| Hotline: 0983.970.780

Tràn lan bỏ vụ hè thu

'Phát súng' mở đường vực lại vụ hè thu

Thứ Sáu 15/09/2023 , 09:52 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Giữa phong trào bỏ ruộng vụ hè thu, một hợp tác xã ở vùng lúa Lệ Thủy vẫn vững vàng duy trì sản xuất lúa, giúp nông dân lãi 25 - 30 triệu đồng/ha.

Dũng “cao bồi”, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Bồ (xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), dáng cao gầy đi trước, cánh tay không ngừng đưa lên xuống:“Cũng không dễ dàng chi, phải mất nhiều năm bám ruộng thì bà con nông dân chúng tôi mới cả gan đưa hết diện tích vào sản xuất vụ hè thu. Năm nay, thêm vụ thắng lợi, năng suất đạt hơn 60 tạ/ha. Nhiều thương lái đã đánh tiếng đặt cọc tiền để mua lúa của bà con rồi”.

“Cú bắt tay” của doanh nghiệp

Gần 8 năm trước, ruộng ở Xuân Bồ cũng bỏ hoang trong vụ hè thu hoặc làm lúa tái sinh. Trong một dịp gặp nhau, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Giám đốc Công ty Giống cây trồng Quảng Bình hỏi: “Có dám làm vụ hè thu không để chúng tôi liên kết”? "Có chứ”- Dũng “cao bồi” trả lời dè dặt và cái bắt tay cũng dè dặt.

Nhưng cái bắt tay dè dặt ấy là tiền đề cho 20ha lúa vụ hè thu được triển khai. Giống mới, lúa tốt, được mùa. Năm sau, diện tích tăng lên 50ha và cứ tăng dần lên. Cho đến gần đây, hơn 110ha của Xuân Bồ đã được đưa vào sản suất lúa vụ hè thu.

Đến nay, hơn 100ha lúa vụ hè thu ở xã Xuân Bồ đã được đưa vào sản xuất. Ảnh: Tâm Đức.

Đến nay, hơn 100ha lúa vụ hè thu ở xã Xuân Bồ đã được đưa vào sản xuất. Ảnh: Tâm Đức.

Bài liên quan

Vụ hè thu hằng năm, nông dân cả huyện Lệ Thủy và nhiều địa phương khác lo ngại chuột mà không dám sản xuất. Dũng “cao bồi” không sợ, đêm nằm không ngủ chỉ để “nặn” cho ra cách ngăn chuột hại lúa. Sáng, Dũng kéo mấy nông dân có máu làm lúa hè thu ra ruộng. Chỉ vào hàng rào bị đàn chuột phá để băng vào ruộng lúa, Dũng bảo: “Một hàng rào chưa được, ta làm hai tuyến hàng rào, ở giữa là mương nước. Lũ chuột phá được hàng rào ngăn thứ nhất, bơi qua mương thì cũng hết sức rồi, không thể phá được hàng rào thứ hai đâu. Chuột bị kẹt giữa hai hàng rào thì sáng ra cứ vậy mà diệt”.

Nói là làm, những thửa ruộng ven đường được gia cố thêm. Nghĩa là một kênh nước ở ngoài hàng rào nilon, tiếp đó là kênh nước thứ hai. Sát kênh nước thứ hai là hàng rào nilon. “Làm kỳ công như vậy chi phí có tăng lên, nhưng đảm bảo chuột không thể công phá “thành trì” này được. Diện tích ruộng có giảm chút do nhường đất cho kênh và hàng rào nhưng năng suất lúa sẽ bù lại là ổn”, Dũng “cao bồi” nói.

HTX Xuân Bồ cùng bà con nông dân dựng hàng rào nilon ngăn chuột, bảo vệ an toàn cho lúa hè thu. Ảnh: Tâm Đức.

HTX Xuân Bồ cùng bà con nông dân dựng hàng rào nilon ngăn chuột, bảo vệ an toàn cho lúa hè thu. Ảnh: Tâm Đức.

