Đề án "Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030" và "Nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động" Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh của thị trường lao động Việt Nam giai đoạn sắp tới, để thực hiện chiến lược này, cần phải có những khuôn khổ về thể chế, chính sách mới.
Ngoài việc cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng về kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, còn góp phần định hình hành lang pháp lý để phát triển các thể chế thị trường của thị trường lao động. 10 năm qua, thị trường lao động Việt Nam không những phát triển rất mạnh trong nước, thể hiện ở chỗ có những vùng thị trường lao động biến động, phát triển kết nối mạnh mẽ với thị trường lao động quốc tế, như Đông Nam bộ hay đồng bằng sông Hồng.
Theo TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH): "Việt Nam có những thị trường lao động chuyên biệt, kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu rất mạnh, đặc biệt là nông nghiệp, thủy sản, như thị trường đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
Đối với miền núi, phải có thị trường riêng để vừa bảo đảm phát triển hài hòa với trình độ phát triển của miền núi, nhưng cũng đúng với việc phát huy những ưu tiên của Đảng, Nhà nước đối với chính sách miền núi và chính sách dân tộc.
Chính vì vậy, đề án phải bảo đảm phủ sóng được những thị trường khác nhau, phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, đề án phải bảo đảm có những chính sách thu hút các chuyên gia giỏi quốc tế và trong nước để hài hòa giữa lao động trong nước và quốc tế".