| Hotline: 0983.970.780

Tràn lan bỏ vụ hè thu

Tranh cãi lúa tái sinh

Thứ Năm 14/09/2023 , 06:00 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Hơn 20 năm nay, vùng lúa huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã có truyền thống để lúa tái sinh vụ hè thu. Truyền thống này chưa biết khi nào mới dừng lại.

Lão nông Nguyễn Văn Quý (xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy) cho hay: “Thời gian đầu, lãnh đạo huyện cũng làm căng với các địa phương để cho người dân bỏ vụ hè thu làm lúa tái sinh. Nhưng rồi cuộc tranh cãi gieo cấy hay để lúa tái sinh (bà con nông dân ở đây còn gọi là lúa chét) vẫn chưa thể ngã ngũ.

“Nông dân thấy cái lợi cho mình cao hơn là họ cứ làm thôi chứ khó mà áp theo kiểu mệnh lệnh được. Chỉ khi nào việc dồn điền đổi thửa thành công để thúc đẩy cho việc tích tụ ruộng đất thì lúa tái sinh mới dừng lại”, ông Quý nói như khẳng định.

Lúa tái sinh “đè” lúa hè thu

Huyện Lệ Thủy được xem là vựa lúa của tỉnh Quảng Bình với diện tích gieo cấy trên 10.150ha. Hàng năm, tổng sản lượng lương thực của huyện này chiếm tới 1/3 tổng sản lượng lương thực của tỉnh Quảng Bình. Sản xuất lúa ở Lệ Thủy có hai vụ chính là đông xuân và hè thu. Tuy nhiên, sau này có thêm vụ lúa tái sinh nên đã tạo một điểm nhấn làm mất cân đối trong sản xuất vụ hè thu.

Vụ lúa tái sinh ở Lệ Thủy năng suất đã sụt giảm đáng kể. Ảnh: Tâm Đức.

Vụ lúa tái sinh ở Lệ Thủy năng suất đã sụt giảm đáng kể. Ảnh: Tâm Đức.

Bài liên quan

Phong trào để vụ lúa tái sinh mở rộng khoảng 15 năm nay tại các địa phương ở huyện Lệ Thủy. Diện tích lúa tái sinh được mở rộng thì diện tích lúa hè thu gieo cấy cũng co hẹp dần. Năm 2010, diện tích lúa hè thu giảm dần xuống chỉ còn 2.000ha. Năm 2011, diện tích lúa hè thu tiếp tục tụt chỉ còn 1.400ha. Ba năm sau đó, diện tích lúa hè thu chỉ còn ở con số 1.000ha. Những năm gần đây, lúa hè thu của Lệ Thủy chỉ trong khoảng 1.000 - 1.200ha.

Đã có những thời điểm, huyện Lệ Thủy phát động, chỉ đạo các địa phương phải giảm lúa tái sinh, tăng trở lại diện tích vụ hè thu. Nhiều cuộc họp, nhiều đoàn kiểm tra, nhiều văn bản..., nhưng tất thảy đều như không có sức mạnh. Trên đồng, diện tích tái sinh vẫn tăng và diện tích lúa hè thu "cay đắng” nhường chỗ đứng.

Nhiều địa phương để diện tích lúa tái sinh tăng nhanh và diện tích lúa vụ hè thu không đảm bảo như kế hoạch nên cán bộ lãnh đạo đã bị kỷ luật. Ông Quý (một cán bộ đã bị kỷ luật) kể lại: “Dù chúng tôi có van nài đến mấy thì bà con cũng không làm vụ hè thu mà để vụ lúa tái sinh. Bởi lẽ để lúa tái sinh có lãi cao, gạo ăn ngon. Nông dân thấy có lãi là làm, không thể "trói” chân tay bà con được”.

Có những vụ lúa tái sinh bị chuột cắn phá gần như bị mất trắng. Ảnh: Tâm Đức.

Có những vụ lúa tái sinh bị chuột cắn phá gần như bị mất trắng. Ảnh: Tâm Đức.

Bài liên quan

Lúa tái sinh, tức là lúa sau khi thu hoạch vụ đông xuân thì để lại gốc rạ, sau đó bà con bón phân đạm hoặc NPK để lúa phát triển đẻ nhánh, lên bông. Từ lúc gặt lúa đông xuân xong, chỉ sau 45 - 50 ngày là bà con thu hoạch tiếp vụ tái sinh.

Ông Quý cho hay: “Vụ tái sinh có năng suất cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 30 tạ/ha. Những năm sau thì năng suất giảm dần. Hiện nơi được mùa nhất cũng chỉ khoảng 20 tạ/ha thôi. Tuy năng suất thấp, nhưng chi phí bà con bỏ ra không đáng kể nên sản lượng đó coi như lãi chắc, lãi ròng”.

Đến nay, diện tích lúa tái sinh của huyện Lệ Thủy đã lên tới trên 8.000ha. Một số địa phương có diện tích sản xuất lúa hè thu khá lớn cũng đã dần chuyển sang làm lúa tái sinh như Hoa Thủy, Phong Thủy, An Thủy, Sơn Thủy, Lộc Thủy, Hồng Thủy...

Theo lão ông Nguyễn Xuân Hóa (xã Lộc Thủy), lúa tái sinh mang lại hiệu quả sát sườn cho từng hộ xã viên nên được bà con ưa chuộng. “Ưu điểm của lúa tái sinh là thời gian ngắn nên tránh được lũ tiểu mãn. Sau khi thu hoạch xong, bà con còn nhiều thời gian để cày ải ruộng, sớm phơi đất tránh ruộng bị trầm canh. Mặt khác, do ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như lúa hè thu nên việc bảo vệ môi trường được tốt hơn và gạo lúa tái sinh là sản phẩm sạch, ăn ngon, dẻo hơn, bán được giá trên thị trường”, ông Hóa nhấn mạnh.

Nếu có liên kết với doanh nghiệp bài bản, sản xuất vụ hè thu sẽ cho hiệu quả rất tốt. Ảnh: Tâm Đức.

Nếu có liên kết với doanh nghiệp bài bản, sản xuất vụ hè thu sẽ cho hiệu quả rất tốt. Ảnh: Tâm Đức.

Cũng theo cách tính của ông Hóa, trước đây, chi phí cho mỗi ha lúa tái sinh tương đương với khoảng 1,4 tấn thóc. Nếu năng suất khoảng 3 tấn thì nông dân có lãi khoảng 1,6 tấn thóc. Trong khi đó, chi phí cho vụ hè thu lên tới khoảng 4,6 tấn thóc/ha và năng suất bình quân khoảng 5,5 tấn, nông dân chỉ thu lãi được 0,6 tấn/ha.

“Tính ra như vậy nên nông dân không làm vụ hè thu mà làm lúa tái sinh vì có lãi hơn hẳn. Tuy nhiên, đó là tính toán của hơn chục năm trước đây. Còn bây giờ làm vụ hè thu có lợi thế là chủ động hơn trong sản xuất, năng suất lúa cao hơn, tỷ lệ rủi ro do thiên tai, sâu bệnh ngày càng ít hơn.

Trong khi đó, lúa tái sinh năng suất ngày càng giảm mạnh nên cán cân lợi nhuận của vụ hè thu dần ngang bằng, rồi vượt vụ tái sinh. Nhưng do tư tưởng làm lúa tái sinh hàng chục năm nay đã quen và nhiều lý do nữa nên người dân khó thay đổi từ lúa tái sinh sang sản xuất hè thu. Làm được điều này thì như một cuộc cách mạng trên cánh đồng Lệ Thủy”, ông Hóa nhìn nhận.

Lệ Thủy có làm được vụ hè thu?

Chúng tôi về xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy), nơi có diện tích lúa 775ha đều dành cho lúa tái sinh dù ở đây chủ động nước tưới, thuận lợi cho vụ hè thu. Vụ lúa tái sinh năm nay, năng suất bình quân chỉ còn đạt khoảng 1,5 - 2 tấn/ha vì lúa phát triển không tốt như trước.

Ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy bảo rằng, làm lúa tái sinh thì có lợi cho từng hộ gia đình, nhưng tính rộng ra toàn xã hội thì không ổn. Theo ông Huấn, cho dù lúa tái sinh có lãi, nhưng nếu tính tổng thu nhập chung thì rất thấp.

