| Hotline: 0983.970.780

Cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Phú Yên đã bàn giao mặt bằng gần 95%

Thứ Sáu 07/07/2023 , 14:23 (GMT+7)

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua tỉnh Phú Yên đã bàn giao mặt bằng đạt gần 95%, song vẫn chưa đạt yêu cầu theo Nghị quyết 18 của Chính phủ.

Chiều 6/7, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức, ông Nguyễn Tấn Chân, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Phú Yên đã cung câp thông tin về tình hình thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên.

Ông Nguyễn Tấn Chân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phú Yên thông tin tình hình thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Tấn Chân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phú Yên thông tin tình hình thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS.

Theo đó, đến ngày 5/7, dự án đã thực hiện công tác bàn giao mặt bằng các gói thầu xây lắp cho chủ đầu tư đạt gần 95%. Hiện còn 4,7km, tương ứng hơn 5% (chủ yếu là đất nhà ở của hộ gia đình), các địa phương đang phối hợp tích cực của các chủ đầu tư để từng bước tháo gỡ khó khăn về mặt bằng thi công.

Như vậy, với mốc thời gian yêu cầu đến ngày 30/6/2023 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng theo Nghị quyết số 18 ngày 11/02/2022 của Chính phủ thì tỉnh Phú Yên vẫn chưa thực hiện đảm bảo.

Theo ông Nguyễn Tấn Chân, nguyên nhân chậm tiến độ bàn giao mặt bằng do trong quá trình thực hiện đã gặp khó khăn, vướng mắc chủ yếu là về công tác quản lý đất đai, di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xây dựng khu tái định cư.

Chẳng hạn như tiến độ thi công các khu tái định cư hiện còn 9/12 khu không đảm bảo tiến độ hoàn thành trong tháng 6/2023. Nguyên nhân do khó khăn về nguồn đất đắp các khu tái định cư như ở thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và thủ tục giải quyết việc hoán đổi đất của các hộ dân bị ảnh hưởng của khu tái định cư tại thị xã Đông Hòa.

Hiện tỉnh Phú Yên đang nỗ lực thi công dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: KS.

Hiện tỉnh Phú Yên đang nỗ lực thi công dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: KS.

Bên cạnh đó mỏ vật liệu xây dựng về số lượng, quy mô trữ lượng xây dựng, quy mô bãi thải đã giới thiệu đều lớn hơn nhu cầu của dự án, song trong quá trình thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn.

Trong đó, đối với các mỏ đang khai thác thì công suất, trữ lượng hiện lại rất nhỏ so với nhu cầu vật liệu cho dự án, các nhà thầu không đề nghị nâng công suất. Còn với mỏ mới, theo điểm đ, khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai quy định, chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục về đất đai thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Điều này làm mất nhiều thời gian, nhà thầu gặp khó khăn trong công tác thỏa thuận với người sử dụng đất, cũng như ảnh hưởng đến tiến độ và nguồn vật liệu khai thác phục vụ thi công dự án.

Ngoài ra, dự án có khối lượng bóc tách tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước tương đối lớn, các chủ đầu tư đang gặp nhiều khó khăn trong công tác thỏa thuận các vị trí để tập kết bảo vệ tầng đất mặt đất chuyên trồng lúa nước…

Trước tình hình trên, tỉnh Phú Yên đang tập trung phối hợp với các cơ quan, đơn vị khắc phục khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai, khoáng sản… để đảm bảo thực hiện hoàn thành công tác bản giao mặt bằng, chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu, bãi thải phục vụ cho dự án. Đồng thời kiến nghị các cấp, các ngành tập trung thực hiện và giải quyết các khó khăn vướng mắc.

Tỉnh Phú Yên cũng đang nỗ lực tổ chức tuyên truyền sâu rộng, vận động nhân dân hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án để đồng thuận, ủng hộ với chủ trương, chính sách giải phóng mặt bằng; xây dựng hoàn thành các khu tái định cư; triển khai di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi ảnh hưởng của dự án. Cũng như phối hợp với các chủ đầu tư và nhà thầu vận động nhân dân, kịp thời giải quyết các phát sinh vướng mắc để người dân đồng thuận sớm bàn giao mặt bằng triển khai thi công…

Được biết dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua tỉnh Phú Yên có tổng chiều dài hơn 90km, qua 24 xã phường, thị trấn thuộc 6 địa phương gồm các huyện Tuy An, Tây Hòa, Phú Hòa, các thị xã Sông Cầu, Đông Hòa và TP Tuy Hòa, với tổng mức đầu tư 20.848 tỷ đồng.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.