| Hotline: 0983.970.780

Cánh đồng lớn đẹp nhất Quảng Bình

Thứ Bảy 03/10/2020 , 08:55 (GMT+7)

Cánh đồng rộng chừng 650 ha ở 2 thôn Hoành Vinh và Thống Nhất (xã An Ninh -Quảng Ninh - Quảng Bình) được xem là nơi sản xuất lúa gạo sạch từ nhiều năm nay…

Ông Võ Doãn Dực, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoành Vinh (HTX Hoành Vinh), xã An Ninh (Quảng Ninh - Quảng Bình), đứng giữa vùng đồng rộng lớn, khoát tay một vòng: “Bên này, diện tích gần 400 ha, bên kia Hói Chọc hơn 250 ha. Tất cả vùng này đều được quy hoạch từ đường giao thông nội đồng đến trạm bơm chống úng, hạn, ô tô chạy khắp cánh đồng mà không hề trở ngại gì. Có thể đây là cánh đồng lớn đẹp nhất đấy”.

Kiến thiết cánh đồng lớn đẹp nhất

Cánh đồng lớn Hoành Vinh hôm nay. Ảnh: B. Châu.

Cánh đồng lớn Hoành Vinh hôm nay. Ảnh: B. Châu.

Đó là câu chuyện hơn chục năm về trước. Khi đó, vùng đồng Hoành Vinh, Thống Nhất cũng manh mún lắm. Ô thửa xen kẽ vùng đầm lác mọc um tùm. Việc đi làm đồng nhờ vào thuyền bè. Người dân cứ bì bõm dưới ruộng mà lên bờ…

Khi đó, ông Võ Doãn Dực rời quân ngũ về làng. Bà con tín nhiệm bầu ông làm trưởng thôn Hoành Vinh. Chiều chiều, lùa đàn vịt từ cánh đồng rộng, ngập nước về nhà là ông Dực cứ suy tính đến việc tập trung xây dựng cánh đồng mẫu lớn tiêu điểm đưa được cơ giới vào trên đồng ruộng.

Cả thôn họp, bàn tới bàn lui việc phải làm trên đồng. Đồng lòng, người dân thôn Hoành Vinh đổ tiền, công sức lên mảnh ruộng. Để có đất làm hệ thống đường, lãnh đạo thôn triển khai nhiệm vụ dồn điền đổi thửa. “Có nghĩa là, chúng tôi quy hoạch các tuyến đường, các con kênh mang tính lâu bền. Sau đó, còn lại bao nhiêu diện tích đất canh tác thì mới chia theo nhân khẩu, sức lao động. Nhờ vậy mà việc triển khai đường nội đồng, kênh mương mới được hanh thông. Bà con không ai mất mét vuông đất nào cả nên tinh thần ủng hộ cao” - ông Dực nhớ lại.

Việc đầu tiên là Hoành Vinh đầu tư mở con đường chính rộng 7m chạy dài chia cánh đồng lớn ra làm hai khu. Con đường dài 3,5 km rộng được đổ cấp phối chạy như kẻ chỉ thăm thẳm giữa đồng. “Nó là như đốt sống của cánh đồng. Từ con đường chính này, chúng tôi đầu tư những con đường nhỏ hơn (từ 3,5 đến 6 m) chạy vuông góc, phân đều, chia cánh đồng theo ô thửa như một bàn cờ khổng lồ.

Những tuyến đường giao thông nội đồng được quy hoạch, kiến thiết bài bản và có tác dụng lớn cho sản xuất.Ảnh: B. Châu.

Những tuyến đường giao thông nội đồng được quy hoạch, kiến thiết bài bản và có tác dụng lớn cho sản xuất.Ảnh: B. Châu.

Không làm ồ ạt cho xong việc, mỗi năm, HTX Hoành Vinh đầu tư khoảng 1 tỷ đồng kiến thiết cánh đồng. Mỗi năm thêm tuyến đường mới, kênh mới… bà con làm đồng chạy xe máy vùn vụt. Ô tô, xe công nông chở phân ra đồng, chở lúa về nhà cứ chạy phầm phầm chẳng phải sợ trật bánh.

Cũng phải mất 10 năm, Hoành Vinh mới kiến thiết xong cánh đồng lớn. Theo đó, Hoành Vinh đã đầu tư trên 10 tỷ đồng xây dựng hệ thống đường giao thông nội đồng với 7 tuyến đường dọc, 14 tuyến đường ngang có tổng chiều dài gần 53 km. Khi chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã kiểu mới với chức danh giám đốc (thay cho chủ nhiệm) thì tài sản của HTX Hoành Vinh từ kiến thiết ruộng đồng được ghi trên 10 tỷ đồng. Nhờ vào hệ thống giao thông nội đồng, bà con nông dân giảm bớt chi phí sản xuất và cơ bản đưa được cơ giới vào đồng ruộng. Ông Võ Doãn Bình, một nông dân hồ hởi: “Gia đình tôi có ruộng ở cuối cánh đồng nên đi về cũng ngót 7 km. Nhờ đường giao thông tốt nên chi phí sản xuất giảm được phân nửa và rất chủ động trong sản xuất”.

Nhờ hệ thống đê bao liên hoàn và các tuyến kênh mương nội đồng khá kiên cố nên khi lũ tiểu mãn về sớm, cánh đồng của Hoành Vinh vẫn trụ vững trong mưa lũ. Dọc hệ thống đê bao là các tuyến kênh mương nội đồng hoàn chỉnh.

“Hệ thống đã đảm bảo đủ nước tưới và chống hạn rất có hiệu quả trong vụ hè thu hàng năm” - ông Dực nói thêm.

