| Hotline: 0983.970.780

Cắt lá rừng nuôi con đặc sản

Thứ Hai 28/12/2020 , 09:22 (GMT+7)

Nhẹ nhàng thu lãi gần nửa tỷ mỗi năm từ nuôi lợn rừng và hươu bằng cây lá khai thác tại vườn rừng. Đó là mô hình của ông Đoàn Xuân Dương (tỉnh Thái Nguyên).

Ông Đoàn Xuân Dương (65 tuổi), xóm Phú Ninh (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) được suy tôn là điển hình nhà nông làm kinh tế giỏi của huyện ATK Định Hóa, Thái Nguyên.

Vừa tung bó lá cây chè cổ thụ cho đàn lợn rừng háu ăn, ông Đoàn Văn Dương vừa rủ rỉ kể chuyện làng xóm, chuyện làm ăn của gia đình ông. Phú Ninh là xóm người Thái Bình lên khai hoang làm kinh tế từ những năm 1960. Ông Dương quê gốc Vũ Thư, Thái Bình. Gần 30 năm trong quân ngũ, năm 2003 ông nghỉ hưu với hàm Trung tá.

Trong nhiều năm công tác ở vùng cao Hà Giang, Tuyên Quang, Hoà Bình, Lạng Sơn, bám dân bám bản, ông tích luỹ được nhiều kinh nghiệm về chăn nuôi, nhất là nuôi lợn rừng theo kiểu tự nhiên bán hoang dã. Năm 2006, ông là người đầu tiên của xã nuôi con đặc sản lợn rừng và hươu lấy nhung bằng nguồn vốn vay ngân hàng 100 triệu đồng do Hội Nông dân đứng ra tín chấp.

Theo kinh nghiệm của ông Dương, nuôi lợn rừng cần kiên trì chứ không thể nhanh như lợn công nghiệp. Thông thường mỗi lứa lợn phải từ 18-24 tháng mới được xuất chuồng, trọng lượng đạt trên dưới 40 kg/con. Lợn rừng là loài sống hoang dã, bản tính ăn tạp nên tận dụng được nhiều loại cây lá trong thiên nhiên, như gia đình ông thường cắt cây khoai nước, cây chuối để chăn.

Đặc biệt, lợn rừng có sức đề kháng cao, hầu như không bao giờ bị bệnh, bệnh dễ mắc nhất là  tiêu chảy, chỉ cần cho lợn ăn thêm lá sung, lá ổi là sẽ tự khỏi. Với 2 ha đất vườn và rừng, ngoài các loại cây cỏ bản địa có trong tự nhiên có thể làm thức ăn chăn nuôi, ông Dương cũng trồng thêm các loại cây phục vụ chăn nuôi như chè cổ thụ, chuối, cỏ voi, khoai nước… và bổ sung thêm các loại cám tự nhiên như cám gạo, cám ngô, bã rượu do nhà làm hoàn toàn không có hoá chất hay chất tăng trọng. Vì thế thịt lợn luôn thơm ngon, giá cao gấp đôi gấp ba, thậm chí có thời điểm gấp 5 lần lợn thường mà vẫn không đủ cung cấp cho thị trường.

Về chuồng trại, nuôi lợn rừng không đòi hỏi đầu tư nhiều nhưng phải có diện tích cho lợn chạy nhảy, tắm nắng. Ngoài khu chuồng có mái che, ông làm thêm sân phơi quây bằng lưới sắt B40, tạo cho lợn rừng tiếp xúc với tự nhiên và ánh nắng ngoài trời.

Cùng với tẩy giun định kỳ, tiêm vacxin phòng, trị bệnh cho đàn lợn, ông Dương thực hiện nghiêm ngặt vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, định kỳ phun thuốc khử trùng 2 ngày/lần. “Đợt dịch tai xanh năm vừa rồi lợn của các nhà xung quanh chết đồng loạt nhưng không ảnh hưởng gì đến đàn lợn rừng của gia đình tôi ” - ông Dương khoe.

Đàn lợn rừng của Cựu chiên binh Đoàn Xuân Dương. Ảnh : Đồng Văn Thưởng.

Đàn lợn rừng của Cựu chiên binh Đoàn Xuân Dương. Ảnh : Đồng Văn Thưởng.

Duy trì đàn lợn từ 100 - 120 con, mỗi năm gia đình ông xuất bán khoảng 50 lợn thịt với giá 200 nghìn đồng/kg, cung cấp 40 lợn giống cho bà con trong và ngoài huyện với giá 3 - 4 triệu đồng/con.

Không chỉ nuôi lợn rừng, ông Dương còn nuôi đàn hươu 10 con lấy nhung và sinh sản. Nuôi hươu còn nhàn hơn nuôi lợn, vì hươu là loài vật rất hiền lành, cũng không đòi hỏi đầu tư chuồng trại, phân và chất thải tận dụng để bón cây, trồng rừng, rồi lại khai thác phục vụ chăn nuôi, thành một vòng khép kín. Hươu ăn rất ít, chỉ vào thời gian mọc nhung và cắt nhung mới cần phải cho ăn thêm thức ăn bổ dưỡng hơn như quả chuối, ngô, cà rốt, sung, vả, quả mít…, thời gian còn lại  không phải mất chi phí thức ăn. Thức ăn cho hươu cũng được kiếm về từ rừng, cành lá cây cắt về, hươu ăn hết lá lại tận dụng cọng cho lợn ăn. Chuối và mít quả cũng vậy, hươu ăn không hết đã có đàn lợn rừng giúp “thu dọn chiến trường”.

Dễ nuôi, hươu vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh : Đồng Văn Thưởng.

Dễ nuôi, hươu vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh : Đồng Văn Thưởng.

Vừa dễ nuôi, hươu vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi con hươu đực 5 tuổi bắt đầu cho lấy nhung, mỗi năm cắt 2 lần, nhung khai thác của 1 con hươu có thể bán được tới 22 triệu đồng/năm. Hươu cái mỗi năm đẻ 1 lứa từ 1-2 con, giá bán hươu giống hiện thời con đực 15 triệu đồng, con cái 12 triệu đồng.

Từ mô hình phát triển kinh tế rất hiệu quả của gia đình ông Dương, nhiều hộ dân các xã của Định Hóa đã học tập kinh nghiệm, mua con giống để nuôi lợn rừng và hươu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Cuối năm 2018, ông Dương đã cùng với 7 hộ gia đình nuôi con đặc sản ở địa phương thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi và Sản xuất nông sản sạch Dương Hồng để hỗ trợ nhau trong phát triển chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm.

Xem thêm
Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.