| Hotline: 0983.970.780

Canh tác lúa thông minh, nông dân trúng lớn

Thứ Tư 13/03/2024 , 16:07 (GMT+7)

HẬU GIANG Nông dân trúng lớn khi tham gia mô hình canh tác lúa thông minh với chi phí giảm nhưng năng suất tăng, đạt gần 10 tấn/ha, lợi nhuận 65 triệu đồng.

Các đại biểu tham quan và dự hội thảo Tổng kết mô hình canh tác lúa thông minh vụ đông xuân 2023 - 2024. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Các đại biểu tham quan và dự hội thảo Tổng kết mô hình canh tác lúa thông minh vụ đông xuân 2023 - 2024. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Ngày 13/3, tại TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo tổng kết mô hình canh tác lúa thông minh vụ đông xuân 2023 - 2024 và triển khai kế hoạch thực hiện bền vững Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Tham dự có lãnh đạo Cục Trồng trọt, Cục BVTV, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp đồng hành và các hợp tác xã, nông dân trong vùng.

Mãn nhãn ruộng lúa canh tác thông minh

Trước khi hội thảo, các đại biểu đã tham quan mô hình canh tác lúa thông minh, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL tại ruộng hộ ông Nguyễn Văn Út Em ở ấp 12, xã Vị Trung (Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang). Đây cũng là điểm mà tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với Bộ NN-PTNT và các công ty tổ chức trình diễn cơ giới hóa và xây dựng mô hình canh tác lúa thông minh giai đoạn làm đất và gieo sạ nhằm phục vụ tham quan tại sự kiện Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 (diễn ra từ 12 - 16/12/2023).

Ruộng mô hình canh tác lúa thông minh áp dụng các biện pháp kỹ thuật và sử dụng sản phẩm, dịch vụ đầu vào của 4 doanh nghiệp đồng hành gồm: Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (VinaRice), Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng và Công ty TNHH Bayer Việt Nam.

Năng suất lúa trong mô hình canh tác lúa thông minh vụ đông xuân 2023 - 2024 ước đạt gần 10 tấn lúa tươi/ha, lợi nhuận gần 65 triệu đồng/ha. Ảnh: Hoàng Vũ.

Năng suất lúa trong mô hình canh tác lúa thông minh vụ đông xuân 2023 - 2024 ước đạt gần 10 tấn lúa tươi/ha, lợi nhuận gần 65 triệu đồng/ha. Ảnh: Hoàng Vũ.

Theo đó, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam cung cấp lúa giống RVT cấp xác nhận phục vục gieo sạ. Áp dụng biện pháp sạ cụm bằng máy của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng với lượng giống gieo sạ ở mức 60kg/ha, tức khoảng 8kg cho 1 công (1.300m2). Hạt giống được gieo chính xác với khoảng cách hàng cách hàng 25cm, cụm cách cụm 16cm, mỗi cụm có 7 - 10 hạt giống, phát huy được hiệu ứng hàng biên.

Ruộng mô hình bón phân chuyên dùng Đầu Trâu theo quy trình khuyến cáo của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, trong đó có bón lót vùi phân khi làm đất gieo sạ giúp cây lúa phát triển mạnh ngay từ đầu, giảm thất thoát và tiết kiệm lượng phân bón khoảng 30% so với canh tác thông thường. Chăm sóc, bảo vệ lúa theo quy trình Much More Rice của Công ty TNHH Bayer Việt Nam giúp tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng lợi nhuận.

Mô hình này là sự tiếp nối để nhân rộng tiến bộ kỹ thuật “Quy trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”. Cùng với tập huấn, đào tạo để chuyển giao quy trình canh tác lúa thông minh, việc xây dựng mô hình trình diễn tại các hợp tác xã, nông dân ở các vùng canh tác lớn, trọng điểm nhằm chuyển giao quy trình đến với nông dân hiệu quả hơn.

Mô hình không so sánh với đối chứng, tuy nhiên nếu so với bình quân trong canh tác lúa tại địa phương đã giảm được đáng kể lượng giống, lượng phân bón, nhất là phân đạm và số lần phun thuốc. Không những vậy, mô hình cũng đánh giá thêm về chất lượng gạo và dư lượng thuốc BVTV qua thu mẫu, phân tích so với sản xuất của nông dân lân cận và cho thấy chất lượng gạo được nâng lên, tỷ lệ thu hồi gạo khi xay xát tăng lên, không tồn dư lượng thuốc BVTV.

Mô hình canh tác lúa thông minh áp dụng các biện pháp kỹ thuật và sử dụng sản phẩm, dịch vụ đầu vào của 4 doanh nghiệp đồng hành, giúp giảm chi phí, tăng chất lượng và tăng lợi nhuận cho nhà nông. Ảnh: Hoàng Vũ.

Mô hình canh tác lúa thông minh áp dụng các biện pháp kỹ thuật và sử dụng sản phẩm, dịch vụ đầu vào của 4 doanh nghiệp đồng hành, giúp giảm chi phí, tăng chất lượng và tăng lợi nhuận cho nhà nông. Ảnh: Hoàng Vũ.

Tại mô hình, ghi nhận lần đầu tiên các chỉ số phân tích về chất lượng gạo, tồn dư thuốc BVTV được theo dõi, đo đạc hướng đến việc đáp ứng yêu cầu của thị trường ngày càng cao, cũng như quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Theo đó, các chỉ số về tồn dư thuốc BVTV đạt ngưỡng an toàn, đảm bảo chất lượng gạo.

