Ngày 18/6, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của chanh dây Việt Nam thông qua cải thiện hạ tầng chất lượng trong chuỗi giá trị”.
Hiện nay, chanh dây là một trong 4 loại trái cây có nhu cầu tiêu thụ cao nhất trên thị trường thế giới với sản lượng khoảng 1,1-1,5 triệu tấn mỗi năm.
Thời gian qua, do tác động của biến đổi khí hậu và dịch bệnh đã làm giảm sản lượng tại Nam Mỹ, vùng sản xuất chanh dây lớn nhất thế giới.
Cùng với đó, Brazil quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh dây lớn của thế giới cũng đang phải nhập khẩu để phục vụ thị trường nội địa. Điều này đã tạo cơ hội cho chanh dây Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.
Để đạt được điều đó, những vấn đề liên quan đến kiểm soát chất lượng chanh dây phục vụ xuất khẩu phải được chú trọng.
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho biết, yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu trái cây tươi nói chung và chanh dây nói riêng phải bắt buộc theo quy định trong thương mại hàng hóa.
Trong khi đó, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng và nguồn gốc nông sản của Việt Nam còn rất yếu.
Bên cạnh đó, phần lớn giống chanh dây được trồng tại Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nên khó kiểm soát chất lượng, đặc biệt là dịch bệnh. Chính điều này dẫn đến năng suất chanh dây không ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu cho xuất khẩu.
Để cải thiện chất lượng chanh dây, theo GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, cần xây dựng sách hướng dẫn chi tiết về quy trình sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP phù hợp cho từng địa phương.
Mặt khác, cần lựa chọn thuốc BVTV an toàn, hiệu quả để hướng dẫn sử dụng trên cây chanh dây. Cùng với đó, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về giống, sản phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, sấy khô.