| Hotline: 0983.970.780

Cần hỗ trợ để 'kéo' nông dân sản xuất lúa hè thu

Thứ Hai 18/09/2023 , 06:26 (GMT+7)

Quảng Bình đang có những giải pháp hỗ trợ nhằm khuyến khích, 'kéo' nông dân trở lại với vụ lúa hè thu.

Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện loạt bài “Tràn lan bỏ vụ hè thu” phản ánh thực trạng diện tích lớn đất lúa ở Quảng Bình bị bỏ hoang (hoặc để vụ lúa tái sinh) trong vụ hè thu, nhiều độc giả đã gọi điện chia sẻ, đồng tình và đưa ra thêm một số phân tích cho việc có nên duy trì vụ lúa tái sinh và làm gì để khuyến khích bà con nông dân chủ động sản xuất, tăng diện tích vụ hè thu.

Cần hỗ trợ, xây dựng mô hình "mồi"

Ông  Nguyễn Ánh (cán bộ hưu trí ở huyện Quảng Ninh) nhìn nhận: “Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống đê điều, kênh mương, giao thông nội đồng, xây dựng cánh đồng lớn nhằm mục đích phục vụ nông dân sản xuất được 2 vụ lúa chắc ăn, nâng tổng thu nhập xã hội lên cao. Vì vậy, việc diện tích rất lớn ruộng không được đưa vào sản xuất trong vụ hè thu như vậy là quá lãng phí”.  

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình thăm mô hình liên kết sản xuất lúa trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Ảnh: Nguyễn Tâm.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình thăm mô hình liên kết sản xuất lúa trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Ảnh: Nguyễn Tâm.

Bài liên quan

Phân tích về việc lúa tái sinh hiện nay năng suất thấp, ông Lê Quý (huyện Lệ Thủy) cho hay, hơn chục năm trước đây, khi thu hoạch vụ lúa đông xuân, bà con Lệ Thủy thuê nhân lực gặt lúa bằng liềm để đảm bảo cho gốc rạ không bị dập hư và gốc rạ lên mầm, đẻ nhánh tốt.

Nhưng hiện nay, trên đồng đã cơ bản thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Khi gặt máy, sẽ đè nghiến, làm tổn thương gốc rạ khiến lúa tái sinh phát triển rất kém. Thêm nữa, rơm sau khi gặt máy cũng phủ lên làm gốc rạ dễ bị hư, thối.

Về sâu bệnh, mỗi vụ lúa tái sinh chỉ kéo dài khoảng 45 ngày đã cho thu hoạch nên xét trong mỗi vụ thì không thấy rõ ảnh hưởng của sâu bệnh. Tuy nhiên, sau 20 năm duy trì lúa tái sinh trong vụ hè thu thì sâu bệnh cũng sẽ thay đổi chu kỳ để phù hợp với sự phát triển, sinh trưởng của cây lúa. Thực tế những năm gần đây,  lúa tái sinh đã có nhiều sâu bệnh hại và nông dân đã phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, lợi thế của yếu tố "lúa sạch" trong vụ lúa tái sinh cũng dần mất đi.

Bài liên quan

“Vì các lẽ trên nên săng suất và chất lượng lúa tái sinh hiện nay đã không còn đạt được như trước mà cứ tụt dần và chỉ còn đạt khoảng 1 - 1,5 tấn/ha thôi”, ông Quý nói.

Cũng theo ông Quý, cây lúa tái sinh trước đây làm ở vùng ruộng trũng thấp, sau đó lan dần đến vùng ruộng trung và dần “chiếm” luôn vùng ruộng cao. “Muốn việc gieo cấy lúa vụ hè thu được mở rộng trở lại thì phải đi theo chiều ngược lại. Nghĩa là đưa diện tích vùng ruộng cao vào sản xuất vụ hè thu trước, dần đến vùng ruộng trung và sau cùng là ruộng trũng. Như vậy sẽ thay thế dần diện tích lúa tái sinh bằng lúa gieo cấy, đồng thời cần có những hỗ trợ kịp thời để bà con sản xuất vụ hè thu chứ không thể làm ồ ạt”, ông Quý hiến kế thêm.

Cánh đồng lúa tái sinh cho năng suất cao nhất khoảng 30 tạ/ha tại huyện Lệ Thủy. Ảnh: Nguyễn Tâm.

