| Hotline: 0983.970.780

Canh cánh nỗi lo từ chợ đầu mối gia cầm Hải Bối: [Bài 2] Rùng mình!

Thứ Ba 23/07/2024 , 15:39 (GMT+7)

Để làm sạch lông gà, vịt, một số cơ sở giết mổ tại Hải Bối dùng nhựa thông, một chất phụ gia đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm.

Nhựa thông là hóa chất bị nghiêm cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được các cơ sở giết mổ gia cầm tại chợ Hải Bối sử dụng tràn lan. Ảnh: Đức Minh.

Nhựa thông là hóa chất bị nghiêm cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được các cơ sở giết mổ gia cầm tại chợ Hải Bối sử dụng tràn lan. Ảnh: Đức Minh.

Sử dụng nhựa thông vặt lông tràn lan

Trong văn bản gửi Sở NN-PTNT các tỉnh tăng cường kiểm soát cơ sở giết mổ gia cầm, Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) đã có quy định nghiêm cấm sử dụng nhựa thông trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. 

Trường hợp phát hiện sơ sở vi phạm sẽ xử phạt theo quy định tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và truy cứu hình sự theo Điều 190, 191 và 317 Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH.

Bài liên quan

Quy định là vậy, nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tại các cơ sở giết mổ gia cầm tại chợ Hải Bối (Đông Anh), hàng ngày vẫn có hàng ngàn gia cầm được giết mổ theo phương pháp này.

22 giờ, thời điểm hai chục cơ sở giết mổ tại Hải Bối bắt đầu đỏ lửa, mọi công đoạn cho việc giết mổ gia cầm bắt đầu vào ca. Mỗi người một công đoạn, sau nhiều ngày theo dõi, quan sát hoạt động giết mổ, bằng mắt thường chúng tôi cũng có cảm nhận các công đoạn giết mổ tại đây khó mà đảm bảo tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

Từ tối cho đến sáng, các cơ sở giết mổ tại đây lúc nào cũng bốc mùi khét nồng. Bên trong các cơ sở, những con gà, vịt vứt lăn lóc trên nền nhà.

Tiết gà, vịt được để ngay dưới nền nhà mất vệ sinh. Ảnh: Đức Minh.

Tiết gà, vịt được để ngay dưới nền nhà mất vệ sinh. Ảnh: Đức Minh.

Theo quy định, tại Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT (sửa đổi tại Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT) trước khi giết mổ gia súc, gia cầm, các lò mổ cần phải tuân thủ những quy định như: Kiểm tra hồ sơ, sổ sách ghi chép nguồn gốc động vật đưa vào giết mổ của cơ sở giết mổ. Giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật theo quy định. Kiểm tra việc thực hiện các quy định vệ sinh đối với người tham gia giết mổ. Kiểm tra lâm sàng động vật,...

Thế nhưng, trong quá trình điều tra chúng tôi không hề thấy bóng dáng của vị cán bộ thú y kiểm dịch, cũng chưa thấy ai đến các lò mổ để nhắc nhở hộ kinh doanh ở chợ đầu mối gia cầm Hải Bối trong việc chấp hành công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

22 giờ 30 phút, đều đặn như mọi ngày, hơn 200 con vịt bơ được gia đình ông T nhập về để giết mổ. Sau khi kiểm tra đủ số lượng hàng, những nồi nước đã bắt đầu sục sôi, công đoạn giết mổ của ông T bắt đầu diễn ra.

Những con vịt vừa được cơ sở giết mổ tại Hải Bối nhúng vào nồi nhựa thông. Ảnh: Hùng Khang.

Những con vịt vừa được cơ sở giết mổ tại Hải Bối nhúng vào nồi nhựa thông. Ảnh: Hùng Khang.

Những con vịt sẽ được mổ cắt tiết ngay trên nền nhà nhếch nhác, những bát tiết cáu bẩn được để la liệt dưới nền đất. Cứ như vậy, hàng chục, hàng trăm con vịt được cắt tiết ào ào để chuyển sang công đoạn làm lông.

Vịt được nhúng nhiều lần vào nồi nước sôi để cho vào máy vặt lông. Sau khi vặt lông sơ qua bằng máy, người ta sẽ nhúng trực tiếp vịt nhiều lần vào nồi nhựa thông đang sôi sùng sục, sau đó vớt ra nhúng vào chậu nước để làm nguội. Lớp nhựa màu vàng bọc bên ngoài sau khi đông cứng, được lột ra một cách dễ dàng.

Sau nhiều lần, toàn bộ lớp lông măng, lông ống trên da vịt được lột sạch bám theo nhựa thông. Mảnh nhựa dính đầy lông lại được được ném ngay vào nồi để quay vòng vặt tiếp những con khác. Chỉ mất khoảng một phút để vặt sạch lông vịt, nhanh hơn rất nhiều so với nhổ bằng tay.

Nhựa thông thứ nguyên liệu không thể thiếu đối với các lò mổ tại chợ gia cầm Hải Bối. Ảnh: Hùng Khang.

Nhựa thông thứ nguyên liệu không thể thiếu đối với các lò mổ tại chợ gia cầm Hải Bối. Ảnh: Hùng Khang.

