| Hotline: 0983.970.780

Cấp bách bảo tồn thạch sùng mí Cát Bà

Thứ Sáu 24/11/2023 , 08:00 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Thạch sùng mí Cát Bà có giá trị nổi bật, đặc trưng của hệ sinh thái núi đá vôi ở Cát Bà nhưng đang bị đe dọa, cần những giải pháp bảo tồn hữu hiệu.

Số lượng không nhiều

Thạch sùng mí Cát Bà được phát hiện và công bố vào năm 2008 dựa trên bộ mẫu chuẩn thu được tại Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (TP Hải Phòng). Tiếp tục nghiên cứu, gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện loài bò sát này phân bố mở rộng tại các đảo nhỏ thuộc Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).

Thạch sùng mí Cát Bà là một trong 21 loài đặc hữu ở Vườn Quốc gia Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Thạch sùng mí Cát Bà là một trong 21 loài đặc hữu ở Vườn Quốc gia Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Theo những công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố, đây là loài đặc hữu của Việt Nam, thuộc họ tắc kè, có thân hình mảnh dẻ, dẹp, chiều dài thân từ 84 - 111mm, lưng có màu nâu với những vệt màu xám, nhiều đốm màu vàng ở phần giáp với sườn.

Thạch sùng mí Cát Bà sinh sống trong khe đá và hang động trên các vách núi, diện tích vùng phân bố hẹp và kích cỡ quần thể nhỏ. Năm 2016, loài thạch sùng này đã được đưa vào Sách đỏ IUCN (Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế) ở bậc nguy cấp. Năm 2019, thạch sùng mí Cát Bà được đưa vào nghị định của Chính phủ về "Quản lý thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm" và thực thi Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Để bảo vệ, bảo tồn loài thạch sùng mí Cát Bà, từ tháng 11/2019 đến tháng 10/2021, Vườn Quốc gia Cát Bà đã tổ chức triển khai nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bảo tồn. Các nhà khoa học đã đánh giá được hiện trạng quần thể, xác định được đặc điểm sinh thái, sinh học, đánh giá được các nhân tố đe dọa và đề xuất các giải pháp bảo tồn loài thạch sùng mí Cát Bà.

Thạc sĩ Phạm Văn Thương (Vườn Quốc gia Cát Bà) - chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết, quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả được hỗ trợ của các nhà khoa học đã triển khai 15 tuyến điều tra, trong đó khu vực rừng xung quanh trụ sở Vườn Quốc gia Cát Bà có 6 tuyến; khu vực xã Việt Hải 2 tuyến; khu vực Giỏ Cùng 3 tuyến; khu vực Đầu Bê 1 tuyến; khu vực Trà Báu 1 tuyến và khu vực Áng Kê 2 tuyến.

Các nhà khoa học trong một lần đi điều tra về tập tính của thạch sùng mí Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Các nhà khoa học trong một lần đi điều tra về tập tính của thạch sùng mí Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Qua 2 đợt điều tra, giám sát thực địa, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận 548 cá thể, trong đó, riêng khu vực rừng xung quanh trụ sở Vườn Quốc gia Cát Bà có 233 cá thể, khu vực Giỏ Cùng 103 cá thể, khu vực Áng kê 89 cá thể, khu vực Việt Hải 71 cá thể, khu vực Trà Báu 44 cá thể và khu vực Đầu Bê 8 cá thể.

Hầu hết thạch sùng mí Cát Bà được phát hiện trên các vách đá vôi, một số ít trên đất và trên rễ, cành cây khô trên mặt đất. Các cá thể trưởng thành và bán trưởng thành có xu hướng chọn vị trí cao hơn so với nhóm con non. Tuy nhiên, độ cao vị trí bám ở loài thạch sùng mí Cát Bà giữa các nhóm tuổi không có sự khác biệt.

“Thời gian bắt gặp thạch sùng mí Cát Bà từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm, số lượng cá thể có xu hướng tăng từ tháng 4 đến tháng 8 và bắt gặp nhiều nhất vào tháng 5 - 8”, Thạc sĩ Phạm Văn Thương thông tin.

