Ảnh mang tính minh họa. |
Việc làm trên là cần thiết, được dư luận xã hội tán thành. Từ vụ việc này, một vấn đề được đặt ra, là mỗi khi một vụ tham nhũng được đưa ra ánh sáng, một vài “cây củi” bị “vào lò”, thì điều cần thiết là cơ quan điều tra hãy có biện pháp không những phong tỏa tài khoản ngân hàng mà còn phải phong tỏa mọi tài sản khác như nhà cửa, đất đai, cổ phần cổ phiếu và những giấy tờ có giá trị khác... của thân nhân những kẻ tham nhũng, để phục vụ công tác điều tra, nhằm mục đích thu hồi tài sản bị chiếm đoạt hay bị thất thoát về cho nhà nước.
Mục đích của đối tượng tham nhũng là tiền. Mục đích của công cuộc chống tham nhũng, ngoài việc trừng trị những đối tượng này theo quy định của pháp luật, còn là thu hồi tiền tham nhũng về cho nhà nước. Nhưng bản thân kẻ chủ mưu trong những vụ tham nhũng lại chẳng dại gì mà để một khối lượng tiền lớn trong tài khoản cá nhân mình, hay đứng tên những bất động sản lớn. Chúng thường chuyển những thứ đó cho vợ, con hoặc người thân thích, ruột thịt khác.
Một khi vụ việc vỡ lở, chúng sẵn sàng “hy sinh đời bố” để “củng cố đời con”. Còn bản thân chúng thì “chẳng có gì ngoài căn hộ vài chục m2 được phân từ thời bao cấp”. Chính vì thế mà dù hàng trăm vụ án tham nhũng đã được đưa ra xét xử, đã xác định được số tiền của nhà nước bị chiếm đoạt, gây thất thoát đến cả trăm ngàn tỷ đồng, nhưng chỉ thu hồi được rất ít, trên dưới 10%.
Chính vì thế mà có con cái một số quan chức dù chưa học hết phổ thông nhưng đã là chủ sử dụng của những khu đất vàng hay chủ sở hữu những bất động sản lớn, có vị trí đắc địa trong thành phố.
Vụ án Giang Kim Đạt là một điển hình cho việc tẩu tán tài sản. Qua điều tra và xét hỏi tại tòa án, đã kết luận Giang Kim Đạt tham ô 260 tỷ đồng. Nhưng bản thân Đạt thì chẳng giữ đồng nào. Mỗi lần tham nhũng, y đều chuyển số tiền tham nhũng đó sang cho bố là Giang Văn Hiển. Chính vì thế mà tuy chỉ là một cán bộ hưu trí, nhưng Giang Văn Hiển lại là chủ sở hữu đến trên 40 bất động sản lớn ở các thành phố.
Hãy phong tỏa tài sản của thân nhân bọn tham nhũng lại để điều tra. Nếu những thân nhân đó chứng minh được rằng những tài sản mà họ đứng tên không liên quan gì đến tham nhũng, thì giải tỏa cũng chẳng sao. Cơ quan cảnh sát điều tra đủ sức, và đủ phương tiện để chứng minh chuyện đó. Còn nếu không chứng minh được, thì thu hồi lại cho nhà nước.
Không thu hồi được tiền tham nhũng, thì việc chống tham nhũng mới đạt được một nửa mục đích.