Tính đến đầu tháng 5/2024, nông dân Kiên Giang đã thả nuôi được gần 130.000/136.000ha tôm nuôi nước lợ theo kế hoạch năm của tỉnh. Trong đó, thả nuôi nhiều nhất là tôm - lúa với trên 105.000ha, tôm nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến gần 23.000ha. Tuy nhiên, theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, do tình hình thời tiết nắng hạn kéo dài, nhiệt độ tăng cao, chênh lệch nhiệt dộ giữa ngày và đêm lớn đã làm gần 3.000ha tôm nuôi bị thiệt hại, tập trung ở hai huyện An Biên và An Minh.
Ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Kiên Giang cho biết, phần lớn diện tích tôm nuôi trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại là do sốc môi trường. Tuy nhiên, các yếu tố môi trường bất lợi làm cho tôm bị suy yếu, giảm sức đề kháng tạo cơ hội cho mầm bệnh tấn công và gây bệnh. Theo ghi nhận, có gần 300ha tôm nuôi được xác định là do nhiễm bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã cấp phát gần 21 tấn Chlorine cho 89 hộ dân nuôi tôm dập dịch. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tại địa phương, hướng dẫn các hộ dân xử lý, tiêu độc, khử trùng, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng.