| Hotline: 0983.970.780

Tràn lan bỏ vụ hè thu

Giá vật tư tăng, 'giặc chuột' hoành hành

Thứ Tư 13/09/2023 , 07:25 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Không mặn mà với ruộng đồng, nhiều nông dân cho biết, khó khăn lớn nhất trong sản xuất vụ hè thu là nạn chuột phá hại.

Con đường bê tông lớn chạy từ trung tâm huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) lên miệt các xã Mai Thủy, Thái Thủy… chia đôi cánh đồng rộng đến ngút tầm mắt. Phía trái con đường có hai mảng màu đối lập. Đó là cánh đồng lúa hè thu đang chín cúi và một bên là cánh đồng lúa tái sinh đã thu hoạch chỉ còn trơ gốc rạ hay đã được cày ải phơi nắng.

Chỉ sau một đêm, ruộng lúa chỉ còn lại toàn rơm

Ông Lê Văn Thường (xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy) nói với chúng tôi: “Thông thường lúa tái sinh sẽ thu hoạch sớm hơn lúa gieo sạ một khoảng thời gian dài nên khi lúa tái sinh thu hoạch xong thì chuột sẽ tấn công lên vùng lúa gieo sạ để tìm kiếm thức ăn. Thậm chí khi gặt lúa tái sinh xong, các HTX kêu máy cày ruộng luôn dù chưa cần thiết. Việc làm này vô tình như “lùa” hết chuột trên cánh đồng tràn sang phía diện tích lúa hè thu gieo cấy. Vì vậy, rất khó có tiếng nói thống nhất trong việc diệt trừ chuột bảo vệ mùa màng".

Các dịch vụ nông nghiệp, vật tư phân bón tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến nông dân không mặn mà với ruộng vụ hè thu. Ảnh: Tâm Đức.

Các dịch vụ nông nghiệp, vật tư phân bón tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến nông dân không mặn mà với ruộng vụ hè thu. Ảnh: Tâm Đức.

Bài liên quan

Nông dân ở xã Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy) lo lắng nếu không có biện pháp phòng trừ, chỉ trong vài đêm là chuột có thể phá nát cả đồng lúa khiến năng suất giảm mạnh, sản xuất không có lãi, chưa kể khi gặp thời tiết bất lợi sẽ thua lỗ. Ngoài ra, ông Võ Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy còn cho hay: “Hệ thống thủy lợi nội đồng ở Hoa Thủy nhiều nơi bị xuống cấp, nước không đủ tưới tiêu cho sản xuất vụ hè thu nên diện tích bỏ hoang ngày càng lớn”.

Cũng nói về nạn chuột, ông Phan Thanh Ngọ, Chủ tịch UBND xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch) cho biết, do địa bàn có nhiều tuyến đường bộ, đường sắt quốc gia đi qua nên đó là nơi trú ngụ cho chuột sinh sôi nảy nở rất nhanh. Đến vụ hè thu, chuột tràn về phá đồng ruộng không sao phòng trừ nổi nên bà con đành bỏ ruộng không sản xuất nữa vì lo không có thu nhập.

Một nguyên nhân nữa khiến nông dân bỏ vụ hè thu đó là giá vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống tăng cao nên khi tính toán nông dân thấy lỗ vốn.

Ông Nguyễn Văn Miền (xã Đại Trạch) tâm sự: “Trước đây, người trồng lúa thường lấy công làm lãi nhưng nay làm lúa đều phải thuê máy móc, chi phí vụ đông xuân 180.000 đồng/sào nhưng vụ hè thu tăng lên 300.000 đồng/sào vì phải làm gấp để kịp thời vụ. Bên cạnh đó, giá phân bón cũng tăng lên đáng kể. Năm 2021, giá phân bón từ 800 - 900 nghìn đồng/tạ nhưng đến năm 2022 tăng vọt lên 1,8 triệu đồng/tạ, thậm chí có thời điểm lên hơn 2 triệu đồng/tạ.

Rất nhiều cánh đồng bị bỏ hoang trong vụ hè thu ở huyện Bố Trạch. Ảnh: Tâm Đức.

