| Hotline: 0983.970.780

Đi tìm hạt ngọc trời

Thứ Ba 07/10/2014 , 08:25 (GMT+7)

Trên những triền đồi hoang hoải nắng mưa của miền cao A Lưới (TT- Huế), vào tháng 10, 11 dương lịch có một loài nếp than mà người Pa Cô, Tà Ôi gọi là hạt ngọc của trời, chín óng ánh trong ánh nắng đại ngàn.

Đây là giống nếp quý chỉ riêng có ở vùng đất này, đang dần mất hút trên những ruộng nương…

Đệp Cù Cha

Nếp than, theo tiếng đồng bào ở đây gọi là Đệp Cù Cha. Giống nếp này chỉ trồng được trên nương rẫy, vùng núi cao có khí hậu lạnh hay nắng gắt như A Lưới. Một năm chỉ trồng được một vụ. Trồng từ tháng 4 đến tháng 11-12 dương lịch mới thu hoạch.

11-57-48_0
Nếp than được trồng trên vùng đồi cao của đồng bào Pa Cô, Tà Ôi

Đệp Cù Cha với hạt nếp bắt đầu ngậm sữa thì đen bóng. Hạt nếp khi xay ra cũng có màu đen, nấu lên vẫn giữ nguyên màu mà độ dẻo dính, hương vị thơm thì quyến rũ lạ kỳ. Bởi thế, để “tận mục” một giống cây lương thực quý đang mất hút giữa đại ngàn không phải là chuyện dễ.

Sau những ngày lang thang tìm hiểu, nhận được những cái chỉ tay cùng cái hất hàm lên phía đồi vô vọng của người trẻ, may thay chúng tôi gặp được già làng Vỗ Tô (tức Quỳnh Phâm, thôn A Năm, xã Hồng Vân), người biết khá chi tiết về giống nếp quý này.

Hỏi về Đệp Cù Cha, cụ Tô ngồi cười hiền, phô cả hàm răng thuốc tẩu đen nhẻm. Cụ Tô bước sang 80 mùa lúa rẫy mà trí nhớ còn minh mẫn lắm.

11-57-48_2
Già làng Vỗ Tô kể về cây nếp quý của đồng bào

Cụ bảo, Đệp Cù Cha mà hỏi người trẻ, ngay cả cán bộ nông nghiệp xã cũng chịu thôi. Đây là giống nếp chịu hạn, chịu lạnh nhất đẳng, được trồng diện tích chỉ tính bằng… một A Chói (người đồng bào không tính diện tích bằng m2, chỉ tính được phần đất gieo được một A Chói cây giống) ở vùng núi cao mà thôi.

Do trồng ở núi cao quanh năm sương phủ, đến mùa hạn thì nắng cũng nứt nẻ đất đai, hạt nếp như được tôi luyện trong môi trường khắc nghiệt của tự nhiên, vì thế người Pa Cô, Tà Ôi gọi là hạt ngọc của trời, hạt ngọc của giàng.

Một cách lý giải nữa chính từ cái tên của nó Đệp Cù Cha (đệp là nếp, cù cha là than). Gọi là nếp than vì màu hạt khi ngậm sữa, khi xay ra đều đen tuyền như hạt cườm mã não trong trang phục xúng xính của đồng bào.

Theo quan niệm của đồng bào nơi đây, ở những triền đồi núi cao, nếp than sinh trưởng tốt vì sau mỗi mùa đốt nương rẫy, cây bụi cháy tiêu điều để lại một lớp chất dinh dưỡng trên đồi nương.

11-57-48_3
Giống nếp than hiếm hoi còn lại được bà Kăn Phương trồng trên rẫy

Nếp than trồng càng tốt ở những vùng đất vừa mới khai phá, vùng rừng già vừa đốt phát. Như hấp thụ được tinh khí của đất trời, nếp than trồng ở vùng đồng bằng, nương lúa thấp không mọc được, nếu có mọc được thì cũng chẳng cho ra hạt nếp màu đen. Bón phân cho nếp than càng không hiệu quả, bởi khi cây nếp tốt quá sẽ không cho hạt hoặc nó không còn là nếp than nữa.

Gia đình cụ Vỗ Tô năm nay chỉ trồng chừng 1 thùng A Chói nếp than (khoảng 500 m2) trên vùng đồi Ka Kai. Theo chân cụ Kăn Phương (75 tuổi), vợ già làng Vỗ Tô, lên vùng đồi Ka Kai, khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được những mảng nếp than trỉa thưa thớt trên triền đồi.

Đã là tháng 10, nếp than bắt đầu ngậm sữa, bông nếp không được dày nhưng những hạt đen tuyền bắt đầu trĩu nặng trên cành. Trên những chân đất khô cằn của nương rẫy, cây nếp vẫn khẳng khiu, chịu thương chịu khó, cho ra loại “quả” quý!

Cầm từng nhánh nếp đen bóng trên tay, cụ Kăn Phương bảo: “Bây giờ giống nếp này còn ít lắm, càng ít người trồng nên nó càng quý. Mỗi gia đình chỉ giữ lại vài lon làm giống. Lớp trẻ bây giờ không ai tìm hiểu về giống cây này cả, chỉ những người lớn tuổi như già mới biết thôi".

