| Hotline: 0983.970.780

Cảng cá quá tải tiếp nhận tàu cập bến trong dịch Covid-19

Thứ Tư 28/07/2021 , 14:15 (GMT+7)

Hiện nhiều cảng cá trong khu vực đã tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch, do vậy tàu cá của ngư dân đổ dồn về các cảng cá Bình Định dẫn tới quá tải.

Các cảng cá quá tải

Bình Định là 1 trong những tỉnh có lực lượng tàu cá đánh bắt xa bờ nhiều nhất nước với 3.240 chiếc. Trong đó, có khoảng 1.000 chiếc thường xuyên di chuyển ngư trường, đánh bắt xong chuyến biển không cập về các cảng cá ở Bình Định, mà cập vào bất cứ cảng cá nào gần nhất để bán sản phẩm, rồi sắm tổn mở ngay chuyến biển mới để tranh thủ thời gian đánh bắt trên biển.

Tuy nhiên, hiện nay để phòng, chống dịch Covid-19, một số cảng cá trong khu vực như ở các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa… đã tạm dừng hoạt động. Một số cảng cá chỉ tiếp nhận tàu cá của ngư dân địa phương về bán sản phẩm và làm thủ tục xuất bến.

Do đó, khoảng 1.000 tàu cá của ngư dân Bình Định thường xuyên di chuyển ngư trường, sau khi đánh bắt xong chuyến biển không thể cập những cảng cá ở các tỉnh khác như trước đây, mà phải quay về cập bến các cảng cá ở Bình Định để bán sản phẩm, dẫn tới tình trạng quá tải.

Chốt kiểm soát dịch Covid-19 trước cổng Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chốt kiểm soát dịch Covid-19 trước cổng Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trong khi đó, ở Bình Định hiện có 3 cảng cá, gồm: Cảng cá Tam Quan nằm trên địa bàn TX Hoài Nhơn, Cảng cá Đề Gi nằm trên địa bàn huyện Phù Cát và Cảng cá Quy Nhơn nằm trên địa bàn TP Quy Nhơn. Riêng Cảng cá Tam Quan từ xưa đến nay chưa có cầu cảng, khu neo đậu tàu thuyền thì chật hẹp, nên không thể đáp ứng số lượng tàu cá của ngư dân đổ dồn về trong những ngày này, nhất là vào mùa trăng.

Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, căn cứ theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, khu neo đậu tránh trú bão Tam Quan được quy hoạch có sức chứa 1.200 tàu cá có công suất từ 400CV trở lên. Thế nhưng hiện nay, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá tại Cảng cá Tam Quan đã phải tiếp nhận hơn 1.800 tàu cá của ngư dân địa phương, gấp 1,5 lần số lượng tàu cá theo quy hoạch, gây quá tải.

Cũng theo ông Công, lâu nay, phần lớn tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân địa phương sau mỗi chuyến biển không cập vào Cảng cá Tam Quan, vì cảng đã chật, luồng lạch vào cửa biển Tam Quan lại hẹp dễ gây gặp rủi ro, nên hầu hết đều cập về các cảng cá gần ngư trường đánh bắt để bán sản phẩm.

Thế nhưng hiện nay, tàu cá của ngư dân Hoài Nhơn không thể cập vào các cảng cá ở những tỉnh có dịch như: Tiền Giang, Kiên Giang, Vũng Tàu, Đà Nẵng... Bởi, để phòng chống dịch Covid-19, nhiều cảng cá không cho tàu cá của địa phương khác cập bờ để thắt chặt kiểm soát dịch, buộc tàu cá của ngư dân Hoài Nhơn phải cập về Cảng cá Tam Quan.

Test nhanh Covid-19 cho ngư dân và thương lái tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Test nhanh Covid-19 cho ngư dân và thương lái tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Từ thực trạng trên, UBND TX Hoài Nhơn đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định, Sở NN-PTNT Bình Định cho chủ trương tạm dừng tiếp nhận tàu cá cập vào khu neo đậu tránh trú bão Tam Quan, cho phép tàu cá của ngư dân Hoài Nhơn về Cảng cá Đề Gi và Cảng cá Quy Nhơn neo đậu trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19”, ông Nguyễn Chí Công cho hay.

Như vậy, toàn bộ tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Định từ nay sẽ chỉ còn 2 nơi để “tá túc”, đó là Cảng cá Đề Gi và Cảng cá Quy Nhơn. Những tổ công tác của Ban quản lý Cảng cá Bình Định thường trực tại 2 cảng cá Đề Gi và Quy Nhơn ngoài những nhiệm vụ thực hiện trong công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp theo quy định của EC để góp phần gỡ “thẻ vàng” IUU, giờ còn phải đảm nhận thêm nhiệm vụ đứng chốt kiểm dịch nên “hao hớt” nhân lực.

Do vậy, Cảng cá Đề Gi và Cảng cá Quy Nhơn cần được nâng cao công suất, năng lực tiếp nhận khai báo thủy sản và kiểm soát y tế mới mong hoàn thành được nhiệm vụ.

Từ nay, ngoài nhiệm vụ trong công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp theo quy định của EC, các cảng cá ở Bình Định còn mất thêm nhân lực để bố trí tại các chốt kiểm dịch Covid-19. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Từ nay, ngoài nhiệm vụ trong công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp theo quy định của EC, các cảng cá ở Bình Định còn mất thêm nhân lực để bố trí tại các chốt kiểm dịch Covid-19. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bất cập trong kiểm soát dịch Covid-19

Riêng tại Cảng cá Quy Nhơn hiện đang tồn tại 1 bất cập khác, đó là ngoài phục vụ cho hoạt động của tàu cá và thương lái ra vào cảng, cảng còn phục vụ cho việc đi lại của người dân các xã đảo Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Hải Minh đi, về Quy Nhơn và 1 số hộ dân ở đường Hàm Tử (TP Quy Nhơn) vào cảng để mua bán, thông qua cổng phụ Hàm Tử của Cảng cá Quy Nhơn.

Thực tế trên dẫn tới bất cập là: Nếu thương lái từ Phú Yên, Khánh Hòa ra Cảng cá Quy Nhơn mua sản phẩm, nếu không có cổng phụ thì phải vào cổng chính, nhóm thương lái đi mấy người sẽ được test nhanh Covid-19 toàn bộ tại cổng cảng. Đằng này, Cảng cá Quy Nhơn có cổng phụ nên thương lái cho tài xế chạy xe qua cổng chính để chỉ tốn chi phí 1 lần test nhanh, những người còn lại theo cổng phụ trà trộn với người dân các xã đảo để vào cảng, đây chính là “lổ hổng” trong kiểm soát dịch Covid-19.

Hơn nữa, người từ các tỉnh miền Nam về Quy Nhơn để đi các xã đảo nếu qua cổng chính sẽ được test nhanh Covid-19, nếu họ đi bằng cổng phụ thì sẽ thoát được chốt kiểm soát dịch Covid-19 đặt trước cổng cảng.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.