| Hotline: 0983.970.780

Canh tác lúa thông minh: Tốt môi trường, tăng lợi nhuận

Thứ Ba 12/03/2024 , 08:00 (GMT+7)

KIÊN GIANG Mô hình canh tác lúa thông minh giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng lúa cao hơn nên lợi nhuận tăng thêm 3,8 triệu đồng/ha.

Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang vừa phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức hội thảo tổng kết mô hình canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL trong vụ đông xuân 2023 - 2024. Mô hình được thực hiện tại ấp Phú Hòa, xã Tân Hội (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) trên diện tích 2,3ha, trong đó có 1ha đối chứng.

Mô hình canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL áp dụng đồng bộ giải pháp kỹ thuật của các doanh nghiệp, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Ảnh: Trung Chánh.

Mô hình canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL áp dụng đồng bộ giải pháp kỹ thuật của các doanh nghiệp, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Ảnh: Trung Chánh.

TS Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, mô hình sử dụng giống lúa Đài thơm 8 cấp xác nhận do Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (VINARICE) cung cấp; áp dụng phương pháp sạ theo cụm bằng máy sạ cụm của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng với lượng lúa giống 60kg/ha, giảm hơn 50% lượng giống gieo sạ so với tập quán sạ lan của nông dân (từ 120 - 150kg/ha).

Về chăm sóc lúa, mô hình sử dụng phân bón chuyên dùng của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền. Ruộng mô hình canh tác lúa thông minh có bón lót trước khi sạ 3 ngày, với 50kg/ha phân Đầu Trâu Mặn - Phèn và bón thúc 3 đợt, trong khi ruộng đối chứng nông dân bón thành 4 đợt/vụ. Mô hình áp dụng quản lý dịch hại theo phương pháp Much More Rice của Công ty TNHH Bayer Việt Nam. Nông dân trong mô hình thăm đồng thường xuyên và không phun thuốc sâu rầy, bệnh trong 40 đầu sau khi sạ.

Theo ông Hồ Văn Hướng, hộ nông dân tham gia mô hình, lượng phân đạm sử dụng không có sự khác biệt nhưng phân lân, kali, trung vi lượng trong mô hình cao hơn so với ruộng đối chứng, giúp cây lúa phát triển cân đối, ít sâu bệnh, chống đổ ngã tốt. Ruộng mô hình quản lý dịch hại theo khuyến cáo của công ty và có chuyên gia hướng dẫn nên số lần phun thuốc phòng trừ bệnh, sâu, rầy ít hơn 2 lần so với ruộng đối chứng, giảm chi phí hơn 2,8 triệu đồng/ha.

Mô hình canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL tại Kiên Giang đã giúp bà con nông dân có giải pháp sản xuất thích ứng với những điều kiện khó khăn trong canh tác lúa hiện nay. Đồng thời tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác lúa, giúp giảm chi phí, tăng năng suất, tăng chất lượng nông sản, tăng lợi nhuận và bảo vệ môi trường, phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Mô hình giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng lúa cao hơn nên lợi nhuận tăng thêm 3,8 triệu đồng/ha. Ảnh: Trung Chánh.

Mô hình giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng lúa cao hơn nên lợi nhuận tăng thêm 3,8 triệu đồng/ha. Ảnh: Trung Chánh.

TS Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đề xuất, mô hình bước đầu mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên để thuyết phục hơn cần duy trì thực hiện 3 vụ liên tiếp/năm/điểm. Từ đó đánh giá năng suất, sự thay đổi môi trường sinh thái xung quanh, sự cải tạo độ phì của đất cũng như có được quy trình khuyến cáo cụ thể cho từng vụ trong năm.

Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cần tiếp tục thực hiện trình diễn các mô hình trong thời gian tới. Đồng thời áp dụng các lượng phân bón khác nhau tùy theo từng mùa vụ, từng vùng giúp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng phân bón.

Việc ứng dụng máy sạ cụm của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng trong khâu gieo sạ giúp nông dân giảm lượng giống gieo sạ còn 60kg/ha so với lượng giống 150kg/ha của nông dân ngoài mô hình. Sạ cụm giúp cây lúa cứng, chống đỗ ngã tốt, hạn chế sâu bệnh, từ đó tăng năng suất. Sạ lúa theo cụm bằng máy là tiến bộ kỹ thuật mang lại hiệu quả cần được khuyến cáo và nhân rộng trong sản xuất để thay thế dần phương pháp sạ lan.

Kết quả thu hoạch lúa ruộng mô hình canh tác lúa thông minh năng suất đạt 8,4 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng 0,3 tấn/ha. Nhờ giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất, chất lượng lúa cao hơn nên lợi nhuận tăng thêm 3,8 triệu đồng/ha.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.