11-57-48_5
Rượu cần làm từ nếp than tiếp đãi khách quý

Tiếp đãi rể quý

Theo ông Nguyễn Văn Chiêu, Bí thư Chi bộ thôn Ta Loi (xã Hồng Vân), đồng bào Tà Ôi, Pa Cô ở vùng cao A Lưới quý nhất hai loại nếp: Đệp Cù Cha (nếp than) và Đệp À Han (nếp máu).

Giống nếp than dùng phổ biến hơn vì nó gắn với phong tục tiếp đãi khách quý, trong đó chỉ dùng riêng cho chàng rể quý hay trong các ngày lễ hội, cưới hỏi của bản làng.

Nếp than được gói trong lá chuối, lá dứa làm bánh Wat, một thứ đặc sản giữ được lâu của đồng bào. Cứ mỗi nhà nấu, độ dẻo thơm bay xa khắp bản làng. Có khi nếp than nấu ra, “đầu bếp” nhúng tay vào nước, vắt thành xôi sắp đều trên rổ.

11-57-48_6
11-57-48_7
Bà Kả Lầm chuẩn bị Đệp Cù Cha cưới con gái

Hạt nếp kết dính tạo thành khối trong lòng bàn tay, một thời thứ đơn sơ ấy đã đi vào trong tiềm thức của đồng bào nơi đây trong mỗi lễ hội.

Thường bố mẹ, ông bà bên đằng ngoại khi có chuyện gì muốn “trình bày” với chàng rể sẽ thông báo cho con, cháu gái của họ định ngày giờ để chàng rể sang. Bánh Wat được nấu sẵn, dọn ra bên ché rượu cần cũng làm từ men rượu ủ từ loài nếp than.

Rượu cần làm từ nếp than mang ủ trước một năm mới ngon. Sau thời gian ủ, người dùng phải pha thêm nước ấm bởi hương vị rượu quá nồng nàn.

Nếp than còn nấu xong cho lên men, thành cơm rượu, một món ăn ưa thích của đồng bào. Câu chuyện gia đình sẽ xoay quanh hương vị thơm dẻo của loài nếp quý và men say chuếnh choáng của rượu cần. Nét văn hóa này tựa như miếng trầu là đầu câu chuyện của người Kinh vậy.

Nếp than chỉ còn trồng ở một số địa phương như Hồng Vân, Hồng Thủy, A Roàng, với mỗi gia đình chỉ giữ lại một vài lon làm giống cho mùa vụ sau.

Ông Nguyễn Văn Chiêu, Bí thư Chi bộ thôn Ta Loi, dẫn chúng tôi đến nhà cụ bà Kả Lầm (thôn Ta Loi).

11-57-48_8
Nếp than, loài lương thực quý của đồng bào A Lưới đang mất dần

“Vừa qua, tổ chức Rop (tổ chức phi chính phủ của Mỹ) đã kết hợp với Phòng NN-PTNT huyện A Lưới tìm hiểu về tình hình phát triển nông nghiệp của huyện và tìm kiếm khả năng mở rộng địa bàn triển khai dự án “Phát triển nông nghiệp bền vững”. Trong đó, đoàn hứa sẽ hỗ trợ phía địa phương phát triển, quảng bá sản phẩm cây nếp than của đồng bào. Đây là một tín hiệu đáng mừng bởi số diện tích cây nếp than hiện nay trồng rất ít và có nguy cơ mai một", ông Văn Lập, Phó phòng NN-PTNT huyện A Lưới.

May thay, cụ Kả Lầm còn giữ lại được chừng 5kg nếp than để chuẩn bị nấu tiếp khách trong ngày cưới con gái.

Cụ bảo: “Trong ngày cưới con gái mà không có những thứ này thì xem như chưa đủ lễ vật. Nếp than rất khó giữ giống, bởi thế không phải gia đình nào cũng kiếm được vài lon giành cho ngày lễ mô".

Ông Hồ Xuân Hinh, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, cho biết: “Nếp than thời xưa là thứ cây trồng chính, dùng chủ yếu trong các lễ hội lớn của đồng bào. Qua thời gian, số hộ trồng cây nếp than giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại Hồng Vân, nay chỉ còn chưa đầy mười hộ trồng nếp than mà thôi”.

Theo ông Hinh, vấn đề bảo tồn giống nếp quý cần được đặt ra bởi mặc dù đây là giống nếp có năng suất thấp nhưng chất dinh dưỡng, độ dẻo thơm thì không có loài nếp nào sánh kịp.

Nếp than thường được đồng bào ở đây dùng chữa bệnh đường ruột, dùng cho trẻ nhỏ mới ốm dậy hay phụ nữ sau khi sinh.

Ông Hinh cho biết thêm: “Trước đây, một nhóm của trường Đại học Nông lâm Huế cũng đã có thu thập, nghiên cứu về giống nếp này nhưng chúng tôi vẫn chưa rõ kết quả nhân giống, bảo tồn như thế nào. Còn tại địa phương, đồng bào chỉ biết giữ giống nếp quý qua từng mùa vụ, trữ lại một vài A Chói nhỏ cho mùa sau mà thôi".

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

'Đẩy mạnh phát triển nhuyễn thể và rong biển là phù hợp với xu thế xanh’

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh điều này tại Hội nghị 'Phát triển sản xuất nhuyễn thể và rong biển' diễn ra sáng 26/12, tại Nam Định.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.