Cánh đồng lúa tái sinh cho năng suất cao nhất khoảng 30 tạ/ha tại huyện Lệ Thủy. Ảnh: Nguyễn Tâm.

Bài liên quan

Về giải pháp để khuyến khích nông dân sản xuất vụ hè thu, ông Nguyễn Phương (lão nông 75 tuổi ở huyện Bố Trạch) nhớ lại, trước đây bà con nông dân có thói quen cố hữu là luôn chọn bông lúa dài, mẩy hạt làm giống cho vụ sau chứ không mấy ai chịu mua giống mới. Sau rồi, tỉnh, huyện hỗ trợ kinh phí mua giống mới cho bà con. Dần dần, bà con bỏ được thói quen lấy lúa thịt làm lúa giống mà cứ vụ nào là giống mới vụ đó. Làm vậy mới giữ được năng suất cao, hạn chế sâu bệnh nên bà con thấy được lợi ích và dần tự giác thực hiện. Đến khi nhà nước không còn hỗ trợ kinh phí nữa, bà con vẫn thấy việc mua giống mới cho mỗi vụ là điều họ đương nhiên phải làm và tự chủ động trong khâu giống. "Nông dân chúng tôi là vậy thôi, khi đã thấy được lợi ích, đã quen thì sẽ tự giác làm và làm tốt”, ông Phương trò chuyện.

Khi được hỏi giải pháp nào để nông bỏ dần thói quen làm lúa tái sinh và quay trở lại làm vụ hè thu, ông Nguyễn Phương bảo: “Nên hỗ trợ bà con giống lúa mới ngắn ngày, hỗ trợ kinh phí diệt chuột, phòng ngừa chuột… Vài ba vụ mà bà con có lãi rồi, làm quen rồi thì cứ vậy mà thẳng đường tiến thôi. Khi nông dân thấy làm có lãi tốt rồi thì không cần hỗ trợ nữa bà con cũng sẽ làm”. 

Thúc đẩy liên kết sản xuất

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng, thực trạng nông dân bỏ ruộng vụ hè thu và duy trì lúa tái sinh là sự lãng phí khi trên những cánh đồng đã được đầu tư về thủy lợi, giao thông và ngành nông nghiệp đang đưa cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất cũng như đưa các giống lúa chất lượng cao, ngắn và cực ngắn ngày vào cơ cấu sản xuất.

Cánh đồng vụ hè thu cho năng suất trên 60 tạ/ha tại HTX nông nghiệp Xuân Bồ (huyện Lệ Thủy). Ảnh: Tâm Đức.

Cánh đồng vụ hè thu cho năng suất trên 60 tạ/ha tại HTX nông nghiệp Xuân Bồ (huyện Lệ Thủy). Ảnh: Tâm Đức.

Bài liên quan

Tại huyện Bố Trạch, để từng bước khuyến khích bà con gắn bó với đồng ruộng, nhất là hạn chế tình trạng bỏ vụ hè thu, huyện đã phê duyệt 2 dự án liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị có quy mô 250ha với Công ty Giống cây trồng Quảng Bình và Hợp tác xã Xuân Hưng. Bước đầu, mô hình này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt khi giá trị thu nhập từ cây lúa được tăng thêm 10% đối với các hộ tham gia liên kết.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, để hạn chế bỏ hoang diện tích đất lúa vụ hè thu, giải pháp quan trọng là tập trung quy hoạch phát triển các ngành hàng, sản phẩm chủ lực của từng địa phương. Đối với diện tích có điều kiện canh tác thuận lợi nhưng nhỏ lẻ, không tập trung thành vùng, các địa phương cần phối hợp với cơ quan chuyên môn vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, quy gọn diện tích của những hộ không có nhu cầu canh tác thành vùng tập trung, tạo điều kiện cho sản xuất lớn, hàng hóa, áp dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất.

Đồng thời, vận động người dân cho doanh nghiệp, tổ chức, hộ cá thể thuê ruộng để sản xuất nông sản hàng hóa hoặc những hộ không có khả năng sản xuất nông nghiệp có thể chuyển giao đất cho người khác để chuyển sang ngành nghề mới phù hợp hơn.

“Cần ưu tiên các chính sách hỗ trợ nhằm động viên người dân sản xuất như trợ giá giống, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ chứng nhận VietGAP, hữu cơ đối với các sản phẩm nông sản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm...”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói thêm.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.