| Hotline: 0983.970.780

Tính toán những kịch bản sâu cho xuất khẩu thủy sản

Thứ Năm 23/06/2022 , 14:44 (GMT+7)

Dù tăng trưởng vượt bậc và dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ đạt 9,5 – 10 tỷ USD, nhưng bức tranh toàn ngành thủy sản Việt Nam vẫn nhiều thách thức lớn.

Góc nhìn người trong cuộc

Thông tin được ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra tại Diễn đàn CEO “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản – Góc nhìn người trong cuộc” tổ chức ngày 23/6 tại TP Cần Thơ.

Theo thống kê của VASEP, tính đến giữa quý 2/2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đạt gần 4 tỷ đô la Mỹ, tăng trưởng hơn 44% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, mặt hàng tôm và cá tra có mức tăng trưởng cao, được thị trường nhập khẩu ưa chuộng. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy ngành thủy sản đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19 và tăng trưởng xuất khẩu trở lại.

Tôm và cá tra là hai mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao trong 2 quý đầu năm 2022. Ảnh: Kim Anh.

Tôm và cá tra là hai mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao trong 2 quý đầu năm 2022. Ảnh: Kim Anh.

Ở góc nhìn tích cực, ông Nam nhấn mạnh, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đạt được những kết quả tốt, những khu vực, thị trường xuất khẩu lớn có sự tăng trưởng ấn tượng. Nguyên nhân của sự tăng trưởng này được ông Nam chỉ ra là sự mở cửa của hầu hết các thị trường xuất khẩu (trừ Trung Quốc), lượng nguyên liệu tồn kho, dự trữ từ cuối 2021 kéo sang những tháng đầu năm 2022. Đặc biệt nhiều doanh nghiệp đã ký kết được các hợp đồng từ cuối năm 2021 đã thúc đẩy giá xuất khẩu tăng. Bên cạnh đó, lợi thế về thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do đã góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Với tốc độ tăng trưởng và bối cảnh cung – cầu hiện nay, dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ đạt 9,5 – 10 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan quản lý nhà nước và chuyên gia trong ngành, vẫn còn nhiều thách thức cho xuất khẩu thủy sản trong những quý cuối năm và trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ ra 5 thách thức lớn của xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ ra 5 thách thức lớn của xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Ảnh: Kim Anh.

5 thách thức được ông Nam chỉ ra là nguyên liệu, nhập khẩu, chứng nhận khai thác, thị trường Trung Quốc, quy định trách nhiệm môi trường. Ông phân tích, sự khan hiếm nguồn nguyên liệu không đảm bảo cho thị trường xuất khẩu, sự gia tăng cước phí tàu biển và các chi phí đầu vào tăng. Tại các thị trường lớn đang tiếp tục tăng cường kiểm soát các yếu tố an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Song song với những cơ hội gia tăng xuất khẩu nhờ những ưu đãi thuế quan, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với vấn đề tăng cường kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc từ các thị trường lớn.

Hơn nữa, hiện nay chế biến thủy sản gắn chặt với yếu tố môi trường. Thế nhưng các nhà máy chế biến thủy sản đang thực hiện quy định môi trường đồng thời cùng với các ngành công nghiệp khác như than, sắt, xi măng, chưa có quy định đặc thù riêng cho ngành thủy sản. Vấn đề này cũng đang trở thành trở ngại cho doanh nghiệp thủy sản.

Ngành thủy sản chưa có những quy định đặc thù về công tác môi trường. Ảnh: Kim Anh.

Ngành thủy sản chưa có những quy định đặc thù về công tác môi trường. Ảnh: Kim Anh.

Liên quan đến vấn đề logistics trong ngành thủy sản, ông Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc VCCI Cần Thơ xác định, ngành logistic hiện nay còn yếu. Theo quan điểm của ông Dũng, để nâng cấp chuỗi giá trị bền vững, đòi hỏi phải có nhiều nguồn lực hơn từ quốc gia cải thiện cơ sở hạ tầng, con giống, đầu vào, nghiên cứu ứng dụng, hiệu quả logistics. “Không doanh nghiệp riêng lẻ nào, kể cả nhóm doanh nghiệp có thể làm được những việc lớn, tốn kém, đòi hỏi tính đồng bộ, phối hợp cao, trừ khi có nhà nước, với sự hỗ trợ, các chương trình đầu tư nâng cấp và chính sách khi tình hình quá khó khăn”, ông Dũng cho biết.

Cần phải tính toán những kịch bản sâu

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí logistics tăng cao đặt ra vấn đề rất lớn cho hệ thống kho bảo quản, nhất là khi xuất khẩu ngày càng tăng nhu cầu đầu tư ngày càng cao.

Ông Trần Nguyễn Hoàng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), một doanh nghiệp xuất khẩu tôm quy mô lớn tại ĐBSCL chia sẻ khó khăn mà hai năm qua doanh nghiệp này gặp phải khi hệ thống kho bảo quản chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Ông Trần Nguyễn Hoàng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty Stapimex, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ khó khăn khi hệ thống kho bảo quản chưa đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Ông Trần Nguyễn Hoàng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty Stapimex, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ khó khăn khi hệ thống kho bảo quản chưa đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

“Mấu chốt của ngành tôm là sản xuất chưa ổn định, có thời điểm chế biến chỉ bằng một phần ba so với lúc cao điểm. Việc đầu tư kho bảo quản thời gian trước chỉ tính đến việc làm sao để đảm bảo lượng tồn kho. Sau này, biến động thị trường quá lớn, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát các nước nhập khẩu ngưng ngay không nhập, chậm trễ 3 – 4 tháng. Lúc đó hàng hóa doanh nghiệp sản xuất ra không có chỗ tồn. Do vậy bài toán lưu kho không còn như trước nữa”, ông Phú chỉ ra.

Để giải quyết vấn đề liên quan đến kho bảo quản, theo ông Phú, doanh nghiệp thủy sản nói riêng và doanh nghiệp xuất khẩu nói chung cần phải tính toán những kịch bản sâu, dự đoán cả những biến cố, thiên tai có thể xảy ra trong 5 – 10 năm tới khi đầu tư hệ thống kho bảo quản.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất