| Hotline: 0983.970.780

Cần sớm sửa Luật Đất đai, nới rộng hạn điền

Thứ Sáu 28/01/2011 , 09:14 (GMT+7)

Chủ trương "khuyến khích tập trung ruộng đất" mà Đại hội Đảng lần thứ XI vừa thông qua đang được kỳ vọng là đòn bẩy tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt 

Chủ trương "khuyến khích tập trung ruộng đất" trong chiến lược phát triển KT - XH 2011-2020 mà Đại hội Đảng lần thứ XI vừa thông qua đang được kỳ vọng là đòn bẩy tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn. Những ngày cuối năm này, trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt không giấu được hồ hởi:

Trong những ngày diễn ra Đại hội, tôi rất vui mừng vì Đại hội Đảng XI đã bàn, thậm chí bàn rất sâu đến vấn đề nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt là đã đưa vấn đề khuyến khích tập trung ruộng đất vào trong văn kiện. Đây là hướng đi đột phá và tất yếu để tạo sự tập trung trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Đối với sản xuất nông nghiệp hiện nay, xét cho cùng, chúng ta đang ở quy mô nhỏ lẻ, chưa tập trung. Tuy đã có một số vùng cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu… tương đối lớn ở Tây Nguyên, Tây Bắc và Nam Trung bộ, nhưng nhìn chung, quy mô vẫn quá nhỏ bé. Nguyên nhân của tình trạng trên là do đất đai bị phân tán.

Phải sửa Luật Đất đai

Như vậy, rõ ràng là quy định về đất đai của ta hiện nay đang bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý, thưa ông?

Tồn tại vướng mắc hiện nay là vấn đề thể chế. Hiện hệ thống pháp luật về đất đai chưa rõ ràng và chưa tạo thuận lợi cho người dân thúc đẩy phát triển sản xuất. Mặc khác, trong quản lý đất đai hiện nay việc quy hoạch sử dụng đất chưa thực sự được coi là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giao đất, cho thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trên thực tế, việc tập trung, tích tụ ruộng đất đã có. Tuy nhiên, như tôi đã đề cập, cũng chỉ là hiện tượng đơn lẻ.

Rõ ràng, việc khuyến khích tập trung ruộng đất sẽ gặp khó khăn nếu chúng ta không sửa đổi thể chế?

Tích tụ đất đai sẽ tạo động lực trong phát triển nông nghiệp. Điều này đã được chứng minh ở các nước trên thế giới, kể cả các nước công nghiệp phát triển. Vấn đề còn lại là chúng ta phải làm gì để tích tụ được? Điều kiện tiên quyết là dứt khoát phải nới rộng hạn điền. Hạn điền hiện nay đang được quy định theo Nghị quyết của UBTV Quốc hội, còn hạn mức vẫn quy định giao đất 20 năm đối với đất sản xuất cây hàng năm và 50 năm với đất công nghiệp, đất rừng. Vì sao nói phải nới rộng hạn đền, bởi sản xuất nông nghiệp là một quá trình lâu dài, không thể đầu tư một lúc, rồi có thể thu lại được ngay như trên các diện tích đất phi nông nghiệp.

Nói như ông, có nghĩa là thời hạn giao và diện tích giao như hiện nay không còn phù hợp nữa. Vậy thì phải làm thế nào?

Như tôi đã nói ở trên, phải nới rộng hạn điền, mà như vậy thì rõ ràng là phải sửa Luật Đất đai. Đây là vấn đề nóng, nhưng tế nhị, nó ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận nông dân, nhất là dân nghèo. Bộ phận này hiện đang sống bằng tư liệu sản xuất, nếu nới rộng hạn điền, thì đương nhiên họ có thể sẽ mất ruộng. Trong khi đó, mặc dù quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ và công nghiệp đang diễn ra ồ ạt, nhưng khó tác động đến bộ phận này. Như vậy, cần có thể chế hợp lý. Chúng ta đã có mô hình góp đất, góp ruộng để trồng cao su, thì tôi nghĩ, đây là mô hình phù hợp để áp dụng cho bộ phận này.

Đầu tư cho nông nghiệp có khi phải kéo dài cả hàng chục, thậm chí cả trăm năm, mới thu được lợi nhuận. Chúng ta cần có những khu vực có đất rộng mới có thể làm được trang trại, gia trại để đưa cơ khí hoá, đưa tiến bộ KH-CN vào sản xuất. Đây cũng là yếu tố tiên quyết để thực hiện thành công CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn. Khi đã nới rộng được hạn điền, có nghĩa là chúng ta sẽ giải phóng được tâm lý lo lắng của những người muốn đầu tư vào nông nghiệp để họ có thể mạnh dạn đầu tư. Tôi cho rằng, điều này sẽ giúp tác động trực tiếp vào tư duy của nhà đầu tư nông nghiệp, họ sẽ đưa ra một kế hoạch đầu tư dài hạn cho có hiệu quả.

Tìm lời giải cho bài toán “địa chủ - dân cày”

Tuy nhiên, ngay cả trong ngành nông nghiệp cũng có nhiều ý kiến cho rằng, tích tụ ruộng đất là quay lại địa chủ, điền chủ như ngày xưa. Theo ông, khi tích tụ nên đi theo hướng nào?

Đây là bài toán khó. Về mặt lý thuyết thì chưa có lời giải. Chúng ta đang hy vọng rằng, qua thực tế tích tụ đất đai thì sẽ tìm ra giải pháp phù hợp. Việc sở hữu Nhà nước đối với tư liệu sản xuất này, vô hình trung, gây ra rất nhiều khúc mắc, đặc biệt là khiếu kiện. Nên nhớ rằng, có đến 80% đơn thư khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai. Vì vậy theo tôi, muốn chuyển sang tư hữu hóa đất đai, cần có những suy nghĩ đột phá. Thêm vào đó, cần có những chính sách đồng bộ, nhưng phải nhất quán, phù hợp với các điều luật khác. Việc tích tụ ruộng đất là điều kiện khách quan và cần phải thực hiện. Vấn đề ở chỗ, bài toán phân chia lợi ích và công bằng xã hội sẽ được giải quyết thế nào thôi.

Thời gian gần đây có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh nội dung tư hữu hay công hữu về tư liệu sản xuất, mà cụ thể là đất đai. Vậy ông nghiêng về hướng nào?

Chúng ta đã tốn biết bao xương máu, trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh giải phóng để có được khẩu hiệu “Ruộng đất cho dân cày”. Nhưng nay, cơ chế thị trường là con đường tất yếu phát triển kinh tế, và chúng ta buộc phải đi theo. Nếu không theo và không dám đột phá, ví dụ ngay như Khoán 10, nếu ngày đó không có ông Kim Ngọc, không có sự quyết tâm thay đổi nhận thức, tạo bước đột phá thì làm sao ra được, làm sao có bước chuyển biến lớn đến như vậy.  Do vậy, tôi cho rằng, mọi vấn đề phải đi theo thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Nếu không thì không thể phát triển được. Câu trả lời của tôi là như vậy. 

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm