh Hán mừng lắm. Kết thúc “vụ lúa” đầu tiên, anh thu được vài cân thóc. "Như vậy là cây lúa nếp than thích ứng được khí hậu, đất ở vùng miền tây Lệ Thủy”, anh Hán đưa ra kết luận ban đầu.
Vụ lúa tiếp theo, anh nhờ bạn mua cho giống lúa tại A Roàng và giống của mình làm ra chia cho các đảng viên trong Văn phòng Đảng ủy xã để mang về thử gieo trên đồng đất của các gia đình.
Cứ vài tuần, anh lại lặn lội đến từng mảnh ruộng nhỏ để xem xét cây lúa sinh trường, chẩn đoán các loại sâu bệnh. Điều đáng mừng là cây lúa nếp than phát triển tốt, bộ rễ khỏe nên cây cứng và đẻ nhánh nhiều hơn. Từ những hạt giống, cây nếp nảy mầm, đẻ nhánh, ngậm sữa và cho những bông nếp đầy hạt đen tuyền trĩu nặng.
Mùa vàng…
“Sau hai vụ sản xuất mang tính thử nghiệm ở mô hình nhỏ. Qua kết quả cho thấy phù hợp, tôi quyết định đưa giống lúa nếp than ra nhân rộng mô hình trên đồng ruộng ở 4 bản Khe Giữa, Còi Đá, Cẩm Ly và Cửa Mẹc xã Ngân Thủy”, anh Hán chia sẻ.
Vụ đông xuân năm nay, cả 4 bản đều tăng biện tích lúa nếp than lên tổng cộng trên 5ha. Tại bản Khe Giữa, lúa nếp than được gieo trên chân ruộng nước với diện tích hơn 2ha.
Trưởng bản Hồ Hiền bảo: “Nghe lời Bí thư Hán, bà con học làm theo cách cách hữu cơ đó. Nghĩa là không bón phân hóa học, không thuốc trừ sâu mà chỉ ủ phân chuồng, ủ phân lá đem bón ruộng thôi”.
Dù năng suất lúa chưa được cao lắm (khoảng 40 tạ/ha), nhưng chất lượng dẻo thơm, sạch, giàu chất dinh dưỡng nên giá trị sản phẩm mang lại cao.
"Bữa nay, gạo nếp than được bà con bán với giá 50 nghìn đồng/kg. Nếu quy ra thóc thì bán với giá 34 ngàn đồng/kg đấy. Nên dù có năng suất thấp, nhưng giá trị cao vậy thành ra bà con thu lãi nhiều lắm”, Trưởng bản Hồ Hiền khoe.
Trên cánh đồng ruộng nước của bản, bà con đang cùng nhau thu hoạch lúa. Chị Hồ Thị Lan vừa gặt lúa, lâu lâu lại dừng tay liềm để quay ra ôm lúa đưa lên bờ. Khuôn mặt lấm tấm mồ hôi nhưng chị vui lắm.
Chị bảo mấy năm trước, Bí thư Hán đi vận động làm lúa nếp than mà bà con vẫn chưa tin nên cũng thờ ơ lắm. Nghe Bí thư nói miết nên làm cho được lòng. Không ngờ, lúa tốt, giá cao ai cũng vui sướng.
"Lúa thì đang trên ruộng nhưng nhiều người đến đặt mua coi như gần xong rồi. Người thì đặt lấy gạo, người thì mua làm giống. Bán giá được lắm. Cao gấp 5 - 7 lần giá lúa gạo trắng gieo ruộng bên cạnh đó mà”, chị Lan hồ hởi cho biết.
Bản Còi Đá cũng là nơi được chọn triển khai giống lúa nếp than mấy vụ nay. Bây giờ, dân bản làm hơn 2ha. Lúa tốt, được giá nên bà con như vào ngày hội mới. Trường bản Hồ Minh Vừa nói như mách cho mọi người rằng, 2ha lúa gặt về được khoảng 8 tấn.
“Cái nắng suất chưa được nhiều mô. Nhưng nếu so sánh thì bà con bán 1 tấn lúa này thu về khoảng hơn 30 triệu đồng. Trong khi đó, lúa trắng bán 1 tấn được 6 - 8 triệu đồng thôi”. Cũng theo trưởng bản thì năm sau, bản sẽ tăng dần diện tích lúa nếp than để có thu nhập cao cho bà con. ‘Có thu nhập cao để bản miềng làm nhanh cái việc xây dựng bản nông thôn mới mà”, Trưởng bản Vừa hy vọng.
Bước vào vụ hè thu, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Hữu Hán chỉ nói với bà con có lúa bán hỗ trợ cho những hộ chưa có giống để mở rộng diện tích lúa nếp than. “Kế hoạch là tăng lên khoảng vài ha vụ hè thu và đến vụ đông- xuân năm tới diện tích có thể tăng lên trên 10ha”, Bí thư Hán nói thêm.
Về với Ngân Thủy hôm nay đã thấy từng bản làng thay da đổi thịt. Trong vòng gần 4 năm trở lại đay, Ngân Thủy huy động được mọi nguồn vốn để cây dựng hệ thống giao thông nông thôn miền núi. Xây mới được 3 văn hóa thôn bản và nâng cấp 1 nhà văn hóa khác. Khu liên hợp trường mầm non trung tâm xã cũng đã được xây dựng mới, khang trang đủ điều kiện tốt để đón con em địa phương đến học, vui chơi.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy cho hay: “Chỉ trong vòng 3 năm qua, Ngân Thủy từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 54% tổng số hộ thì nay đã giảm xuống còn 29,8%. Hiện, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo xây dựng bản Còi Đá thành bản nông thôn mới đầu tiên để sau đó triển khai rộng ra các bản khác”.
"Huyện cũng đã quan tâm chỉ đạo triển khai mô hình ở xã Ngân Thủy, Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ nhân rộng ra tại 3 xã miền núi để tăng thu nhập cho bà con. Định hướng là đưa vào sản xuất theo chuỗi và xây dựng thương hiệu gạo nếp than trên vùng miền núi", ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết.