| Hotline: 0983.970.780

Tràn lan bỏ vụ hè thu

Những cánh đồng ‘nhất đẳng điền’ mênh mông cỏ dại

Thứ Ba 12/09/2023 , 13:30 (GMT+7)

Thay vì cảnh những cánh đồng lúa hè thu rực vàng, rảo quanh nhiều địa phương ở Quảng Bình những ngày này, chỉ thấy hàng ngàn ha 'bờ xôi ruộng mật' mênh mông cỏ dại.

Đi theo Quốc lộ 1A xuyên qua các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy… những ngày này, hai bên đường, nhiều cánh đồng "bờ xôi ruộng mật" bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, trở thành nơi chăn trâu bò lý tưởng. Ông Nguyễn Hương Liên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Bình cho hay, trong vụ hè thu này, toàn tỉnh đã có trên 6.000ha ruộng bị bà con nông dân bỏ hoang, không sản xuất. “Ngoài ra, toàn tỉnh còn có trên 8.700ha làm vụ lúa tái sinh, chứ không đưa vào sản xuất vụ hè thu”, ông Liên nói thêm.

Cánh đồng thuộc hạng 'nhất đẳng điền' ở xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch) chỉ bạt ngàn cỏ dại trong vụ hè thu. Ảnh: Tâm Đức.

Cánh đồng thuộc hạng “nhất đẳng điền” ở xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch) chỉ bạt ngàn cỏ dại trong vụ hè thu. Ảnh: Tâm Đức.

Hàng ngàn ha "bờ xôi ruộng mật" bỏ hoang

Hàng năm, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình gieo cấy khoảng 29.400ha. Kết thúc vụ đông xuân, chuyển sang vụ hè thu thì diện tích gieo cấy đã co lại chỉ còn khoảng 14.600ha và khoảng 8.700ha giữ lại làm lúa tái sinh. Như vậy, số diện tích còn lại hơn 6.000ha bị bỏ hoang.

Ông Nguyễn Hương Liên tính toán, tính trung bình năng suất vụ hè thu năm nay khoảng 5,5 tấn/ha thì tổng sản lượng lúa mất do ruộng bỏ hoang vào khoảng 33.000 tấn. Nếu giá lúa bán tại ruộng trung bình 7,5 triệu đồng/tấn thì giá trị sản xuất bị mất đi do bỏ ruộng hoang là gần 250 tỷ đồng. “Đây là con số khá lớn, cần có giải pháp để giảm tình trạng bỏ hoang ruộng đất, gây nhiều hệ lụy ”, ông Liên nói.

Chúng tôi về huyện Bố Trạch, địa phương có diện tích đất lúa vụ hè thu bị bỏ hoang khá lớn. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Bình, huyện Bố Trạch có diện tích sản xuất lúa trên 5.100ha, nhưng vụ hè thu chỉ gieo cấy khoảng 2.160ha.

Những cánh đồng cỏ mọc um tùm, trở thành nơi lý tưởng chăn thả trâu bò. Ảnh: Tâm Đức.

Những cánh đồng cỏ mọc um tùm, trở thành nơi lý tưởng chăn thả trâu bò. Ảnh: Tâm Đức.

Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch cho hay: “Trong giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện liên kết sản xuất với các địa phương để làm lúa hướng hữu cơ. Tuy nhiên, nông dân cũng không mặn mà lắm. Việc dồn điền đổi thửa chưa được quy về 1 - 2 mảnh ruộng mà còn nhiều manh mún nên có tác động không thuận lợi đến bà con”.

Xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch) có khoảng 500ha lúa vụ đông xuân. Tuy nhiên do nhiều lý do khác nhau, địa phương này có trên 200ha ruộng không sản xuất ở vụ hè thu. Thời điểm này, những cánh đồng rộng lớn, bằng phẳng tiếp giáp xã Đại Trạch với thị trấn Hoàn Lão cỏ mọc xanh rì dưới nắng. Quốc lộ 1A thẳng như kẻ chỉ đi xuyên qua, chia cánh đồng ra làm hai bên nhìn thật đẹp mắt. Cánh đồng ở đây có tên gọi là Khe Dói và Nương Toàn với tổng diện tích trên 100ha. Thay vì những cánh đồng lúa hè thu vàng óng, ruộng đồng bát ngát ở đây trở thành nơi “trồng cỏ” cho đàn trâu bò.

Đây là vùng đất sản xuất được xếp vào dạng “bờ xôi ruộng mật” vì đất đai phì nhiêu, có hệ thống kênh mương thủy lợi chủ động nước tưới và ở ven quốc lộ, gần khu dân cư nên rất thuận tiện cho việc sản xuất. Kênh mương giữa đồng nước vẫn chảy, trên ruộng nước vẫn ngập xăm xắp để cho cỏ thêm xanh tốt.

Cánh đồng ở xã Đồng Trạch (huyện Bố Trạch) cũng bỏ hoang trong vụ hè thu. Ảnh: Tâm Đức.

Cánh đồng ở xã Đồng Trạch (huyện Bố Trạch) cũng bỏ hoang trong vụ hè thu. Ảnh: Tâm Đức.

Gần trưa, ông Nguyễn Văn (xã Đại Trạch) chạy xe đạp đi canh chừng đàn trâu. Ông bảo, bữa nay bà con không làm ruộng đâu vì làm vụ chiêm (vụ đông xuân) là lúa đủ dự trữ ăn quanh năm được rồi. Ông Văn còn nói nhỏ: “Bà con có ruộng ở đây đều đã bán sang tay cho doanh nghiệp hết rồi. Họ bán cho một doanh nghiệp với giá cao lắm. Nhà tôi có 9 sào cũng đã bán. Giá mỗi sào là 130 triệu đồng. Tôi lấy hơn tỷ bạc đem gửi ngân hàng lấy lãi được 60 triệu đồng/năm, lãi gấp mấy lần trồng lúa. Công ty họ mua để đấy, bà con thích làm ruộng thì cứ làm. Vậy nhưng bà con cũng chỉ làm một vụ thôi”.

