| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện ăn gen

Thứ Năm 22/04/2010 , 15:30 (GMT+7)

Một vị giáo sư kể chuyện: Khi dư luận rộ lên thông tin về sản phẩm biến đổi gen đang bán ngoài thị trường, ông đã nói vui với sinh viên: Các em có ăn gen không? Không, sợ lắm! – Thế là sai. Hằng ngày chúng ta ai chẳng ăn gen...

Một vị giáo sư kể chuyện: Khi dư luận rộ lên thông tin về sản phẩm biến đổi gen đang bán ngoài thị trường, ông đã nói vui với sinh viên: Các em có ăn gen không? Không, sợ lắm! – Thế là sai. Hằng ngày chúng ta ai chẳng ăn gen. Một cây lúa chứa 35.000 gen. Ta ăn cơm là ăn 35.000 gen. Một con tôm có trên 100.000 gen; rồi rau, củ, quả…, kể cả vi khuẩn, virus bám trên thức ăn, thì mỗi bữa ăn ta ăn hàng triệu gen đấy.

>> Cây trồng chuyển gen - Thành tựu loài người

… “Chuyển gen”, thực ra không phải con người nghĩ ra mà trong thiên nhiên đã diễn ra hàng triệu triệu năm nay. Trong tự nhiên, đột biến xảy ra thường xuyên dưới tác động của những phóng xạ tự nhiên, tác nhân vật l‎ý‎, hóa học… Các tác nhân khác, ví dụ có những gen nhảy hay trao đổi chéo trong quá trình phân chia tế bào… Đương nhiên sinh vật là kết quả một quá trình biến đổi di truyền.

Trong chọn giống hiện nay, người ta có phương pháp dùng tia phóng xạ, tia cực tím hay hóa chất rất độc hại tấn công bộ máy di truyền sinh vật, làm đứt gãy gen, đảo đoạn tứ tung tạo ra hàng vạn cá thể dị thường mà phần lớn đều chết. Những cá thể sống sót người ta chọn sinh vật có đặc tính tốt mình cần. Làm biến đổi cấu trúc di truyền này lại là một phương pháp khá phổ biến trong chọn giống. Ví dụ, theo Viện Di truyền NN, 52% giống đậu tương của Việt Nam hiện nay là giống của Viện, như DT84, DT96, DT2001, DT2002, DT2008… tất cả đều được tạo ra bằng phương pháp gây đột biến. Tương tự bộ giống lúa của Viện như DT10, DT37, DT38 hay Khang Dân đột biến cũng tạo ra từ phương pháp đột biến phóng xạ. Thậm chí để tạo giống mới con người sử dụng lai xa, một hình thức cưỡng bức trong lai tạo mà trong tự nhiên không xảy ra, đó là hình thái làm biến đổi di truyền lớn.

Nhưng sự biến đổi di truyền đó không gây hoang mang vì chúng ta quá quen thuộc với chúng, hơn nữa lợi ích đem lại rất lớn. Chẳng hạn giống lúa Khang Dân đột biến của Viện Di truyền NN (đã chuyển giao cho Cty CP Giống cây trồng TW), được đưa ra sản xuất đại trà năm 2007. Theo báo cáo của Cty CP Giống cây trồng TW, diện tích canh tác giống mới này năm 2009 đã là 150 ngàn ha, NS vượt Khang Dân thường 10%, ước tương đương nửa tấn/ha nghĩa là tăng 75.000 tấn thóc hay 370 tỷ đồng/năm. Giá trị gia tăng đó dân được hưởng. Đó là những thực phẩm ta đã quen, không ai nghĩ nó độc hại và bản thân nó không độc hại gì, chỉ có lợi cho sản xuất. Sản phẩm chuyển gen cũng vậy.

Như đã nói, phương pháp chuyển gen con người học từ tự nhiên. Trong tự nhiên luôn có những loài virus hay vi khuẩn thường thâm nhập vào các ký‎ chủ. Chẳng hạn loài Agrobacterium Tumefaciens là vi khuẩn con người áp dụng trong chuyển gen hiện nay. Loài vi khuẩn này chúng không tổng hợp được một số chất cần cho sự sống của chúng. Chúng phải xâm nhập vào một ký‎‎ chủ, thông qua những vết thương, từ đó bắn bộ gen của nó vào ký‎ chủ để sử dụng bộ máy di truyền của k‎ý chủ tạo những chất cần cho sự sinh trưởng của vi khuẩn. Chúng ta chuyển gen vào cây trồng bằng cách tạo môi trường thích hợp để cài gen mình muốn vào bộ máy di truyền của vi khuẩn, từ đó nhiễm cho cây. Cụ thể chuyển gen kháng sâu Bt, các nhà khoa học chủ yếu áp dụng phương pháp này. Cây trồng được chuyển gen Bt, vô tình thành nơi sản xuất ra loại protein gây độc cho sâu hại nhưng không hề độc với con người và các loài động vật có xương sống.