Hướng đến sản xuất hữu cơ

Hơn 10 năm liên tục, nông dân Hoành Vinh được mùa lớn.Ảnh: B. Châu.

Hơn 10 năm liên tục, nông dân Hoành Vinh được mùa lớn.Ảnh: B. Châu.

Cùng đi ra cánh đồng lớn, ông Dực nói như khoe, trong 10 năm nay, năm nào cũng được mùa lớn nên bà con ai cũng phấn khởi. Vụ đông xuân năm ngoái, trung bình đạt 74 tạ/ha, năm nay trên 75 tạ/ha. “Nói chung là năng suất trung bình của chúng tôi cũng như ở HTX Thống Nhất, vụ đông xuân từ 70-75 tại/ha. Riêng vụ hè thu có thấp hơn thì cũng đạt trên dưới 60 tạ/ha. Khó địa phương nào năng suất lúa vượt qua chúng tôi đâu” - ông Dực nói chắc.

“Việc sản xuất lúa sạch cũng đã được lãnh đạo HTX đưa ra và thực hiện từ nhiều năm nay” - ông Dực lại mở ra một câu chuyện khác. Không những ổn định năng suất cây lúa trên đồng, nông dân Hoành Vinh luôn đưa các bộ giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất. Các giống lúa mới được đưa vào gieo trên một vùng đồng để dễ thâm canh theo hướng sạch. Ông Võ Doãn Chúc, Phó Giám đốc HTX, trong tay có diện tích hơn 3 ha ruộng, bảo: “Nhiều vụ sản xuất, nông dân chúng tôi đã không còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà bà con quen gọi “thuốc trừ sâu” nữa. Thay vào đó là thuốc sinh học để bảo vệ mùa màng”. Nắm chắc được những mầm sâu bệnh có thể phát sinh trên cây lúa, HTX Hoành Vinh tìm hiểu các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học phù hợp của các doanh nghiệp sản xuất để đưa về sử dụng. Khi đó, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp đã về để hướng dẫn bà con sử dụng thuốc có hiệu quả. “Không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học là cách để chúng tôi bảo vệ đồng ruộng và bảo vệ chính sức khỏe của mình. Hạt lúa, hạt gạo chúng tôi làm ra nhờ vậy mà an toàn hơn. Hướng đến, chúng tôi sẽ đưa vào canh tác theo hướng hữu cơ. Nghĩa là giảm thiểu sử dụng các loại phân vô cơ và đưa phân bón hữu cơ vào đồng ruộng” - ông Dực cho biết.

Sản xuất lúa không dùng thuốc trừ sâu là cách người dân Hoành Vinh tự bảo vệ chính mình. Ảnh: B.Châu.

Sản xuất lúa không dùng thuốc trừ sâu là cách người dân Hoành Vinh tự bảo vệ chính mình. Ảnh: B.Châu.

Vụ hè thu vừa qua, HTX Hoành Vinh cũng thắng lợi lớn. Kết thúc vụ thu hoạch, ông Võ Doãn Chúc cho hay, năng suất lúa đạt 60 tạ/ha. Nhà có hơn 3 ha nên có sản lượng trên 180 tạ (18 tấn) thóc. Máy gặt ghé bờ, vận chuyển lúa đóng bao lên là thương lái đến mua ngay. “Ở đây bà con bán theo thúng. Mỗi thúng lúa được áp có trọng lượng là 13 kg. Tính ra, trung bình giá bán lúa đạt hơn 8 ngàn đồng/kg. Chúng tôi bán được giá cao là do sản xuất lúa sạch đấy” - ông Chúc cho hay.

Theo nhiều bà con ở Hoành Vinh tính toán, vụ hè thu cho lãi trên 30 triệu đồng/ha. Đứng trên con đường chính dẫn ra cánh dồng, ông Dực bấm đốt tay tính toán, trung bình mỗi ha được 6 tấn lúa, bán giá tám mươi được 48 triệu đồng. “Chi phí hết thảy cho mỗi ha chỉ hơn 15 triệu đồng chút. Như vậy, cân đối trừ thu, chi, bà con còn được hơn 30 triệu đồng ấy. Như nhà ông Chúc làm 3 ha thì cũng được cất tủ ngót nghét trăm triệu đồng” - ông Dực nói giọng vui.

Giá lúa ở Hoành Vinh thường được bán cao hơn vì sản xuất sạch. Ảnh: B. Châu.

Giá lúa ở Hoành Vinh thường được bán cao hơn vì sản xuất sạch. Ảnh: B. Châu.

Cũng nói thêm rằng, sau mỗi mùa thu hoạch lúa, trên các tuyến kênh mương, nhiều thứ đặc sản quê như tôm đất, cá tràu, cá diếc… rất nhiều. Nguồn đặc sản dồi dào này cũng bắt nguồn từ đồng ruộng không có thuốc trừ sâu.

Ông Võ Doãn Dực đưa chúng tôi đi dọc con đường ở bìa làng, nơi tiếp giáp với cánh đồng lớn. Ông bảo đã có quy hoạch lấy khoảng 4-5 ha đất đào ao thả sen. Bên phía bờ giáp cánh đồng sẽ làm bờ đê rộng khoảng chục mét. Trên đó, trồng các loại cây bóng mát như lộc vừng, sanh, cừa…

Sau khi thả sen, sẽ kêu gọi bà con có điều kiện làm dịch vụ giải khát, ăn uống theo kiểu giới thiệu sản phẩm đồng quê. Khách du lịch đến ngồi dưới tán cây thưởng thức món quê và hoa sen, ngắm đồng lúa vào sáng sớm hay lúc chiều tà...

Xem thêm
Ngành điều hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2024 chỉ trong 10 tháng

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên kỷ lục mới trong tháng cuối năm 2024.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.