Khi nói chuyện với chúng tôi, ông Trần Xuân Nghi, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Trạch cũng xác nhận diện tích ruộng không sản xuất khoảng 200ha. “Riêng vùng đồng giáp ranh với thị trấn Hoàn Lão thì bà con bán chui cho các doanh nghiệp rồi. Diện tích bán này chúng tôi cũng chưa nắm chắc chắn được”, ông Nghi cho hay.

Chúng tôi về huyện Lệ Thủy, nơi được xem là vựa lúa lớn nhất tỉnh Quảng Bình. Diện tích đất trồng lúa vụ đông xuân của Lệ Thủy khoảng 10.300ha. Ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy cho hay: “Vụ hè thu năm 2023, toàn huyện gieo trồng hơn 1.200ha lúa, khoảng 8.110ha lúa tái sinh, diện tích mà các địa phương trong huyện bỏ không sản xuất gần 700ha. Trong đó, các địa phương có diện tích không sản xuất lớn như Hoa Thủy, Hồng Thủy…”.

Nước trên các tuyến kênh mương vẫn cần mẫn tưới cho những cánh đồng bỏ hoang trong vụ hè thu. Ảnh: Tâm Đức.

Nước trên các tuyến kênh mương vẫn cần mẫn tưới cho những cánh đồng bỏ hoang trong vụ hè thu. Ảnh: Tâm Đức.

Ở xã Hoa Thủy, những cánh đồng nối nhau chạy dài trong cơn gió chiều hầm hập nóng. Chỉ có đàn trâu, bò là cứ nhởn nhơ vì cánh đồng rộng quá, cỏ mọc xanh nên tha hồ gặm. Địa phương này có gần 960ha đất lúa thì vụ hè thu này chỉ có 17ha được gieo cấy, có tới gần 740ha để lúa tái sinh và trên 200ha bỏ hoang.

Ông Võ Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã cho biết, những năm qua, địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con tiếp tục sản xuất vụ hè thu nhưng vì làm không có lãi nên người dân không mặn mà sản xuất. “Năm 2022, địa phương đã huy động bà con gieo cấy được hơn 35ha lúa trên diện tích bỏ hoang. Nhưng năm nay, diện tích này đã bị tụt giảm xuống chỉ còn một nửa năm ngoái”, ông Hòa nói thêm.

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho hay, việc vụ hè thu nhiều diện tích bỏ hoang đã diễn ra từ nhiều năm nay. Gần đây, địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp để bà con nông dân làm vụ hè thu nhưng kết quả chưa được bao nhiêu. “Hàng năm huyện chỉ có khoảng 1.000ha lúa hè thu. Con số tăng, giảm cũng trong khoảng vài trăm ha. Vì vậy phong trào gieo cấy lúa hè thu vẫn chưa kéo lên được”, ông Đặng Đại Tình nói.

Mất đi gần 500 tỷ đồng do bỏ vụ hè thu

Ngoài việc hơn 6.000ha ruộng vụ hè thu không đưa vào sản xuất, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình còn duy trì diện tích lúa tái sinh với tổng diện tích trên 8.700ha. Như vậy, số diện tích không sản xuất và diện tích để làm lúa tái sinh đã chiếm khoảng một nửa tổng diện tích đất lúa của tỉnh.

Ruộng bỏ hoang, nhưng nước vẫn ngập tràn, gây lãng phí rất lớn. Ảnh: Tâm Đức.

Ruộng bỏ hoang, nhưng nước vẫn ngập tràn, gây lãng phí rất lớn. Ảnh: Tâm Đức.

Thực tế vụ hè thu năm nay, Quảng Bình có năng suất lúa bình quân đạt 5,5 tấn/ha, như vậy với diện tích ruộng bỏ hoang hơn 6.000ha thì nông dân trong tỉnh đã để tuột mất khoảng 33.000 tấn lúa, trị giá gần 250 tỷ đồng. Đối với diện tích lúa tái sinh, nơi có năng suất cao nhất chỉ đạt 2 tấn/ha, như vậy mỗi ha lúa đã bị “hao hụt” khoảng 3,5 tấn so với việc gieo cấy. Như vậy, sản lượng lúa bị giảm do duy trì lúa tái sinh vào khoảng trên 300 ngàn tấn, tương đương gần 228 tỷ đồng. Cộng dồn lại, vụ hè thu này Quảng Bình đã mất đi giá trị sản xuất khoảng 480 tỷ đồng. Có thể nói, đó là sự lãng phí không hề nhỏ mà nhiều năm qua Quảng Bình vẫn chưa thể vượt lên để nắm lấy cho ngành nông nghiệp.

Việc không sản xuất vụ hè thu hoặc làm vụ tái sinh cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thủy nông. Hơn chục năm nay, việc đảm bảo nước tưới cho diện tích trồng lúa tại các địa phương trong tỉnh Quảng Bình cơ bản do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình đảm nhận.

Ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc công ty cho hay, hiện nay diện tích tưới tiêu do công ty đảm nhận có khoảng gần 1.000ha bị bỏ hoang trong vụ hè thu. “Việc bỏ hoang đồng ruộng không chỉ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của công ty mà còn có thể gây ra nhiều hệ lụy, như gây lãng phí tài nguyên đất, nước. Tạo môi trường thuận lợi cho chuột bọ, sâu bệnh hình thành phát triển, lây lan ra những cánh đồng đang canh tác bên cạnh”, ông Quảng nhìn nhận.

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.