Bài liên quan

Ngay từ đầu vụ, sau khi xuống giống lúa, HTX Xuân Bồ phát động bà con mở chiến dịch diệt chuột. Thôi thì đủ các phương án thực thi: Nào là đào hang đốt rơm quạt khói, đặt bẫy truyền thống theo dấu chân chuột đi, có người đặt bẫy kẹp bằng sắt, trên đặt miếng mồi cá khô nướng thơm phức, người thì lom khom rải cơm, gạo đã trộn bả sinh học ở những góc ruộng nơi chuột thường qua lại…

Trăm phương ngàn kế cũng chỉ tập trung tiệt trừ hết đám chuột mẹ, chuột con để không cho chúng hại lúa. Dũng “cao bồi” bảo: Có đêm, bà con còn mang thau chậu ra đồng đánh gõ cho lũ chuột giật thót là chạy vào bẫy. Được bà con đồng sức đồng lòng và có định hướng của HTX thì như thêm sức mạnh. Không được như thế, khó làm được vụ hè thu.

Để có được thành công trong việc sản xuất lúa hè thu cũng không phải dễ dàng gì. Những vụ đầu, bản thân các anh trong ban lãnh đạo HTX dấn thân làm thử, sau đó đến cả những người thân cùng gánh vác việc này. Có vụ, Dũng “cao bồi” và mấy anh em thuê lại ruộng của bà con để làm. Vụ đó, tiền lãi chia nhau mỗi người cũng được hơn 20 triệu đồng.

Thu hoạch lúa hè thu bằng máy gặt đập liên hợp tại HTX Xuân Bồ. Ảnh: Tâm Đức.

Thu hoạch lúa hè thu bằng máy gặt đập liên hợp tại HTX Xuân Bồ. Ảnh: Tâm Đức.

Dũng “cao bồi” có tên đầy đủ là Trần Xuân Dũng. Dáng cao, mặt hơi dài nhìn giống mấy anh cao bồi miền tây xứ Mỹ. Dũng lại có thói quen chỉ xài quần bò, từ xanh lét đến bạc phếch. Nhìn Dũng hồi mới quen, tôi đặt luôn cho cái húy danh Dũng “cao bồi”. Dũng không giận mà còn tỏ ra khoái. Và cứ thế, tôi gọi thành quen luôn. Thế thôi. Cái chức danh Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Bồ thì Dũng “cao bồi” được bà con tín nhiệm bầu cũng ngót được 8 năm.

Vụ hè thu nào cũng lãi lớn

Bài liên quan

Buổi chiều, nắng còn gắt lắm, chúng tôi qua cánh đồng ngoài của HTX Xuân Bồ. Những sóng lúa rực vàng dưới nắng cứ dập dờn trước gió. Trên cánh đồng, hai chiếc máy gặt khi chạy thẳng, khi đánh những đường cua điệu nghệ để thả những bao lúa căng tròn cho người bốc lên đường bê tông.

Phía vạt ruộng bên trái, một chiếc máy gặt cập mé đường. Trên máy gặt là cái ống gấp khúc như cánh tay nhả dòng thóc vào chiếc máy quạt. Từ ruột máy quạt, lúa cứ thế tuôn chảy vào bao tải. Bao đầy thóc, chị đứng máy đẩy tấm chắn ngăn dòng lúa rồi kéo bao lúa đầy ra ngoài. Chiếc bao khác được căng ra, chị lại kéo tấm chắn, lúa lại tuôn chảy vào bao.

Vụ này giá lúa rất cao, lại được mùa nên nông dân Xuân Bồ hết sức phấn khởi. Ảnh: Tâm Đức.

Vụ này giá lúa rất cao, lại được mùa nên nông dân Xuân Bồ hết sức phấn khởi. Ảnh: Tâm Đức.

Tôi đứng trò chuyện với mấy bác nông dân. Nhiều chuyện thật. Từ chuyện có hai HTX cũng trừ chuột để làm lúa vụ hè thu. Nhưng làm chưa tốt nên vẫn bị chuột “đột kích” vào phá lúa nên phải gặt non, gặt sớm. Một bác nông dân cự lại: “Có chuyện đấy. Lẽ ra cái thằng HTX kia sau khi gặt lúa tái sinh thì khoan vội cày ruộng. Đợi cho bên đó họ gặt lúa hè thu xong thì cày có sao đâu, thời gian còn dài mà. Nhưng vì ghét mặt muốn phá nên cho máy cày xuống đồng luôn và ngay. Vậy là đàn chuột cứ như bị lùa tập trung về hết ở vùng ruộng lúa hè thu để phá. Vậy mới sinh ra chuyện lúa gặt non chớ…”.

Một lão nông tỏ ra bực bội, tay cứ chém chém vào khoảng không trước mặt: “Chuyện này là không thể các HTX nói chuyện với nhau được mà phải tầm trên huyện chớ. Phải thống nhất toàn huyện mới được chớ. Nếu trên huyện chỉ đạo rồi thì cho kẹo cũng không dám cho máy xuống đồng”.

Chuyện các bác nông dân luận ra chưa biết đúng sai thế nào nhưng nhìn cái dáng cao gầy đi trong nắng của Dũng “cao bồi” thì tôi thấy thương. Toàn huyện có đến mấy chục HTX nông nghiệp như Xuân Bồ mà duy nhất chỉ có ở đây “chơi” vụ hè thu hết diện tích thì đúng là trội thật. Vụ này, bà con Xuân Bồ lại cười cả ngày trên đồng. Lúa gặt tươi đóng bao là thương lái đã “tiền trao cháo múc” ngay bên bờ ruộng. Ô tô tải cứ bốc lúa đầy là đi, nhường chỗ cho xe khác vào.

Lúa tươi được thương lái mua với giá cao ngay tại ruộng. Ảnh: Tâm Đức.

Lúa tươi được thương lái mua với giá cao ngay tại ruộng. Ảnh: Tâm Đức.

Ông Dương Văn Thanh có gần 1 ha ruộng được chia làm hai để gieo hai giống lúa PC6 và LTH31 do Công ty Giống cây trồng Quảng Bình cung ứng. Ông bảo: “Làm lúa hè thu bây giờ không khó như ngày xưa vì nước tưới chủ động, không thiếu, sâu bệnh có thể phát hiện được sớm để phòng trừ. Chỉ cần làm chắc việc chặn chuột phá thì xem như ăn chắc. Nhiều năm liền, Xuân Bồ chúng tôi được mùa an toàn. Đặc biệt năm nay lúa rất được mùa, giá cao, bán ngay tại ruộng nên bà con càng phấn khởi, càng tin tưởng vào HTX”.

Ông Thanh đứng trên đường bê tông, bám tay tính toán nhanh với chúng tôi như đã xếp sẵn trong đầu. “Này nhé, tính cho mỗi sào gồm công là 120 ngàn đồng, phân bón 220 ngàn, gặt 129 ngàn, phí của HTX và các dịch vụ khác..., tổng cộng là 850 ngàn đồng, mỗi ha có chi phí vào khoảng 17 triệu đồng”. Trung bình mỗi ha lúa có năng suất 6 tấn, giá bán lúa tươi từ 7 - 7,5 triệu đồng/tấn ngay tại ruộng. Vậy là thu nhập thấp nhất cũng được 42 triệu đồng/ha, trừ đi 17 triệu đồng chi phí, còn lại lãi khoảng 25 triệu đồng. Có những vạt ruộng năng suất cao hơn thì lãi lên đến 30 triệu đồng. Đó là số tiền lãi chắc tay của bà con nông dân chúng tôi".

Nhẩm tính trong vụ hè thu, với 110ha ruộng, nông dân Xuân Bồ thu lãi gần 3 tỷ đồng. Nhìn những chuyến ô tô chở nặng lúa đóng bao chạy ra phía đầu làng, Dũng “cao bồi” cho hay: Đầu vụ thương lái đặt mua lúa giá cao nên phía Công ty Giống cây trồng Quảng Bình  (đơn vị liên kết) không thu mua để bà con bán giá cao hơn. Khi giá thị trường xuống thấp hơn giá ký kết thì Công ty mới nhảy vào mua hết cho bà con”. 

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.