| Hotline: 0983.970.780

Cần bỏ tư duy xử phạt trong quản lý an toàn thực phẩm

Thứ Tư 29/09/2021 , 17:53 (GMT+7)

Thay vì phạt để giữ vệ sinh, ATTP, Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi mở một số giải pháp quản lý như đẩy mạnh công nghệ số, tập trung xây dựng các mô hình điểm.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì phiên họp sơ kết 9 tháng đầu năm 2021 của Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì phiên họp sơ kết 9 tháng đầu năm 2021 của Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Ảnh: Bảo Thắng.

Giám sát từ vùng nguyên liệu

Dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản & Thủy sản đã tổ chức lấy 633 mẫu từ 14 vùng thu hoạch của 9 tỉnh, thành phố; 1.751 mẫu thủy sản nuôi các loại từ 147 vùng của 35 địa phương trong 9 tháng đầu năm 2021. Bên cạnh đó, Cục tiếp tục triển khai chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nhãn và thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu; thịt gà chế biến xuất khẩu...

Nhờ hướng dẫn của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản & Thủy sản, các địa phương đã tổ chức lấy 1.652 mẫu nông lâm thủy sản sau thu hoạch.

Trong tháng 9/2021, toàn ngành đã thẩm định 499 cơ sở, trong đó 483 cơ sở đáp ứng quy định an toàn thực phẩm (ATTP), chiếm 96,79%, tăng 5% so với tháng 8. Lũy kế 9 tháng đã thẩm định 8.619 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, kết quả 7.869 cơ sở đáp ứng quy định ATTP, chiếm 91,3%.

"Chúng tôi đã tập trung tháo gỡ vướng mắc, mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản & Thủy sản liên tục đề nghị đối tác tăng cường kiểm tra trực tuyến, đánh giá trực tuyến nhiều mặt hàng. Mục tiêu của ngành, là giám sát chặt chẽ từ vùng nguyên liệu, đảm bảo nguồn cung vệ sinh, ATTP", Cục trưởng Nguyễn Như Tiệp nói trong cuộc họp ngày 29/9.

Theo ông Tiệp, bất chấp dịch bệnh, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản & Thủy sản đã đạt một số kết quả trong hợp tác quốc tế như: duy trì chứng nhận tương đương về cá da trơn, hướng dẫn các doanh nghiệp trong nước chủ động thích ứng với Lệnh 248, 249 của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Ngoài những thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, EU, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản & Thủy sản chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các nước như Ả Rập Xê-út, Brazil.

Về phía địa phương, Cục liên kết chặt chẽ trong việc chủ động xử lý các vấn đề ATTP, đồng thời hướng dẫn một số doanh nghiệp nhận cảnh báo về hàng xuất khẩu để thanh tra, kiểm soát các chỉ tiêu về vi sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. 

Trong các tháng cuối năm, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản & Thủy sản tập trung vào 7 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể: (1) Hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong bối cảnh chung sống với dịch Covid-19. (2) Hoàn thiện đề án đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản. (3) Phối hợp các đơn vị liên quan phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn giai đoạn 2021 -2025.

(4) Triển khai các chương trình giám sát vệ sinh ATTP nông lâm thủy sản theo phương thức trực tuyến, sẵn sàng thanh tra đột xuất, xử lý vi phạm. (5) Tăng cường kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin chính xác cho người tiêu dùng. (6) Hướng dẫn doanh nghiệp các quy định của thị trường mới, thị trường khó tính. (7) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, cải cách hành chính.

Không thể quản lý theo lối mòn

Lắng nghe báo cáo của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản & Thủy sản và các đơn vị chuyên môn khác của Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để phát triển các dự án về ATTP.