Lệ Thủy cần có những đột phá để giảm diện tích lúa tái sinh và tăng trở lại diện tích lúa vụ hè thu. Ảnh: Tâm Đức.

Lệ Thủy cần có những đột phá để giảm diện tích lúa tái sinh và tăng trở lại diện tích lúa vụ hè thu. Ảnh: Tâm Đức.

“Chẳng hạn, xã chúng tôi có 775ha ruộng, nếu năng suất lúa tái sinh có ngang ngửa 2 tấn/ha thì tổng sản lượng được 1.550 tấn thóc. Nhưng nếu sản xuất vụ hè thu, năng suất bình quân đạt 5 tấn/ha thôi thì tổng sản lượng đã lên tới 3.875 tấn. Có nghĩa là tổng sản lượng lương thực của xã đã bị sụt giảm 2.325 tấn do không gieo cấy vụ hè thu. Con số này bản chất thì phần lớn sẽ được chi trả cho chi phí các dịch vụ như cày bừa, gặt, các hàng hóa lưu thông như giống, phân bón… Nghĩa là, những người xung quanh hộ nông dân đều có thu nhập vì có dịch vụ cày, bừa, gặt… Doanh nghiệp thì bán được hàng hóa như giống, vật tư nông nghiệp. Tức là đẩy mạnh khâu lưu thông hàng hóa. Đó là cái ích lợi của xã hội”, ông Huấn lý giải thêm.

Những năm gần đây, khi năng suất lúa hè thu tăng dần lên và năng suất lúa tái sinh giảm xuống thì việc giảm tổng sản lượng thóc càng lớn. Hiện nay, huyện Lệ Thủy có trên  8.000ha lúa tái sinh, đạt năng suất bình quân dưới 2 tấn/ha, tổng sản lượng chỉ khoảng 16.000 tấn thóc. Trong khi đó, nếu làm vụ hè thu, năng suất bình quân 5,5 tấn/ha thì tổng sản lượng lương thực sẽ là 44.000 tấn. Con số chênh lệch là 28.000 tấn lúa.

Một thực tế nữa là các HTX dịch vụ nông nghiệp cũng có nhiều lợi thế khi sản xuất vụ hè thu. Các khâu dịch vụ của HTX dịch vụ nông nghiệp thu bình quân mỗi ha là 5 triệu đồng, trong khi đó thu khi làm lúa tái sinh chỉ có 2 triệu đồng. Như vậy, mỗi ha, HTX dịch vụ nông nghiệp “thất thu” 3 triệu đồng. Mỗi HTX dịch vụ nông nghiệp có khoảng 100ha làm dịch vụ đã thất thu 300 triệu đồng. Ông Trần Xuân Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Bồ cho hay, số tiền này không để ăn chia mà quay vòng vào đầu tư, kiến thiết đồng ruộng hay đầu tư các công trình phúc lợi hoặc hoạt động xã hội khác.

Đẩy mạnh vụ hè thu là giải pháp tăng thu nhập cho nông dân. Ảnh: Tâm Đức.

Đẩy mạnh vụ hè thu là giải pháp tăng thu nhập cho nông dân. Ảnh: Tâm Đức.

Cách đây hơn 10 năm, trong hội thảo về đánh giá hiệu quả vụ lúa tái sinh (năm 2012) do huyện Lệ Thủy tổ chức, nhiều đại biểu (là cán bộ chủ chốt của các HTX, các địa phương) đã có chung quan điểm là không nên nơi nào cũng áp dụng làm lúa tái sinh theo kiểu "mạnh ai nấy làm” mà phải xem xét và xác định vụ hè thu là vụ chính để đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất.

Sau 10 năm, Lệ Thủy cũng cần thay đổi quan điểm vì lúa tái sinh đã không còn là thế mạnh mà trở thành lực cản trong sản xuất nông nghiệp khi trên mỗi cánh đồng đã đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và mang lại hiệu quả cao hơn trước. Điều đáng nói thêm là đã có những địa phương sản xuất vụ hè thu, mang lại lớn nhuận lớn cho nông dân ngay chính trên vựa lúa Lệ Thủy.

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.