| Hotline: 0983.970.780

Cảnh giác với bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá trên lúa

Thứ Tư 13/03/2019 , 09:51 (GMT+7)

Sáng nay (13/2), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã đi kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông xuân 2018 - 2019 tại Hà Nam và Thái Bình.

Hà Nam chỉ đạo vụ đông xuân tốt

Tại Bình Lục, trên khắp những cánh đồng, lúa đang trong thời kỳ đẻ nhánh rộ. Công tác cấp nước tưới dưỡng lúa được các địa phương thực hiện tốt. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nam cho biết, hiện nay trên đồng ruộng, ốc bươu vàng xuất hiện ở mật độ trung bình 0,5 - 1 con/m2, nơi cao 7 - 10 con/m2 (khá cao so với mật độ 0,3 - 0,5 con vụ xuân 2018).

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra lúa đông xuân

Chuột đang gây hại rải rác trên lúa gieo thẳng. Các địa phương đã triển khai diệt chuột từ 1-3 lần. Mật đô sâu cuốn lá cũng xuất hiện rải rác, cục bộ 1 - 1,5 con/m2, cao gấp 1,5 - 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay bệnh đạo ôn vẫn chưa xuất hiện trên lúa (chỉ xuất hiện trên ký chủ phụ như cỏ lá, cỏ san nước...).

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao tỉnh Hà Nam trong công tác chỉ đạo, điều hành vụ đông xuân 2018 - 2019. Bởi trong điều kiện vụ xuân ấm, mạ phát triển rất nhanh nhưng chính quyền địa phương vẫn chỉ đạo, vận động bà con cấy tập trung, ko cấy mạ già. Việc điều tiết thuỷ lợi đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả. Nhờ đó lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết ấm như hiện nay, cần hết sức lưu ý công tác điều tra mật độ rầy lưng trắng trên ruộng, bởi nếu lơ là phòng trừ, rất có thể bệnh lùn sọc đen sẽ bùng phát gây thiệt hại về năng suất.

Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng cục Trồng trọt cho biết, hiện nay bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá nhỏ trên cây lúa đã xuất hiện lác đác tại vùng ĐBSH. Dự báo chung, tháng 3/2019 độ ẩm cao hơn, nền nhiệt cao hơn, đây là điều kiện tối thích với một số côn trùng gây hại rầy, sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy,... và bệnh đạo ôn.

Thái Bình xuất hiện các ổ bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Thái Bình, bệnh đạo ôn hại đã và đang xuất hiện gây hại trên các giống nhiễm, trung bình từ rải rác đến 5%, cao 10-15%, cá biệt 30-50% và có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới. Những địa phương bệnh xuất hiện sớm và tỷ lệ cao đã được xử lý theo đúng hướng dẫn của Chi cục và các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thành phố. 

Lúa tại Thái Bình đang phát triển tốt, tuy nhiên đã xuất hiện mật độ sâu cuốn lá nhỏ khá cao

Để chủ động trong việc ứng phó với bệnh lùn sọc đen trên lúa vụ Xuân, Chi cục đã tiến hành lấy mẫu rầy gửi đi xét nghiệm, đồng thời theo dõi chặt chẽ sự phát sinh, phát triển của rầy các loại cũng như cây lúa biểu hiện bị bệnh. 

Ngay từ đầu vụ, nông dân đã tổ chức đánh bắt chuột bằng các hình thức, tuy nhiên, chuột vẫn còn gây hại trên đồng ruộng và tiếp tục gây hại nặng trong thời gian tới.

Theo dự báo, bệnh lùn sọc đen có khả năng gây hại ở những vùng cấy lúa vụ mùa 2018 đã bị gây hại. Bệnh gây hại ở 2 giai đoạn chính:

Giai đoạn 1: gây hại ở giai đoạn lúa đẻ nhánh, giai đoạn 2: gây hại ở giai đoạn lúa làm đòng – trỗ bông.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý: Do thời tiết ấm, sâu cuốn lá nhỏ vụ xuân 2019 xuất hiện sớm, khả năng xuất hiện nhiều cao điểm gây hại. Ngoài các lứa chính nêu trên còn có lứa gối, cần đặc biệt lưu ý lứa gối gây hại ở thời điểm trung tuần tháng 5.

Đối với các loại rầy, cần đặc biệt chú ý theo dõi. Chân ruộng trũng hẩu cấy thưa, bón phân cân đối. Đặc biệt là rầy ở lứa 3, phát sinh gây hại cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, dự báo mật độ cao, nếu không phòng trừ kịp thời đây sẽ là nguồn chuyển sang gây cháy lúa ở giai đoạn cuối vụ.

Thứ trưởng Doanh đề nghị các địa phương tăng cường nhân lực bám sát đồng ruộng. Chỉ đạo quyết liệt công tác phòng trừ sâu bệnh để quyết tâm sản xuất vụ đông xuân thắng lợi.

  • Tags:
Xem thêm
Tiên phong làm chủ công nghệ, nâng tầm đàn bò Việt

Công ty Giống gia súc Hà Nội làm chủ công nghệ sản xuất tinh bò 3B thuần dạng cọng rạ và tạo ra đàn bò, bê 3B thuần chủng bằng công nghệ cấy truyền phôi.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.