Hiện chủ yếu chỉ có 4 loại cây trồng chuyển gen là ngô, bông vải, đậu tương, cải dầu được thương mại hóa rộng rãi và cũng chỉ gen kháng sâu Bt và gen kháng thuốc trừ cỏ được chuyển vào 4 loại cây trồng này, thế mà diện tích cây biến đổi gen năm 2009 toàn thế giới tới 134 triệu ha, minh chứng tính ưu việt tuyệt vời cây trồng biến đổi gen. Thử tính xem, mỗi nông trại ở Mỹ diện tích lên đến hàng trăm ha, không thể làm cỏ được mà phải dùng thuốc để diệt cỏ. Nhưng thuốc diệt cỏ đồng thời hại cả cây trồng. Vậy tối ưu là sử dụng giống kháng thuốc diệt cỏ.

Tương tự dùng giống kháng sâu, nông dân tiết kiệm được một khoản chi phí khá lớn mua thuốc trừ sâu, giảm công chăm sóc, không phải tiếp xúc hóa chất độc hại đồng thời môi trường lại trở nên trong lành hơn. Các tính toán cho thấy, nhờ sử dụng cây trồng chuyển gen, giai đoạn từ năm 1996-2008 thế giới giảm được 356.000 tấn thuốc trừ sâu – giảm 8%. Riêng năm 2008 giảm 34.000 tấn, tương ứng giảm 10% lượng thuốc trừ sâu cần sử dụng. Tương tự, cây chuyển gen đóng góp giảm 14 tỷ kg CO2 năm 2008 – đóng góp tích cực hạn chế thay đổi khí hậu, tương đương với loại bỏ 7 triệu xe ô tô. Cây chuyển gen cũng góp phần rất lớn xóa bỏ nạn đói cho 13 triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ trong năm 2009: Gồm Trung Quốc (7,0 triệu), Ấn Độ (5,6 triệu) cùng Philippines, Nam Phi và 14 nước đang phát triển khác (nguồn: Clive James, 2010).

"Câu chuyện ăn gen" là chuyện vui nghiêm túc. Năm 1996 loài người bắt đầu thương mại hóa cây trồng chuyển gen, diện tích cộng dồn từ đó đến nay vào khoảng 950 triệu ha cây biến đổi gen được gieo trồng, tương ứng với hàng tỷ tấn sản phẩm đã được tiêu thụ, đến nay vẫn chưa có một bằng chứng khoa học nào cho thấy sử dụng sản phẩm biến đổi gen là có hại. Khoa học vẫn tiếp tục khám phá, nghiên cứu. Như tạo ra gạo giàu vitamin A (gạo hạt vàng) có thể giúp hàng trăm triệu trẻ em các nước đói nghèo chống suy dinh dưỡng, sáng mắt. Chuyển gen tạo giống ngô giàu lyzin (một loại axit amin thiết yếu mà ngô bình thường thiếu); tạo giống hành ăn không cay mắt; tạo giống lúa chịu lạnh, hạn, mặn và tổng hợp được nitơ để hạn chế bón đạm; tạo giống cà chua, lạc giàu axit omega 3…; chuyển gen tạo ra một loại muỗi đực mà khi giao phối làm cho muỗi cái vô sinh; tạo loại cỏ chế vacxin Gumboro cho gà, vân vân và vân vân.

Đó là thành tựu thế giới.

 

- 4 loại cây biến đổi gen chủ lực là ngô, bông, đậu tương và cải dầu đã đạt mức kỷ lục trên toàn thế giới.

- Diện tích trồng đậu tương biến đổi gen chiếm tới trên 75% trong tổng diện tích 90 triệu héc-ta trồng đậu tương trên toàn thế giới.

- Diện tích bông biến đổi gen cũng chiếm tới hơn một nửa tổng diện tích 33 triệu ha bông trên toàn cầu.

- Diện tích trồng ngô biến đổi gen đạt hơn 1/4 trên tổng diện tích 158 triệu ha ngô.

- Cải dầu biến đổi gen chiếm trên 1/5 diện tích trong tổng số 31 triệu ha cải dầu trên toàn thế giới.

- Bông Bt ở Ấn Độ tăng từ 80% năm 2008 lên 87% năm 2009, tỷ lệ ứng cải dầu biến đổi gen ở Canada cũng tăng từ 87% năm 2008 lên 93% năm 2009.

- Đậu tương biến đổi gen tiếp tục là giống cây biến đổi gen bậc nhất, chiếm tới 52% trong tổng diện tích 134 triệu ha.

 

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.