| Hotline: 0983.970.780

Cánh đồng mẫu J01 tăng lợi nhuận so với sản xuất lúa thông thường

Thứ Hai 27/06/2016 , 14:20 (GMT+7)

Ở HTX Nông nghiệp Ngọc Trì, xã Bình Định, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) có một mô hình “cánh đồng mẫu” đem lại lợi nhuận tăng thêm gần 22 triệu đồng/ha so với gieo cấy giống lúa Khang dân 18 sản xuất đại trà.

Cánh đồng mẫu ấy rộng hơn 20ha, thu hút hơn 410 hộ dân tham gia và chỉ sử dụng một giống duy nhất là J01 do Cty CP Giống cây trồng Bắc Ninh cung ứng. 

Đồng thời, doanh nghiệp này cũng cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm lúa với giá bằng 1,5 lần so với giống lúa Khang dân 18.

Ngay từ đầu vụ xuân 2015, Chi cục BVTV tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành tập huấn cho các hộ nông dân tham gia mô hình về quy trình thâm canh giống lúa J01, các biện pháp ngâm ủ hạt giống, chăm sóc, tưới tiêu, tỉa dặm và khử lẫn, diệt chuột, ốc bươu vàng, nhận biết và quản lý sâu bệnh gây hại chính trên lúa...

Từ khi gieo cấy đến 45 ngày, do ảnh hưởng của thời tiết cuối tháng 2 trời rét đậm, rét hại (11 - 13oC) khiến cây sinh trưởng chậm, cây mảnh, yếu... Nhiều bà con đã ít nhiều dao động, không tin tưởng vào cánh đồng mẫu.

Tuy nhiên, đến giai đoạn đẻ nhánh thời tiết ấm, có mưa phùn xen xẽ, giống lúa J01 đẻ khá nhanh. Tổng số dảnh lên tới 320 - 340 dảnh/m2, trong đó số dảnh hữu hiệu là 240 dảnh/m2, đạt tỷ lệ 72,7%. Đồng thời, mức nhiễm sâu bệnh nhẹ, riêng nhiễm rầy nâu cao hơn lúa Khang dân 18.

Theo đánh giá của Chi cục BVTV Bắc Ninh, J01 là giống lúa có số bông hữu hiệu, số hạt chắc và trọng lượng 1.000 hạt khá cao. Năng suất thực thu đạt khoảng 61 tạ/ha trong khi mô hình đối chứng sản xuất giống lúa Khang dân 18 chỉ đạt năng suất khoảng 56 tạ/ha.

Sản phẩm sau thu hoạch đạt tiêu chuẩn được doanh nghiệp thu mua với giá ước tính 9.700 đồng/kg. Nhờ vậy, hiệu quả kinh tế cánh đồng mẫu so với sản xuất lúa thông thường tăng thêm 21,5 triệu đồng/ha.

dsc-00761191741984

 

Do cánh đồng mẫu thực hiện 3 cùng: Cùng giống J01, cùng thời vụ và quy trình kĩ thuật thâm canh, bởi vậy việc ứng dụng cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch (HTX đứng ra thuê máy làm đất và máy thu hoạch trên toàn bộ diện tích, sau đó thu tiền của các hộ dân) đã tạo điều kiện để hình thành tổ dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất lúa.

Việc đưa J01 vào cánh đồng mẫu ở xã Bình Định được người dân hết sức ủng hộ. Từ kết quả vụ xuân này, chắc chắn những vụ tới, huyện Lương Tài sẽ mở rộng mô hình cánh đồng mẫu gieo cấy chỉ 1 giống lúa J01 ra nhiều xã khác...

Từ kinh nghiệm của xã Bình Định có thể thấy, những cánh đồng sản xuất lúa quy mô lớn có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của thị trường về sản phẩm lúa gạo. Đồng thời, tạo điều kiện ứng dụng quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến để tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Sản xuất quy mô lớn cũng phát huy tối đa hiệu quả của công trình thủy lợi, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ để tăng hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, người nông dân sản xuất nhỏ có thể liên kết hình thành tổ hợp tác để tăng năng lực canh tranh, góp phần làm cho nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Đồng thời theo các cán bộ nông nghiệp địa phương, trong sản xuất cánh đồng mẫu việc lựa chọn được giống lúa có phẩm chất gạo tốt, cơm ngon, bán được giá có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi suy cho cùng hiệu quả thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích gieo cấy mới là câu trả lời xác đáng và là "liều thuốc" kích thích nông dân theo đuổi cánh đồng mẫu.

J01 chính là sự lựa chọn cho người dân địa phương. Đây là giống lúa cảm ôn, khả năng chịu lạnh tốt, chịu thâm canh, khả năng chống chịu sâu bệnh cao, thời gian sinh trưởng vụ xuân 120 - 125 ngày, vụ mùa 105 - 110 ngày, chiều cao cây 90 - 112cm; bông dài, hạt to, tỷ lệ hạt chắc trên 85%, năng suất lý thuyết từ 65 - 75 tạ/ha. J01 là giống lúa thuộc loài Japonica nhập nội, tuy gạo tẻ nhưng hạt tròn như hạt gạo nếp, cơm dẻo, thơm, gạo rất dễ bán.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.