| Hotline: 0983.970.780

Cần làm rõ dấu hiệu cán bộ thị trấn Quý Lộc lừa dân

Cần làm rõ dấu hiệu cán bộ lừa dân chiếm đoạt tài sản

Thứ Ba 06/12/2022 , 09:32 (GMT+7)

THANH HÓA_ Việc cán bộ thị trấn Quý Lộc nhận tiền của dân và hứa cấp đất tại những mặt bằng chưa đấu giá là có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Có dấu hiệu lừa đảo 

UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) cho biết, cơ quan có thẩm quyền đã thành lập đoàn kiểm tra để làm rõ các dấu hiệu vi phạm trong việc mua bán đất tại thị trấn Quý Lộc (Yên Định, Thanh Hóa) theo đơn của công dân. 

Trước đó, công dân đã có đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ hành vi của một số cán bộ, lãnh đạo thị trấn Quý Lộc nhận tiền mua đất của người dân thông qua "giấy ủy quyền" tại những mặt bằng chưa đấu giá. Số tiền này không được cán bộ xã nộp vào ngân sách, cũng không cấp đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Dù không thực hiện được lời hứa, cán bộ xã cũng không trả lại tiền cho người dân.

dn

Vợ chồng ông Sơn - bà Nhàn được cán bộ UBND thị trấn Quý Lộc chỉ định khu đất, sau khi đã nộp tiền cho ông Lê Văn Khang - cán bộ địa chính xã. Ảnh: Quốc Toản.

Trao đổi với NNVN về việc cán bộ địa chính thị trấn Quý Lộc nhận tiền của người dân để thực hiện các giao dịch tại các mặt bằng chưa đấu giá thông qua giấy ủy quyền, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đây là những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

“Căn cứ theo hồ sơ cung cấp, có thể thấy, hành vi nêu trên bước đầu đã có những dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan công an cần vào cuộc điều tra, kết luận để xác định rõ hành vi cấu thành tội phạm.

Ngoài ra, UBND huyện cũng cần làm rõ, xem xét trách nhiệm của các cán bộ liên quan, người đứng đầu, để đấu tranh, phòng chống các hành vi phạm pháp luật tại cơ quan hành chính cấp dưới”, vị luật sư đề nghị.

Nhận định về nguyên nhân dẫn đến những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nêu trên, luật sư Trần Đức Phượng cho rằng: “Thứ nhất, công tác quản lý đất đai (giao đất, cho thuê đất) không thực hiện công khai và quá trình thực hiện không đúng quy định pháp luật.

Thứ hai, người dân quá tin tưởng vào cán bộ khi thực hiện các giao dịch đất đai mà chưa nắm vững các quy định pháp luật. Do đó, ngoài hành vi của cán bộ địa chính thì cần xem xét vai trò, trách nhiệm quản lý của Chủ tịch UBND thị trấn Quý Lộc trước hành vi ký xác nhận vào giấy ủy quyền…

Thứ ba, khi phát hiện sự việc, cơ quan chức năng không xử lý kịp thời, dẫn đến tình trạng cán bộ bất chấp vi phạm để giao đất, cho thuê đất hoặc gây thiệt hại cho người dân”, vị luật sư nhận định.

Lập khống hồ sơ mua đất, chi tiêu theo kiểu ‘giật gấu vá vai’

Ngoài nội dung thu tiền bán đất bằng giấy ủy quyền, đoàn kiểm tra huyện Yên Định sẽ tiến hành rà soát việc thực hiện Kết luận số 116/KL-UBND, ngày 26/3/2018 về công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách, đất đai, xây dựng cơ bản.

Theo đó, quá trình kiểm tra việc thu tiền sử dụng đất, việc chấp hành các quy định về đất đai, tài chính tại thị trấn Quý Lộc từ năm 2007-2017, cơ quan chức năng phát hiện nhiều tồn tại hạn chế. Cụ thể: Trong gian đoạn này, huyện ban hành 18 quyết định thu tiền sử dụng đất với diện tích hơn 168 nghìn m2 với 1.158 suất đất, tổng số tiền sử dụng đất phải thu là hơn 42 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi có quyết định thu tiền sử dụng đất, thị trấn Quý Lộc lại thu thừa của các hộ dân tổng số tiền gần 800 triệu đồng. Có 137 hộ thu thấp hơn giá quy định (thu thiếu so với giá quy định) tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

Ông Trịnh Đình Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Quý Lộc xác nhận trong giấy ủy quyền giữa cán bộ địa chính xã và người dân trong việc thực hiện việc mua bán đất khi chưa đấu giá. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Trịnh Đình Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Quý Lộc xác nhận trong giấy ủy quyền giữa cán bộ địa chính xã và người dân trong việc thực hiện việc mua bán đất khi chưa đấu giá. Ảnh: Quốc Toản.

Đặc biệt, theo rà soát của cơ quan chức năng, có 8 hộ gia đình không mua đất, không nộp tiền sử dụng đất, nhưng UBND thị trấn Quý Lộc dùng ngân sách xã nộp vào Kho bạc Nhà nước để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ, số tiền gần 500 triệu đồng. Các hộ dân này cũng không nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay cán bộ thị trấn không giải trình được số giấy chứng nhận đó đang ở đâu và chuyển nhượng cho hộ dân nào.

Giai đoạn 2007-2017, UBND thị trấn Quý Lộc thu 918 triệu đồng tiền thuê đất của người dân, nhưng không nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định, mà đã sử dụng chi tiêu cho các công việc của chính quyền. Giai đoạn này, UBND thị trấn Quý Lộc còn vay tiền ngoài của người dân để chi tiêu với số tiền 725 triệu đồng…

Từ năm 2011 đến 2013, UBND thị trấn Quý Lộc giao sai 379/536 suất đất do việc giao đất ngoài thực địa không theo quy định.

Ngoài ra, trong năm 2016, xã tiếp nhận khoản kinh phí hỗ trợ thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra năm 2015 số tiền hơn 400 triệu đồng nhưng không thực hiện chi trả hỗ trợ cho hộ dân. Bên cạnh đó, UBND thị trấn Quý Lộc còn dùng số tiền 492 triệu đồng tiền đóng góp xây dựng công trình đền thờ Bà chúa Đồn Trang để chi tiêu thường xuyên.

Cũng trong giai đoạn này, UBND thị trấn Quý Lộc đầu tư nhiều công trình xây dựng cơ bản khi chưa xác định được nguồn vốn đã dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán trong nhiều năm với số công nợ xây dựng cơ bản tính đến tháng 5/2017 là hơn 14 tỷ đồng. UBND thị trấn Quý Lộc chưa xây dựng được kế hoạch trả nợ phù hợp với thực tế.

Cơ quan có thẩm quyền cho hay, những sai phạm trên có trách nhiệm của nhiều cán bộ lãnh đạo thị trấn Quý Lộc trong việc buông lỏng quản lý; thiếu kiểm tra giám sát, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ được giao. Có trường hợp lợi dụng chức vụ quyền hạn thu tiền của dân để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không nộp vào quỹ tiền mặt của xã mà chiếm dụng cá nhân. Hiện này, nhiều cán bộ thị trấn Quý Lộc thời kỳ trước đã nghỉ hưu.

Hàng loạt các vi phạm nêu trên đến nay vẫn chưa được thị trấn Quý Lộc khắc phục triệt để. Hiện tại, cơ quan chức năng đang vào cuộc, kiểm tra làm rõ vụ việc.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.