Đến nay, ruộng lúa mô hình đã đến thời điểm thu hoạch. Qua thu hoạch mẫu, lúa trong mô hình ước đạt năng gần 10 tấn lúa tươi/ha. Với giá hợp đồng thu mua tại ruộng 8.800 đồng/kg, doanh thu đạt gần 88 triệu đồng/ha, trừ chi phí mang lại lợi nhuận cho nhà nông gần 65 triệu đồng/ha. Đây là mức lợi nhuận cao gấp đôi so với sản xuất theo tập quán của bà con nông dân trong khu vực.

Tại buổi tham quan thu hoạch lúa, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng đã trình diễn máy gặt tuốt liên hợp do Hàn Quốc sản xuất. Máy có chức năng thu hoạch lúa sát gốc và băm rơm rải đều trên mặt ruộng hoặc trải rơm theo luống để máy cuộn rơm di chuyển ra khỏi đồng ruộng. Công ty TNHH MTV Cơ khí nông nghiệp Phan Tấn trình diễn máy cuộn rơm, máy bón phân Đầu Trâu Bio - Canxi và xới vùi cùng với rơm băm để phân hủy, tiếp tục canh tác vụ tiếp theo.

Triển khai Đế án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, Hậu Giang là tỉnh thuần nông với trên 86% diện tích đất nông nghiệp, diện tích lúa gieo trồng hàng năm trên 177.000ha, sản lượng lúa thu hoạch đạt trên 1,1 triệu tấn. Thông qua công tác tuyên truyền và triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án, đã giúp nông dân thay đổi đáng kể tư duy đến tập quán canh tác.

Tỉnh Hậu Giang xây dựng kế hoạch đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 28.000ha. Ảnh: Hoàng Vũ.

Tỉnh Hậu Giang xây dựng kế hoạch đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 28.000ha. Ảnh: Hoàng Vũ.

Thực hiện Đề án phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, Hậu Giang xây dựng kế hoạch đến năm 2025 diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 28.000ha. Ưu tiên về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và khuyến nông, khuyến khích nông dân và doanh nghiệp liên kết sản xuất, có chính sách chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, bảo vệ quỹ đất chuyên trồng lúa ổn định, lâu dài.

Bên cạnh đó, tập trung áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật với lượng lúa giống gieo sạ 80 - 100kg/ha, lượng phân bón hoá học và thuốc BVTV hóa học giảm 20%, lượng nước tưới giảm 20%, 100% diện tích áp dụng một trong các quy trình canh tác bền vững như "1 phải 5 giảm", SRP, tưới ngập - khô xen kẽ, 100% diện tích có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng, chế biến đạt 70%. Giảm lượng phát thải khí nhà kính trên 10% so với canh tác lúa truyền thống. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%.

Đến năm 2030, hình thành 46.000ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị. Phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng trình diễn máy gặt tuốt liên hợp, có chức năng thu hoạch lúa sát gốc và băm rơm rải đều trên mặt ruộng hoặc trải rơm theo luống để máy cuộn rơm di chuyển ra khỏi đồng ruộng. Ảnh: Hoàng Vũ.

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng trình diễn máy gặt tuốt liên hợp, có chức năng thu hoạch lúa sát gốc và băm rơm rải đều trên mặt ruộng hoặc trải rơm theo luống để máy cuộn rơm di chuyển ra khỏi đồng ruộng. Ảnh: Hoàng Vũ.

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Trưởng Ban cố vấn kỹ thuật Chương trình canh tác lúa thông minh cho biết, quy trình canh tác lúa thông minh đáp ứng 2 tiêu chí. Một là thông minh, phù hợp với từng vùng sinh thái, từng mùa vụ. Hai là mở, tức không ngừng cập nhật giải pháp kỹ thuật mới để nâng cao hiệu quả. Qua 7 vụ lúa liên tiếp, hiệu quả mô hình mang lại là năng suất lúa tăng 0,5 tấn/ha, chi phí sản xuất giảm từ 1,2 - 1,4 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng thêm khoảng 4 - 5 triệu đồng/ha. Về mặt môi trường, canh tác lúa thông minh sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên, xử lý tuần hoàn các phụ phẩm rơm, rạ tạo phân bón, phát thải thấp khí nhà kính.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, đơn vị được Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ là đơn vị truyền thông và tổ chức hệ thống khuyến nông cộng đồng tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Các giải pháp kỹ thuật được áp dụng đồng bộ trên đồng ruộng, giảm lượng lúa giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, thuốc BVTV, tưới ngập - khô xen kẽ, giảm lượng nước tưới, giúp giảm phát thải nhưng lại tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng thu nhập cho nhà nông.

“Mô hình canh tác lúa thông minh hiện đang có sự hợp tác, phối hợp rất hiệu quả từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sở NN-PTNT và trung tâm khuyến nông các tỉnh, sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Tin rằng đây sẽ là một quy trình hay nói đơn giản hơn là cách làm lúa phù hợp và hiệu quả cho bà con nông dân vùng ĐBSCL. Đây cũng có thể là một trong những quy trình rất phù hợp để góp phần vào triển khai xây dựng thành công Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ đề xuất.

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.