"Những khó khăn thời gian qua, cùng với yêu cầu từ tình hình thế giới buộc chúng ta phải thay đổi. Ngành nông nghiệp nói chung và cơ quan quản lý ATTP nói riêng phải chuyển tư duy từ cơ chế pháp lý, tập trung thanh tra, kiểm tra sang xây dựng mô hình điểm, nhằm nhân rộng và nâng cao nhận thức, hành vi của các chủ thể", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu, không cắt khúc quy trình quản lý ATTP, mà phải xây dựng theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, lưu thông, đóng gói, đến khi đến tay người tiêu dùng.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu, không cắt khúc quy trình quản lý ATTP, mà phải xây dựng theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, lưu thông, đóng gói, đến khi đến tay người tiêu dùng.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp nhấn mạnh, rằng những hướng dẫn từ cơ quan quản lý không thể chung chung, mà phải gắn với tình hình sản xuất nông nghiệp và tập trung vào những vấn đề lớn. Ông chủ trương, không cắt khúc quy trình quản lý ATTP, mà phải xây dựng theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, lưu thông, đóng gói, đến khi đến tay người tiêu dùng.

"Trước khi xây dựng một chính sách, chúng ta phải đặt câu hỏi, rằng tính thực tiễn, tính khả thi của nó đến đâu. Sửa đổi nghị định phải chờ mấy năm, luật thậm chí còn lâu hơn. Vì thế, chúng ta không thể cứ xây chính sách rồi bắt người dân làm theo. Không thể để tình trạng, người dân chưa kịp hiểu thông tư này, đã phải làm quen với thông tư khác”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu.

Trong thời đại 4.0, ông đề nghị các cơ quan quản lý thay đổi tư duy "xử phạt để đảm bảo ATTP". Thay vào đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT tạo điều kiện để các chuỗi liên kết phát triển, và rút kinh nghiệm từ chính thực tiễn chỉ đạo sản xuất.

Với vai trò là trụ đỡ nền kinh tế, nền nông nghiệp cần phát triển đa giá trị, đa nền tảng, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam. Riêng trong lĩnh vực ATTP, ông đề nghị gắn chặt quản lý với phòng, chống dịch bệnh; xây dựng nông thôn mới; hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn từ việc sử dụng, khai thác phụ phẩm nông nghiệp.

"Phải xây dựng chính sách trên cơ sở đặt tâm thế vào vị trí người sản xuất. Thực tế sẽ là chân lý, kiểm nghiệm những gì chúng ta làm", Thứ trưởng bày tỏ. 

Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu các thành viên của Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tập trung làm 4 việc từ giờ đến cuối năm. Một, là xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương. Mỗi thành viên trong Ban chỉ đạo có thể phụ trách một, vài tỉnh, thành phố để báo cáo kết quả hoạt động từng tháng.

Hai, là quản lý ATTP theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị thặng dư cho người dân. Ba, là tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ, nghiên cứu tích hợp với những chương trình sẵn có của Bộ NN-PTNT. Bốn, là chuẩn bị nguồn cung thực phẩm cho dịp tết Nguyên đán sắp tới, tránh để thiếu hụt cục bộ, có thể dẫn đến nguy cơ mất ATTP.

"Trong tình hình bình thường mới, chúng ta không thể quản lý ATTP theo lối mòn. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến giờ vừa phải đảm bảo "3 tại chỗ", vừa phòng, chống dịch bệnh. Quản lý ATTP cũng không thể ngoại lệ", Thứ trưởng khẳng định. 

Nối tiếp tinh thần nhanh chóng, kịp thời, quyết liệt như khi làm Tổ trưởng Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhất trí việc tăng cường trao đổi, liên lạc bằng hình thức trực tuyến giữa các thành viên Ban chỉ đạo, đồng thời giảm thời gian họp trực tiếp xuống một quý một lần.

Ngoài ra, lãnh đạo ngành nông nghiệp đề nghị tăng số lượng thành viên trong thời gian tới, nhằm đảm bảo quản lý ATTP sâu, rộng, đến cấp cơ sở như đề xuất của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản & Thủy sản.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.