Rất nhiều cánh đồng bị bỏ hoang trong vụ hè thu ở huyện Bố Trạch. Ảnh: Tâm Đức.

Năm nay, giá phân bón có giảm xuống còn 1,5 triệu đồng/tạ nhưng mức giá đó vẫn còn quá cao, trong khi năng suất lúa hè thu chỉ đạt 70% so với vụ đông xuân, làm không có lãi, thậm chí là thua lỗ nếu mất mùa”.

Để tìm hiểu về giải pháp phòng chống “giặc chuột”, chúng tôi đã nhiều lần về HTX Hoành Vinh (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh), nơi có cánh đồng lớn rộng gần 400ha nằm ở vùng giáp ranh hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Trước đây, trên cánh đồng này, có những vụ hè thu mất trắng do chuột phá. Có nhiều gia đình chuẩn bị ngày mai gặt lúa, nhưng chỉ sau một đêm, cả mẫu ruộng lúa chín chỉ còn rơm, bông lúa bị chuột cắn sạch.

Để bảo vệ vụ hè thu, cuối vụ đông xuân, HTX nông nghiệp Hoành Vinh phát động người dân diệt chuột bằng nhiều cách. HTX đã hỗ trợ bà con thuốc đánh bả sinh học, lồng, bẫy đánh bắt thủ công, đào hang hun khói… Ông Võ Doãn Dực, Giám đốc HTX nông nghiệp Hoành Vinh cho hay: "Bất kể bằng hình thức gì, miễn bắt được chuột và an toàn cho người là chúng tôi sử dụng. Mỗi đuôi chuột chúng tôi thu mua một ngàn đồng để động viên bà con. Mỗi vụ lúa, chúng tôi phát động hai lần diệt chuột, có ngày gom lại cả tấn chuột tươi".

“Khi vào vụ, chúng tôi đều có phương án đào hào, làm hàng rào ni lông ngăn chuột. Vì vậy, năm nào vụ hè thu của chúng tôi cũng đều thắng lợi, hiếm khi mất mùa. Bà con rất đồng tình và ủng hộ trong việc chủ động phòng, diệt chuột bảo vệ mùa màng”, ông Võ Doãn Dực, giám đốc HTX nông nghiệp Hoành Vinh cho biết. Có thể, đây cũng là bài học cho các địa phương trong tỉnh Quảng Bình trước nạn chuột phá hại trong vụ hè thu.

Mảnh ruộng lớn và vai trò hợp tác xã…

Khi ngồi trà lá và hỏi chuyện những nông dân bỏ ruộng hoang, ai nấy đều rất bình thản. Anh Phan Văn Hậu (xã Đại Trạch) bảo, nhà có 5 sào truộng, làm vụ đông xuân đủ lúa ăn quanh năm rồi nên vụ hè thu không phải làm. Không làm ruộng, hai vợ chồng anh đi phụ xây, chồng cầm bay làm thợ chính, vợ cầm xẻng phụ hồ, sáng sớm chở nhau đến nơi làm, trưa chủ thầu lo cơm nước, tối về là tiền công hai vợ chồng mua được một tạ thóc.

Bẫy chuột bảo vệ lúa hè thu trên cánh đồng lớn ở thôn Hoành Vinh (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Ảnh: Tâm Đức.

Bẫy chuột bảo vệ lúa hè thu trên cánh đồng lớn ở thôn Hoành Vinh (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Ảnh: Tâm Đức.

“Tôi tính rồi, làm vụ hè thu cũng kéo dài khoảng 3 tháng, tổng ngày công cũng hết hơn 30 ngày. Cuối vụ nếu bình thường không có sâu bệnh, chuột phá hay gặp mưa gió thì cũng lãi được 1 triệu đồng/sào (tức 20 triệu đồng/ha). Trong khi đó, hai vợ chồng đi làm thợ hồ cũng cho thu nhập được trên 20 triệu đồng. Ngoài ra còn được chủ thầu, chủ nhà đãi bằng cơm rượu nữa. Vậy thì làm ruộng làm gì?”, anh Hậu nói chắc.

