| Hotline: 0983.970.780

Càng chờ dự án, càng ô nhiễm

Thứ Hai 01/10/2012 , 09:45 (GMT+7)

Cùng với sự mở rộng và phát triển nghề, đã đẩy làng bún Vân Cù (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, TT- Huế) vào tình trạng ô nhiễm…

Làng bún Vân Cù (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, TT- Huế) là một trong những làng nghề truyền thống nức tiếng. Sợi bún trong, mềm đã có mặt khắp các chợ trong tỉnh, mang lại thu nhập cao cho người SX. Tuy nhiên, cùng với sự mở rộng và phát triển nghề, đã đẩy làng bún vào tình trạng ô nhiễm…

Nước thải chảy khắp làng

Từ trung tâm xã Hương Toàn, men theo đường liên thôn đến làng bún Vân Cù, những ngày nắng chói chang, mùi chua, thối cứ xộc vào mũi. Thôn Vân Cù có 160 hộ làm nghề bún, trong đó chừng 60 hộ đã đầu tư máy móc, công nghệ SX. Xung quanh làng là các hệ thống ao hồ nước đọng làm “bãi thải” cho nước làm bún chảy ra.


Làm bún tươi tại làng Vân Cù

Bình quân mỗi hộ làm bún tươi thải ra môi trường từ 3-4 m3 nước thải/ngày. Vào những ngày nắng nóng, nước thải từ các hộ dân làm bún chảy lênh láng ra đường rồi tấp vào hồ gây ô nhiễm nghiêm trọng. Cạnh đó là dòng sông Bồ, cũng hứng chịu nhiều nước thải từ các hộ dân.

Ông Nguyễn Hữu Định- Bí thư Chi bộ thôn Vân Cù lo lắng: “Mặc dù làm bún là nghề truyền thống của làng, mang lại thu nhập cao thế nhưng hậu quả ô nhiễm môi trường đã thấy rõ. Như mấy anh vào giờ buổi trưa mà đến đây thì không thở nổi đâu. Hầu hết các hộ làm bún không có hệ thống xử lý nước thải, mạnh ai nấy xả. Nước thải được các hộ dẫn từ đường ống trong nhà, thải thẳng ra ao hồ, tràn ra cả mặt đường. Vào mùa nắng ruồi nhặng nhiều vô kể, môi trường sống bị đe dọa nghiêm trọng”.

Theo ông Định, những năm gần đây, người dân làng bún Vân Cù đã biết đầu tư công nghệ, mỗi loại máy SX ra sợi bún từ khâu xay bột, buốt sợi… có giá 60 triệu đồng. Xã đã làm việc với ngành điện, kéo điện 3 pha về cho người dân SX. Từ đó sản lượng tăng lên đáng kể, thu nhập người dân cũng ổn định từ 300.000-500.000 đồng/ngày. Trung bình mỗi hộ dân SX 1,5-2 tạ bún/ngày, cả làng cho ra lò hàng chục tấn bún/ngày. Cùng với việc cải tiến công nghệ, gia tăng sản lượng, làng nghề cũng đang đối diện với tình trạng ô nhiễm nặng.

Vấn đề ô nhiễm ở làng bún Vân Cù đã thấy rõ, bởi nhiều năm nay, trẻ nhỏ cũng như người lớn trong làng thường mắc các bệnh xoang, đường ruột và bệnh ngoài da. Bà Nguyễn Thị Vàng, một hộ SX bún ở Vân Cù cho biết: “Người dân làm nghề chúng tôi vẫn biết là ô nhiễm, nhưng đây là nghề truyền thống, giờ bỏ nghề thì biết làm chi đây? Như gia đình chúng tôi, cả 5 lao động đều dựa vào nghề làm bún cả, thu nhập bình quân mỗi người 150.000 đồng/ngày. Để làng nghề được duy trì và phát triển, chúng tôi kiến nghị Nhà nước đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải, nhằm đảm bảo môi trường, tạo cơ hội cho nghề này phát triển”.

Ngóng dự án

Ông Nguyễn Văn Tho- Chủ tịch UBND xã Hương Toàn cho hay: “Vấn đề ô nhiễm ở làng bún Vân Cù đã được quan tâm từ lâu bởi sau khi làng nghề mở rộng, đầu tư công nghệ, cộng với tình trạng chăn nuôi gia súc của các hộ dân đã đẩy làng nghề vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 2010, UBND tỉnh đã có quyết định đầu tư 5,3 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại làng bún.

Phương án đưa ra là xây dựng mới 10 tuyến mương có nắp đậy bê tông cốt thép thu gom nước thải tại 10 xóm với tổng chiều dài 3 km. Tại mỗi điểm thu của tuyến mương, có một hệ thống lắng chìm để xử lý nước thải (mỗi bể 4 m3) đảm bảo tiêu chuẩn cho phép rồi thải ra sông Bồ cách đó 20 m. Để đảm bảo thu gom và xử lý, tại mỗi hộ gia đình cần xây dựng hầm biogas, hồ sinh học và tuyến mương nhỏ dẫn nước từ các hộ đấu nối vào hệ thống mương chung.

“Vừa qua, Hội Nghề SX bún tươi Vân Cù được thành lập, chính quyền đã xúc tiến đăng ký thương hiệu nhằm tạo vị trí cho sản phẩm và nâng cao ý thức của người dân làng nghề về bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Tho nói.

Hiện nay, nhờ hưởng lợi từ dự án của Cộng hòa Séc, người dân đã được đầu tư 8-10 triệu đồng/hầm biogas với hình thức dự án đầu tư 5 triệu, còn lại người dân phải góp vốn”.

Người dân làng bún đã khấp khởi mừng bởi thoát được tình trạng ô nhiễm, có cơ hội đầu tư làm ăn bền vững. Thế nhưng, trong khi dự án mới thực hiện các bước khảo sát, thiết kế thì lại “vướng” vào Nghị định 11 của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công. Từ đó đến nay, dự án vẫn chưa được bố trí nguồn vốn để thực hiện, trong khi tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên cấp bách.

Ông Tho cho biết thêm, nếu dự án được thực hiện trở lại cũng rất khó khăn bởi nguồn vốn được bố trí như cũ nhưng qua 2 năm, giá vật liệu và nhân công đã “đội” lên, nếu làm theo như thiết kế ban đầu thì không đảm bảo được chất lượng. Người dân làng bún Vân Cù đang thấp thỏm chờ dự án nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm hơn bao giờ hết.

Nhưng nếu để người dân đầu tư trọn gói để xây dựng hệ thống xử lý nước thải thì họ không kham nổi. Đây là vấn đề cần có sự chung tay giữa Nhà nước và cộng đồng dân cư.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Hải Phòng phát hiện hơn 100 tàu cá mất kết nối VMS trong 4 tháng

Những trường hợp tàu cá bị phát hiện mất kết nối, nếu không khắc phục kịp thời, cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đều xử lý nghiêm.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Ruốc biển xuất hiện dày đặc, ngư dân thu tiền triệu mỗi ngày

QUẢNG NGÃI Sau vài giờ ra khơi đánh bắt, các tàu thuyền trở về với hàng tạ ruốc, mang lại thu nhập tiền triệu mỗi ngày cho ngư dân ở vùng biển Quảng Ngãi.