| Hotline: 0983.970.780

Cát Tường dành tâm huyết xây dựng chuỗi giá trị nông sản

Chủ Nhật 06/02/2022 , 14:15 (GMT+7)

TIỀN GIANG Hiện có khoảng 20.000 nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu các sản phẩm cây ăn quả với Cát Tường.

Thời gian qua, thấy được sự bất ổn định trong đầu ra của thị trường nông sản, Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường (xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) đã liên kết trồng và bao tiêu các loại cây ăn quả và rau an toàn khác theo tiêu chuẩn công nghệ cao và an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sản lượng cung ứng tiêu thụ trong nước và thị trường xuất khẩu. Hiện có khoảng 20.000 nông dân tham gia vào chuỗi liên kết này.

Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường giới thiệu giống dứa MD2. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường giới thiệu giống dứa MD2. Ảnh: Minh Đảm.

Đáng chú ý, tại xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, Công ty đã đầu tư xây dựng trang trại thanh long kiểu mẫu với quy mô gần 100 ha theo công nghệ tưới Israel, quy trình chăm sóc đạt tiêu chuẩn GlobalGAP để nông dân có thể tham quan học tập.

Bên cạnh đó, Công ty còn thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Cát Tường để nghiên cứu đưa vào phục vụ nông dân các giống cây trồng mới thích nghi với thổ nhưỡng địa phương như thanh long, dứa (khóm), ớt, chanh dây và các loại giống cây trồng khác, tiêu biểu nhất là giống dứa MD2.

Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty cho biết, giống dứa MD2 có nhiều ưu điểm so với các giống dứa hiện nay như: Trọng lượng trái lớn 1,8 - 2 kg, trái tròn đều, mắt cạn, thịt vàng thơm, đặc biệt, đầu và đuôi bằng nhau, mắt cạn có thể chế tạo ra một máy để gọt vỏ thay vì gọt bằng tay như hiện nay sẽ có chi phí cao, thị trường không chấp nhận.

Công ty kỳ vọng giống dứa MD2 sẽ đáp ứng được cho thị trường xuất khẩu trái tươi và phục vụ các nhà máy chế biến, đáp ứng được văn hoá tiêu dùng của thế giới. Theo kế hoạch, mỗi tháng Công ty có thể đáp ứng nhu cầu giống cho 50 ha.

Cũng theo ông Sang, đội ngũ chuyên gia của Trung tâm gồm tiến sỹ, thạc sỹ và kỹ sư, các cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm về nghiên cứu và đam mê ngành nông nghiệp. Ngoài ra còn có đội ngũ làm bán thời gian tại các HTX trong vùng nguyên liệu.

“Cách làm của Cát Tường là anh em tham gia vùng trồng hỗ trợ kỹ thuật, tìm hiểu và hỗ trợ giải quyết khó khăn cho bà con nông dân nhằm mục tiêu làm ra sản phẩm theo quy trình của công ty”, ông Đoàn Văn Sang chia sẻ.

Với những gì Cát Tường đã và đang thực hiện, có thể thấy đây là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đã dành nhiều tâm huyết đầu tư, nghiên cứu xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho nông sản ở ĐBSCL.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.