Ông T nói với phóng viên, “nếu không có nhựa thông, lò mổ của ông phải mất nguyên ngày để hoàn thành quy trình giết mổ hơn 200 con vịt. Giờ đây công việc đó chỉ diễn ra trong một đêm”.

“Không có nhựa thông làm sao mà nhanh được. Mấy trăm con vịt hơi sức đâu để mà vặt từng cái lông. Có nhựa thông một đêm là xong, sáng hôm sau cứ thế chuyển đến nhà hàng, quán ăn”. Ông T chia sẻ.

Tiếp cận các tiểu thương, phóng viên đặt câu hỏi, dùng nhựa thông có độc hay không thì bất ngờ nhận được câu trả lời thản nhiên rằng, “nhựa thông làm gì có độc?”.

“Không dùng nhựa thông thì dùng gì. Làm gì có độc đâu. Mà có độc mình cũng có ăn đâu mà sợ?”. Tiểu thương ở chợ đầu mối gia cầm Hải Bối nói thẳng.

Mỗi ngày, hàng chục cân nhựa thông vẫn được các cơ sở giết mổ ở chợ Hải Bối sử dụng. Người tiêu dùng khó có thể phân biệt được trong số những con vịt trắng trẻo, sạch sẽ được chuyến đến các quán ăn, nhà hàng hay được bày bán ở chợ lẻ, chợ dẫn sinh, con nào đã được vặt lông bằng nhựa thông?

Gia cầm được nhồi nhét thêm thức ăn để tăng trọng lượng. Ảnh: Đức Minh.

Gia cầm được nhồi nhét thêm thức ăn để tăng trọng lượng. Ảnh: Đức Minh.

Vi phạm nghiêm trọng phúc lợi động vật

Không chỉ sử dụng nhựa thông để giết mổ gia cầm, các tiểu thương tại chợ đầu mối gia cầm Hải Bối còn nhồi nhét thức ăn vào diều gà, ngan, vịt nhằm tăng trọng lượng, hành vi được coi là vi phạm nghiêm trọng phúc lợi động vật.

Sau nhiều ngày quan sát, để ý những chiếc lồng nhốt đầy gà, vịt, chúng tôi đã chứng kiến cảnh tượng các chủ hàng thao tác rất nhanh các công đoạn nhồi thức ăn vào diều gia cầm. Họ dùng cơm thừa, cám cho vào chai nhựa rồi phanh mỏ con vật hết cỡ để nhồi nhét liên tục rồi dùng tay vuốt cổ con vật cho thức ăn trôi vào diều. Nhiều con gia cầm bị nhồi no đến mức ợ cả dịch nhầy ra.

Khi được hỏi sao lại phải làm như vậy, một chủ buôn thản nhiên nói: “Ở chợ này ai cũng đều làm thế cả bởi gà, vịt vận chuyển sẽ bị hao cân nên phải nhồi thức ăn để bù lại trọng lượng đã hao do vịt bị nhốt vận chuyển sợ không tự ăn thức ăn nữa”.

Theo ước lượng, với kiểu nhồi nhét thức ăn tại chợ Hải Bối, một con gia cầm có thể tăng thêm từ 100 - 300g. Nếu một con gà trọng lượng 1kg có giá 90.000 đồng, với lượng cám nhồi thêm vào khoảng 300g, những người đi buôn sẽ có thêm khoảng 27.000 đồng, trong khi chi phí 300g cám chỉ mất vài nghìn đồng.

Gia cầm từ chợ Hải Bối được vận chuyển đi đến các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP Hà Nội tiêu thụ. Ảnh: Hùng Khang.

Gia cầm từ chợ Hải Bối được vận chuyển đi đến các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP Hà Nội tiêu thụ. Ảnh: Hùng Khang.

Thiết nghĩ, với hàng loạt bất cập đang tồn tại ở chợ gia cầm Hải Bối, Ban quản lý chợ Hải Bối, UBND huyện Đông Anh, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội cần vào cuộc ngay để chấn chỉnh tình trạng sử dụng nhựa thông trong giết mổ cũng như hành động vi phạm phúc lợi động vật nhồi nhét thức ăn cho gia cầm. Qua đó, tránh thất thoát nguồn thu cho ngân sách, đảm bảo an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.

Với thực trạng tài chợ đầu mối gia cầm Hải Bối, người tiêu dùng dù có quay vào ô nào đi chăng nữa cũng khó mà chạy thoát khỏi "ma trận", bởi nếu mua gia cầm mổ sẵn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe do gà, vịt được làm lông bằng nhựa thông rồi giết mổ mất vệ sinh, còn lựa chọn gia cầm hơi (còn sống) cho chắc ăn thì phải gánh thêm chi phí "cám nhồi".

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Quy trình vận hành liên hồ chứa và lưu vực sông cần phải đồng bộ

Việc vận hành đơn lẻ các hồ chứa, lưu vực sông sẽ ảnh hưởng đến quy trình vận hành liên hồ, do vậy cần sớm đồng bộ quy trình vận hành toàn lưu vực.