Tôi hỏi anh Hậu sao không cho người ta thuê ruộng để làm vụ hè thu. Anh xì một tiếng: “Nhà mình có thiếu thốn chi mấy đồng bạc đó mà ham. Thôi để đó cho ruộng nghỉ ngơi đợi vụ đông xuân làm thôi”. Tôi hỏi tiếp: “Nếu anh có vài mẫu, anh có bỏ hoang không”. Anh Hậu cười lớn: “Bỏ sao được. Nếu có chừng trên 1ha thì cố làm chớ. Thấp nhất cũng có lãi trên 20 triệu đồng mà”.

Có thêm lý do nữa cũng được bà con đề cập đến quanh bàn trà. Đó là ở nhiều địa phương, ruộng đã được chia khá lâu, nhiều hộ gia đình không còn sức lao động vì già cả và con cái đi làm ăn xa, đi lao động ở nước ngoài hay lên phố làm cán bộ nhưng vẫn còn vài ba sào ruộng. Những trường hợp này thì họ cho bà con làm hoặc không ai làm thì bỏ đấy.

Dựng hàng rào ni lông ngăn chuột trên cánh đồng lớn tại xã Xuân Bồ (huyện Lệ Thủy). Ảnh: Tâm Đức.

Dựng hàng rào ni lông ngăn chuột trên cánh đồng lớn tại xã Xuân Bồ (huyện Lệ Thủy). Ảnh: Tâm Đức.

Ông Nguyễn Văn Tân (xã Đại Trạch) cho biết, nhiều gia đình bán ruộng cho doanh nghiệp nhưng cũng nhiều hộ cứ giữ vậy cho con cháu họ. “Đơn giản là con cái đi làm ăn ở nước ngoài gửi tiền về xây nhà, lo miếng ăn hàng ngày đủ rồi nên ruộng họ cứ để vậy mà thôi. Tổng lại, diện tích này cũng nhiều lắm đó. Vì vậy, cấp trên nên có chính sách dồn điền đổi thửa cho phù hợp với tình hình, thực trạng hiện nay mới tránh được cảnh ruộng nhỏ bỏ hoang”, ông Tân nói.

Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch phân tích, nguyên nhân ruộng bỏ hoang thì nhiều, nhưng người dân hiện không mặn mà với sản xuất lúa hè thu là vì chi phí tăng cao nhưng giá lúa bán ra thấp, chưa kể người dân trên địa bàn có nhiều nghề phụ khác cho thu nhập hàng ngày cao nên ở một số địa phương, người dân chỉ làm đúng một vụ để lấy lúa dùng cho cả năm.

Trước thực trạng này, thời gian qua, huyện Bố Trạch đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững và nông dân làm ăn có lãi, như tăng cường liên kết với doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hỗ trợ giá giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng...

Cánh đồng lúa hè thu được bảo vệ, ngăn chuột phá hại, cho năng suất cao ở huyện Lệ Thủy. Ảnh: Tâm Đức.

Cánh đồng lúa hè thu được bảo vệ, ngăn chuột phá hại, cho năng suất cao ở huyện Lệ Thủy. Ảnh: Tâm Đức.

“Riêng năm 2023, huyện đã chỉ đạo các HTX nông nghiệp thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm được 290ha cho người dân. Qua đó, tăng lợi nhuận từ 10 - 15% so với diện tích chưa được liên kết. Như vậy, vai trò của các HTX nông nghiệp trong việc chủ động liên kết sản xuất nhằm hạn chế tình trạng bỏ ruộng là rất lớn”, ông Long cho hay. 

Ông Nguyễn Hương Liên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Bình cho rằng, vai trò của các HTX nông nghiệp là rất lớn nhằm việc hạn chế bỏ ruộng. Chẳng hạn các HTX nông nghiệp có thể chủ động liên kết, phối hợp với các công ty giống cung ứng các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn ngày cho người dân sản xuất vụ hè thu để thu hoạch sớm, hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ cuối vụ, tiêu thụ lúa cho nông dân, dịch vụ diệt chuột, phòng trừ sâu bệnh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... để giảm chi phí, tăng lợi nhuận, như vậy mới kéo được nông dân về với đồng ruộng.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.