Cũng theo Thạc sĩ Thương, từ những lần điều tra cho thấy, thạch sùng mí Cát Bà phân bố ở ngoài hang nhiều hơn trong hang và sinh sản vào tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, nguồn thức ăn chủ yếu là giun, cành cây khô, gián... Loài thạch sùng này hoạt động mạnh vào thời điểm oi nóng hoặc ẩm ướt, sau mưa, ít hoạt động vào thời điểm lạnh hoặc mưa lớn, sau bão. Phạm vi hoạt động rất hẹp và có xu hướng chọn vị trí cũ để bám.

Qua 2 đợt điều tra, giám sát thực địa, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận 548 cá thể thạch sùng mí Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Qua 2 đợt điều tra, giám sát thực địa, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận 548 cá thể thạch sùng mí Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Với vẻ đẹp bắt mắt, thạch sùng mí Cát Bà đang bị săn bắt bất hợp pháp làm vật nuôi cảnh và bán ra nước ngoài. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến các quần thể của loài trong tự nhiên.

“Từ các công trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu của Vườn đã đưa ra một số biện pháp trong công tác quản lý để bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị, nguồn ren, bảo vệ hệ sinh thái. Hiện tại, Phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế (Vườn Quốc gia Cát Bà) đang tiếp tục nghiên cứu về đặc điểm, tập tính, nuôi thử một số đôi để xem cụ thể các đặc điểm của thạch sùng mí Cát Bà. Sau khi các nhà khoa học tìm ra loài thạch sùng mí, đã xác định đây là loài đặc hữu của quần đảo Cát Bà, là nguồn gen quý cần bảo vệ để đảm bảo hệ sinh thái”, Thạc sĩ Thương chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Văn Thịu – Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà cho biết: "Qua quá trình nghiên cứu hơn 2 năm, cuối tháng 11/2021, nhóm nghiên cứu của Vườn Quốc gia Cát Bà đã bảo vệ thành công đề tài trước hội đồng khoa học TP Hải Phòng và được đánh giá đạt mức xuất sắc. Trên cơ sở những đóng góp của hội đồng khoa học, nhóm tác giả đã bổ sung, hoàn thiện báo cáo khoa học để làm cơ sở phục vụ công tác quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Cát Bà".

5 nhân tố nguy hiểm đe dọa

Ông Nguyễn Văn Thịu – Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà cho biết, thạch sùng mí là 1 trong 21 loài đặc hữu của Vườn Quốc gia Cát Bà và là một trong những loài mới được các nhà khoa học phát hiện.

Từ những nghiên cứu, nhóm tác giả của Vườn Quốc gia Cát Bà đã chỉ ra 5 nhân tố đe dọa chính tới quần thể cũng như sinh cảnh của thạch sùng mí Cát Bà đó là săn bắt, buôn bán, sử dụng, biến đổi khí hậu, phát triển du lịch thiếu kiểm soát và việc phá hủy sinh cảnh.

Trong những nguy cơ nói trên, đáng lưu ý là tình trạng biến đổi khí hậu, đây là nhân tố đe dọa nghiêm trọng nhất tới sự tồn tại của loài thạch sùng mí Cát Bà. Tiếp theo đó là mối đe dọa về săn bắt, buôn bán và sử dụng, phát triển du lịch thiếu kiểm soát. 

Thạch sùng mí Cát Bà có vẻ đẹp bắt mắt nên thường bị săn lùng để nuôi làm cảnh. Ảnh: Đinh Mười.

Thạch sùng mí Cát Bà có vẻ đẹp bắt mắt nên thường bị săn lùng để nuôi làm cảnh. Ảnh: Đinh Mười.

