| Hotline: 0983.970.780

Cần Thơ dừng quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ

Thứ Năm 09/03/2023 , 17:25 (GMT+7)

TP. Cần Thơ định hướng không quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ mà hình thành các cụm giết mổ tập trung, đảm bảo vệ sinh thú y, môi trường.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ, toàn thành phố hiện có 24 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, số lượng giết mổ trung bình khoảng 1.300 con gia súc và 12.000 con gia cầm/ngày đêm.

Tuy nhiên, đa số các cơ sở này đã hình thành và hoạt động từ những năm 2000 trở về trước, các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, xử lý chất thải môi trường phần lớn không còn phù hợp. Thậm chí, một số cơ sở chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo các quy định hiện hành về điều kiện vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường.

Thực hiện chiến lược Quy hoạch phát triển chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, TP. Cần Thơ định hướng không quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc gia cầm nhỏ lẻ mà hình thành các cụm giết mổ tập trung.

Các cụm giết mổ tập trung này sẽ đảm bảo các yêu cầu quy định về quản lý, vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường để tạo sự ổn định lâu dài, tiết kiệm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, thuận lợi cho công tác quản lý.

TP. Cần Thơ đang kêu gọi đầu tư, thí điểm xây dựng cơ sở giết mổ mới với dây chuyền đồng bộ, công nghệ tiên tiến và hiện đại. Ảnh: Kim Anh.

TP. Cần Thơ đang kêu gọi đầu tư, thí điểm xây dựng cơ sở giết mổ mới với dây chuyền đồng bộ, công nghệ tiên tiến và hiện đại. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ cho biết, để ngành chăn nuôi đảm bảo an toàn bền vững, đơn vị chuyên môn đã có những quy định vùng cấm chăn nuôi, hỗ trợ người dân di dời trang trại.

Đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được yêu cầu thực hiện cải tạo, nâng cấp điều kiện vệ sinh thú y và trang thiết bị phục vụ cho hoạt động giết mổ theo yêu cầu về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Đồng thời, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố cũng đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở giết mổ mới, áp dụng phương thức giết mổ treo.

Riêng đối với các cơ sở giết mổ có quy mô lớn, các cụm giết mổ tập trung yêu cầu thiết kế theo quy trình công nghiệp, với dây truyền thiết bị đồng bộ, công nghệ giết mổ tiên tiến và hiện đại.

Để ngành chăn nuôi đảm bảo an toàn bền vững, TP. Cần Thơ tăng cường cải tạo, nâng cấp điều kiện vệ sinh thú y và trang thiết bị phục vụ cho hoạt động giết mổ theo yêu cầu về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Ảnh: Kim Anh.

Để ngành chăn nuôi đảm bảo an toàn bền vững, TP. Cần Thơ tăng cường cải tạo, nâng cấp điều kiện vệ sinh thú y và trang thiết bị phục vụ cho hoạt động giết mổ theo yêu cầu về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Ảnh: Kim Anh.

Đối với các cơ sở giết mổ hiện tại, phải xem xét lại vị trí có phù hợp với quy hoạch và định hướng chung của thành phố để thực hiện việc quy hoạch, bố trí mở rộng đất đai, hình thành các cụm cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo có diện tích đủ lớn và ổn định lâu dài. Với những cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, môi trường buộc yêu cầu di dời.

Các cơ sở giết mổ tập trung phải đảm bảo có chuồng nuôi nhốt gia súc gia cầm giết mổ, sàn giết mổ, móc treo sau giết mổ, công trình xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, cần trang bị xe chuyên dùng vận chuyển động vật và sản phẩm động vật giết mổ đến nơi tiêu thụ.

Cam kết không giết mổ, buôn bán vật nuôi bị bệnh, không thu mua vật nuôi trong vùng dịch và nơi đang bị cấm mua bán. Quy trình giết mổ phải ngày càng hoàn thiện, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành đối với sản phẩm động vật.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ thực hiện chuyển giao 11 mô hình áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng các mô hình an toàn dịch bệnh đối với các bệnh nguy hiểm từ năm 2021 – 2025. Ảnh: Kim Anh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ thực hiện chuyển giao 11 mô hình áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng các mô hình an toàn dịch bệnh đối với các bệnh nguy hiểm từ năm 2021 – 2025. Ảnh: Kim Anh.

Hiện nay, TP. Cần Thơ đang tiếp tục kêu gọi đầu tư, thí điểm xây dựng cơ sở giết mổ mới với dây chuyền đồng bộ, công nghệ tiên tiến và hiện đại tại các huyện: Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh phù hợp theo quy hoạch của địa phương.

Từ đó, hướng đến mục tiêu, tổng công suất của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đáp ứng được nhu cầu về thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố và cung cấp một phần sản phẩm cho các địa phương lân cận.

Vừa qua, Công ty TNHH Nguyễn Đan Hậu Giang đã có buổi làm việc với UBND TP. Cần Thơ, doanh nghiệp có nguyện vọng đầu tư nhà máy giết mổ gia công tập trung gia súc, gia cầm quy mô lớn, công nghệ cao đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, nhu cầu về diện tích thuê đất của doanh nghiệp là 5 – 7ha.

Dự kiến, công suất từ 90.000 – 300.000 con heo/tháng, 450.000 – 1 triệu con gà và 600.000 con vịt/tháng. Lò mổ hoạt động bán kính 40km có xe đông lạnh phục vụ vận chuyển sản phẩm cho khách hàng. Công ty cam kết đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại nhất, giết mổ treo, ứng dụng công nghệ tự động hóa.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ, tổng đàn gia súc trên địa bàn thành phố hiện là 130 nghìn con, gia cầm trên 2 triệu con, trâu bò dưới 5.000 con. Chăn nuôi chủ yếu là quy mô nhỏ, chăn nuôi nông hộ chiếm tới 90 – 95%. Những năm qua, ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Dịch tả heo Châu Phi, cúm gia cầm. Trước thực trạng đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố đã thực hiện chuyển giao 11 mô hình áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng các mô hình an toàn dịch bệnh đối với các bệnh nguy hiểm từ năm 2021 – 2025.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Chuyển đất lúa kém hiệu quả trồng tràm năm gân

NINH BÌNH Việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng tràm năm gân giúp người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gia tăng giá trị sản xuất và thu nhập.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.