| Hotline: 0983.970.780

Càng kiểm tra, càng phát hiện rừng bị phá

Thứ Tư 25/12/2024 , 16:22 (GMT+7)

Đây là nghịch lý được nêu ra về tình trạng phá rừng ở những khu vực được xem là điểm nóng của tỉnh Gia Lai trong thời gian vừa qua.

Những cánh rừng ở xã Ia Mơ đang bị 'bức tử'. Ảnh: Tuấn Anh.

Những cánh rừng ở xã Ia Mơ đang bị "bức tử". Ảnh: Tuấn Anh.

Kiểm tra thường xuyên, rừng vẫn bị phá

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Gia Lai, thời gian qua, trên địa bàn các huyện Chư Prông, Ia Grai và Chư Sê liên tục xảy ra các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâmnghiệp gây dư luận không tốt.

Đặc biệt, tại huyện biên giới Chư Prông đang được xem là điểm nóng về phá rừng. Trong năm 2024, trên địa bàn huyện Chư Prông xảy ra 33 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp (tăng 11 vụ so với cùng kỳ năm 2023). Diện tích rừng bị phá hơn 2,8 ha với khối lượng gỗ thiệt hại gần 68m3.

Lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 16 vụ, tịch thu hơn 17 m3 gỗ, phạt tiền 228 triệu đồng. Xử lý hình sự 2 vụ về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản xảy ra tại xã Ia Mơ và tội hủy hoại rừng xảy ra tại xã Ia Ga.

Mới nhất vào ngày 23/12, lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện 330 cây rừng bị "bức tử" đến chết. Theo đó, các đối tượng đã ken cây, đẽo hết vỏ quanh gốc để cây chết từ từ. Đây là một hình thức phá rừng rất tinh vi đã khiến nhiều diện tích rừng tự nhiên ở biên giới Chư Prông đã bị “xóa sổ”.

Ông Từ Ngọc Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết, nạn phá rừng trên địa bàn khiến chính quyền địa phương đang rất đau đầu. Mặc dù, lực lượng chức năng có kế hoạch kiểm tra thường xuyên nhưng không hiểu sao rừng vẫn bị phá?...

Các đối tương cưa để cây chết từ từ. Ảnh: Tuấn Anh.

Các đối tương cưa để cây chết từ từ. Ảnh: Tuấn Anh.

“Trên địa bàn huyện Chư Prông đã thành lập 3 tổ liên ngành để tăng cường cho các địa bàn trọng điểm về phá rừng, cụ thể là xã Ia Mơ. Cùng với đó là lực lượng kiểm lâm, công an, đồn biên phòng… ngày đêm túc trực để kiểm tra, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, các lực lượng càng đi kiểm tra, truy quét, lại càng phát hiện rừng bị phá”, ông Thông cho biết.

Điểm nóng phá rừng ở biên giới Ia Mơ

Tương tự, rừng tự nhiên ở xã Ia Mơ (huyện Chư Prông) cũng liên tục bị triệt hạ không thương tiếc. Mặc dù các lực lượng chức năng đã tìm đủ mọi biện pháp tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, thế nhưng tình trạng này dường như không có dấu hiệu thuyên giảm.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Quyền Chủ tịch UBND xã Ia Mơ cho biết, UBND xã Ia Mơ được giao quản lý diện tích rừng quá lớn với gần 14.000ha, trong khi lại không có lực lượng chuyên trách. Chính vì vậy, UBND xã Ia Mơ phải đi thuê hợp đồng nhân công theo từng tháng để thành lập ra các tổ bảo vệ rừng, trực tiếp sinh sống trong rừng.

Theo ông Tuấn Anh, trong thời gian vừa qua, mặc dù có rất nhiều cuộc họp bàn về công tác hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng nhưng lại không nhắc gì đến lực lượng bảo vệ rừng cấp xã, điều này gây ra nhiều khó khăn cho địa phương. Vì vậy, UBND tỉnh Gia Lai cần chỉ đạo các đồn biên phòng tăng cường hơn nữa việc kiểm soát con người, phương tiện ra vào khu vực biên giới, điều này sẽ giúp công tác bảo vệ rừng được tốt hơn.

Nếu không có giải pháp quyết liệt, những cánh rừng sẽ bị 'xóa sổ'. Ảnh: Tuấn Anh.

Nếu không có giải pháp quyết liệt, những cánh rừng sẽ bị "xóa sổ". Ảnh: Tuấn Anh.

Theo ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai, lực lượng tuần tra, truy quét được tăng cường nhưng rừng ở xã Ia Mơ vẫn liên tục bị tàn phá, vậy cần phải tìm ra nguyên nhân. Các giải pháp về công tác quản lý bảo vệ rừng đã rõ ràng nhưng do việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, dẫn đến không tìm ra đối tượng phá rừng. Trong khi đó, xử lý trách nhiệm của người để xảy ra phá rừng cũng chưa nghiêm dẫn đến công tác quản lý còn lỏng lẻo.

Để giảm thiểu tình trạng phá rừng trong thời gian tới, ông Hoan cho rằng, các địa phương cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng tại gốc. Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các cơ quan chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng.

“Cần xử lý nghiêm người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, thiếu trách nhiệm, né tránh, không hoàn thành nhiệm vụ để xảy ra phá rừng trái pháp luật hoặc khi phát hiện vụ việc vi phạm không kịp thời báo cáo, bàn giao cho cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý theo quy định”, ông Hoan nhấn mạnh.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.