Để bảo vệ, bảo tồn loài thạch sùng mí Cát Bà, thời gian tới, cần đưa chương trình giám sát quần thể loài để theo dõi sự biến động về số lượng cá thể hàng năm và tiến hành nhân nuôi sinh sản thử nghiệm để cung cấp nguồn con giống nhằm phục hồi quần thể loài này trong tương lai.

Bên cạnh đó, cần tập trung bảo vệ sinh cảnh rừng tự nhiên ở các khu vực ưu tiên bảo tồn loài thạch sùng mí Cát Bà gồm: Khu vực xung quanh trụ sở Vườn Quốc gia Cát Bà, Trà Báu, Áng Kê, Giỏ Cùng và Việt Hải.

Với cơ quan quản lý và chính quyền địa phương, cần phối hợp thực hiện các chương trình, hoạt động như kiểm soát tác động tiêu cực của các hoạt động du lịch, thu gom rác thải, hạn chế tối đa đốt lửa, thắp hương, bật điện ở các hang động du lịch nơi có loài thạch sùng mí Cát Bà sinh sống. Nghiêm cấm toàn bộ các hoạt động tham quan dã ngoại đêm, hạn chế tiếng ồn từ các hoạt động ca hát và ăn uống tại các homestay gần ngay các hang động.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền về việc giảm thiểu săn bắt và sử dụng động vật hoang dã, đặc biệt là tuyến xã vùng đệm bằng các hình thức tuyên truyền như: Thông tin trên đài báo, treo các pa - nô, áp phích để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã. Đồng thời thông tin về chế tài, các hình phạt khi có hoạt động săn bắt và buôn bán động vật hoang dã.

Ngoài các giải pháp trên, các đơn vị, tổ chức cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư, khách du lịch thông qua các hoạt động như: Tổ chức các nhóm nhỏ tham quan du lịch ở những tuyến ưu tiên bảo tồn thạch sùng mí Cát Bà, có sự hướng dẫn và giám sát của hướng dẫn viên.

Cần kiểm soát các tác động tiêu cực của hoạt động du lịch ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của thạch sùng mí Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Cần kiểm soát các tác động tiêu cực của hoạt động du lịch ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của thạch sùng mí Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Đặc biêt, phải kiểm soát các tác động tiêu cực của hoạt động du lịch, xây dựng biển báo và khuyến cáo bảo vệ môi trường như: Không xả rác, không đốt lửa, giảm thiểu hoạt động quấy nhiễu và tác động đến sinh cảnh sống của các loài động vật dọc theo các tuyến du lịch sinh thái bên trong Vườn Quốc gia Cát Bà.

“Vườn Quốc gia Cát Bà đã tập trung ưu tiên bảo tồn thạch súng mí theo một số tuyến gồm: Khu vực trung tâm Vườn, khu Trà Báu, khu Giỏ Cùng sẽ được ưu tiên bảo tồn trước, tiếp theo là tuyến Áng Kê, Việt Hải và Đầu Bê. Cần phải đưa ra các giải pháp để bảo vệ nguồn gen tại các khu vực này do số lượng cá thể thạch sùng mí Cát Bà trên đảo còn tương đối ít. Giải pháp trước mắt là tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo vệ loài và sinh cảnh, sau đó cần có những giải pháp an toàn để nhân nuôi sinh sản trong môi trường nhân tạo nhằm duy trì nguồn giống cho tương lai”, ông Nguyễn Văn Thịu – Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà chia sẻ.

Một trong những nhà khoa học tiên phong nghiên cứu kĩ về thạch sùng mí Cát Bà là TS Ngô Ngọc Hải (Viện Nghiên cứu hệ gen - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Năm 2016, TS Hải bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ với đề tài nghiên cứu về quần thể, sinh thái và bảo tồn các loài đặc hữu quý hiếm, trong đó có loài thạch sùng mí. Năm 2018, TS Hải đã làm luận án tiến sĩ với đề tài liên quan đến mối quan hệ di truyền, đánh giá biến đổi khí hậu, dự đoán vùng phân bố... của các loài thuộc giống thạch sùng mí tại Việt Nam.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm