| Hotline: 0983.970.780

Cây trồng chuyển gen - Thành tựu loài người

Thứ Tư 21/04/2010 , 10:30 (GMT+7)

Sử dụng sản phẩm có biến đổi gen liệu ảnh hưởng gì đến sức khỏe người tiêu dùng? PV NNVN đã tham khảo một số chuyên gia công nghệ sinh học. Và, trong cách nhìn của những người hiểu biết lĩnh vực này thì: Cây trồng chuyển gen chính là thành tựu loài người chúng ta cần nắm bắt…

Gần đây, dư luận rộ lên về một báo cáo của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quates 3, thuộc Tổng cục Đo lường Chất lượng), khi cơ quan này chọn ngẫu nhiên 323 mẫu nông sản thực phẩm gồm bắp, đậu nành, khoai tây, gạo, cà chua… ở các chợ, siêu thị và cửa hàng bán lẻ tại TPHCM đem đi kiểm nghiệm thì cho kết quả tới 1/3 số mẫu là sản phẩm có biến đổi gen (GMO). Kết luận đó khiến không ít bộ phận dân chúng hoang mang, sử dụng sản phẩm GMO liệu ảnh hưởng gì đến sức khỏe người tiêu dùng? Theo đó, PV NNVN đã tham khảo một số chuyên gia công nghệ sinh học. Và, trong cách nhìn của những người hiểu biết lĩnh vực này thì: Cây trồng chuyển gen chính là thành tựu loài người chúng ta cần nắm bắt…

Kỳ lạ chuyện rau quả chuyển gen ở Việt Nam

 

Theo nhiều nguồn số liệu thì năm 1996, cây trồng chuyển gen đạt cột mốc 1 triệu ha và chủ yếu ở Mỹ (Ảnh minh họa)

Theo nhiều nguồn số liệu thì năm 1996, cây trồng chuyển gen đạt cột mốc 1 triệu ha và chủ yếu ở Mỹ.

 

Kể từ đó tốc độ phát triển cây trồng chuyển gen với tốc độ của một cơn lốc: năm 2009 đạt 134 triệu ha trên bình diện 25 nước, chiếm khoảng 8% diện tích canh tác toàn thế giới. Mặc dù vậy, theo PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền NN (Bộ NN-PTNT), hiện cơ bản vẫn chỉ có 4 cây trồng chuyển gen (kháng sâu và khác thuốc diệt cỏ) được thương mại hóa rộng rãi là: Ngô, bông, đậu tương và cải dầu; lúa (chuyển gen kháng sâu đục thân) đang mới chỉ sản xuất diện hẹp, chủ yếu ở Trung Quốc và Iran. Tiếp đến, các loại cây nguyên liệu và nhất là rau củ quả vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, sản phẩm thương mại hóa chưa nhiều. Chính vì vậy, trừ ngô và đậu tương, còn lại gạo và các loại rau củ quả chuyển gen nếu đúng xuất hiện ở TPHCM quả là điều hơi lạ!

Tôi nói với PGS Lê Huy Hàm:

- Chúng tôi sang Trung Quốc, quả đúng thấy một số cơ quan nghiên cứu của họ nghiên cứu lúa biến đổi gen theo Chương trình của Chính phủ nước họ. Ví dụ GS Lý Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu lúa của ĐH Nông nghiệp Tứ Xuyên, nơi lai tạo lúa lai giỏi nhất nhì Trung Quốc, ông cho chúng tôi biết từng tham vọng tìm ra một giống lúa siêu năng suất, kháng được tất cả các loại sâu bệnh lại chịu được hạn, mặn. Và giống lúa siêu tưởng đó Viện này có thể thành công trong vòng dăm năm tới nhờ công nghệ chuyển nạp gen. Nhưng đó là tương lai. Còn hiện tại nghe nói họ chỉ có lúa chuyển gen kháng sâu, ra sản xuất chưa nhiều nên khó có thể có mặt ở Việt Nam. Xung quanh ta, Thái Lan, Lào, Campuchia lại càng tuyệt đối không có lúa chuyển gen, lấy đâu ra gạo chuyển gen trong siêu thị ở TPHCM nhỉ?

- Đấy là điều làm chúng tôi bất ngờ. Có thể ngô hay đậu tương do chúng ta đang phải nhập ngoại, rất có thể đó là sản phẩm chuyển gen vì các nước xuất khẩu ngô, đậu tương lớn như Mỹ, Áchentina chủ yếu trồng giống chuyển gen. Nhưng lúa gạo, khoai tây, cà chua hay nhiều thứ rau quả khác có ở ta mà là sản phẩm chuyển gen thì lạ quá bởi thế giới chưa thương mại hóa rộng rãi.

Với cà chua, thế giới có công nghệ chuyển gen ức chế tổng hợp etylen làm chậm chín. Nghĩa là cà chua để rất được lâu, tha hồ vận chuyển đi xa, khi nào cần chín thì xử lý bằng hóa chất. Hoặc người ta chuyển gen kháng nấm, kháng mặn cho cây cà chua, thậm chí khoa học còn nghĩ cách nghiên cứu ra một loại cà chua sản xuất ra vacxin chống viêm gan B. Lúc đó chúng ta có thể ngừa được bệnh viêm gan B qua đường miệng. Nhưng lúc này là chưa. Tóm lại rau quả biến đổi gen sang Việt Nam đúng như dư luận thì quả là lạ. Tất nhiên mình không thể loại trừ là nó có xuất hiện nhưng không vì thế mà ta hoang mang, trái lại đó là điều hết sức bình thường.

- Nghĩa là ông chưa tin cậy kết quả đánh giá của Quates 3?

- Tôi được biết để đánh giá chính xác mẫu sản phẩm chuyển gen giá không rẻ. Nếu làm định tính có thành phần biến đổi gen hay không, giá ở Singapo hay Malaysia cỡ 250 USD/mẫu; còn định lượng chính xác phải 450 USD/mẫu. Tại Việt Nam, định tính rẻ nhất cũng 1 triệu/mẫu. Làm hàng trăm mẫu tốn kém hàng trăm triệu.

Phải nói định tính mẫu sản phẩm biến đổi gen rất dễ sai sót vì nó rất nhạy. Cần phải xem xét cách lấy mẫu thế nào? Bảo quản mẫu thế nào? Tách ADN thế nào? Chạy phản ứng nhân gen thế nào? Đọc kết quả bằng cách nào? Trên thế giới người ta có kỹ thuật chung, với quy trình nghiêm ngặt; phòng thí nghiệm phải đạt chuẩn quốc tế thì kết quả mới được công nhận. Tôi không biết ở ta họ làm theo cách nào nên không bình luận.

 

Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Trung Quốc: “Tôi rất ủng hộ các nghiên cứu về công nghệ chuyển gen. Tình trạng thiếu lương thực trên thế giới buộc chúng ta phải hành động” (2008).  

Bill Gates nói: "Phát triển công nghệ gen bây giờ có thể so sánh với phát triển công nghệ phần mềm của thập kỷ 80, thế kỷ XX. Đó là một tốc độ phát triển ào ạt. Có thể 20 năm nữa công nghệ gen sẽ đạt thành tựu ngoài sức tưởng tượng".

(Nguồn: Clive James, 2010)

Dẫu sao với sản phẩm biến đổi gen có thể đối với đại bộ phận công chúng là điều xa lạ nhưng thực ra đó là xu hướng hết sức bình thường. Chuyển gen là công nghệ tiên tiến. Sản phẩm ra sản xuất đều được kiểm chứng từ đánh giá an toàn sinh học, môi trường, diện hẹp đến diện rộng. Về mặt khoa học, quan điểm của tôi thì phương pháp lai tạo, phương pháp đột biến phóng xạ trong chọn giống cây trồng áp dụng phổ biến hiện nay làm thay đổi cấu trúc di truyền không kém gì chuyển gen.

 

Người ta đã làm so sánh giữa khoai tây chuyển gen và khoai tây trước khi chuyển gen chỉ khác nhau 11 protein. Trong khi lấy cây không biến đổi gen này so với cây không biến đổi gen khác còn khác nhau tới 20-30 protein. Vậy không có lý do gì lo lắng về thực phẩm biến đổi gen cả. Ngược lại nó lại là loại thực phẩm được kiểm soát bằng công nghệ tốt nhất của những nước có nền khoa học tiên tiến nhất. Năm 1996 loài người bắt đầu thương mại hóa cây trồng chuyển gen, và diện tích cộng dồn từ đó đến nay là khoảng 950 triệu cây biến đổi gen được gieo trồng, tương ứng với hàng tỷ tấn sản phẩm đã được tiêu thụ, và đến nay vẫn chưa có một bằng chứng khoa học nào cho thấy sử dụng sản phẩm biến đổi gen là có hại…

Xem thêm
Tằm Việt sau hàng thập kỷ ngủ đông đã thức giấc: Thăm nhà nuôi tằm kiểu mẫu

Phải đợi mấy tháng, khi mùa đông kết thúc cái hẹn của tôi với Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương mới thành bởi đó cũng là vào mùa tằm.

85% đàn chó, mèo phải được tiêm phòng dại

LONG AN Năm 2024, Long An sẽ tiêm vacxin phòng bệnh dại trên đàn vật nuôi chó, mèo đạt trên 85% với số lượng dự kiến gần 91.000 liều.

Phần mềm giúp quản lý chăn nuôi nhàn tênh

QUẢNG NINH Anh Vũ Đức Tuấn (sinh năm 1990 ở thị xã Quảng Yên) là người sáng lập phần mềm quản lý trang trại FarmGo, mang lại hiệu quả cao trong hành trình số hóa nông nghiệp.