| Hotline: 0983.970.780

Cẩu cả thuyền lớn lên bờ tránh bão

Thứ Năm 17/09/2020 , 17:28 (GMT+7)

Trước tình hình bão số 5 có thể đổ bộ vào miền Trung, UBND tỉnh Quảng Bình đã họp khẩn cấp và chỉ đạo các địa phương ứng phó với bão.

Ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình (áo trắng) kiểm tra tình hình phòng chống bão số 5 tại khu neo đậu Cảng Gianh. Ảnh: H.Châu.

Ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình (áo trắng) kiểm tra tình hình phòng chống bão số 5 tại khu neo đậu Cảng Gianh. Ảnh: H.Châu.

Hôm nay (17/9), ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, đã yêu cầu tất cả tàu thuyền phải được đưa về khu neo đậu an toàn và được chằng néo để tránh bị va đập, bị chìm. Các lực lượng kiên quyết không để xảy ra tình trạng người có mặt trên tàu thuyền, nhà tạm ở các khu nuôi trồng thủy sản để tránh thiệt hại có thể xảy ra.

Người dân tháo dỡ những biển hiệu quảng cáo để an toàn trong bão. Ảnh: H.Châu.

Người dân tháo dỡ những biển hiệu quảng cáo để an toàn trong bão. Ảnh: H.Châu.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức các tổ công tác dùng ca nô kiểm tra trên các tuyến cửa sông Nhật Lệ, Lý Hòa, Roòn… để nhắc nhở, hướng dẫn cho ngư dân đưa tàu thuyền đến nơi an toàn và thực hiện các biện pháp phòng chống bão.

Đến đầu giờ chiều ngày 17/9, đã có 6.333 phương tiện/21.400 lao động trên biển (trên tổng số 6.564 phương tiện/22.941 lao động) vào bờ tránh trú an toàn.

“Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 226 phương tiện và khoảng 1.500 lao động đang trên biển. Hiện Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đang tiếp tục liên lạc kêu gọi, hướng dẫn số phương tiện trên vào bờ tránh trú bão”, Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, cho biết.

Tại các khu vực biên giới, bờ biển, tỉnh Quảng Bình triển khai ngay việc chằng chống nhà cửa, biển hiệu, trụ sở, cắt tỉa cây xanh, đảm bảo phương án an toàn đối với các công trình cao tầng, công trình đang xây dựng.

Ngư dân xã Bảo Ninh cẩu tàu thuyền về nơi an toàn. Ảnh: H.Châu.

Ngư dân xã Bảo Ninh cẩu tàu thuyền về nơi an toàn. Ảnh: H.Châu.

Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Thôn (Bảo Ninh - TP. Đồng Hới) hiện đã có trên 110 tàu cá có công suất lớn vào neo đậu.

Bà Đậu Thị Hoa, Phó Giám đốc Ban quản lý cảng cá Quảng Bình, phụ trách khu neo đậu cho hay: “Chúng tôi tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tàu bè của ngư dân vào neo đậu. Anh em cán bộ luôn trực tại hiện trường để hướng dẫn ngư dân vị trí neo đậu và kéo buộc dây an toàn cho tàu”.

Thuyền lớn cũng được đưa về nơi an toàn để tránh bão số 5. Ảnh: H. Châu.

Thuyền lớn cũng được đưa về nơi an toàn để tránh bão số 5. Ảnh: H. Châu.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Quảng Bình, hiện tại các hồ chứa nước trên địa bàn cơ bản an toàn, không có sự cố. Có 8 tuyến đê kè trong quá trình thi công gần hoàn thiện. Các loại cây trồng vụ hè - thu cũng đã cơ bản thu hoạch xong.

“Hiện toàn tỉnh có trên 6.522 ha diện tich nuôi trồng thủy và 1.529 lồng bè đang nuôi cá ven sông. Chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương hỗ trợ bà con gia cố be bờ ao hồ, đưa lồng cá đến nơi an toàn nhằm tránh thiệt hại do mưa bão”, ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình, cho hay.

Ngư dân buộc, neo tàu tại khu neo đậu Cửa Thôn. Ảnh: H.Châu.

Ngư dân buộc, neo tàu tại khu neo đậu Cửa Thôn. Ảnh: H.Châu.

Các sở, ngành, địa phương cũng đã triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, khách du lịch. Sẵn sàng di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm; vận hành, bảo vệ an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là hồ chứa xung yếu, bị hư hỏng trên tinh thần “4 tại chỗ”.

Nhiều ngư dân xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) đã thuê ô tô cẩu tự hành để cẩu tàu đưa lên bờ tránh sóng lớn làm hư hỏng. Ngư dân Nguyễn Văn Huế (xã Bảo Ninh) đang chỉ đạo tài xế cẩu tàu xuống nơi tập kết. Xong chiếc thứ nhất, xe lại chạy đi cẩu chiếc thứ hai lớn hơn.

Anh Huế nói: “Nhà có hai tàu thì tôi đã thuê xe cẩu về đây rồi. Sau đó, dùng bạt buộc chặt lại toàn bộ. Như vậy, cũng tạm gọi là an toàn. Sau bão lại kêu xe cẩu đưa ra lại bờ biển”.

Vừa tích cực phòng chống bão số 5, người dân Quảng Bình chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu để phòng nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa, lũ.

“Chúng tôi cũng sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời tình huống có thể xảy ra”, ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.