Để cây trồng đặc sản này phát triển bền vững, tỉnh đã quy hoạch vùng SX, hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng mô hình SX theo hướng VietGAP….
Theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, có nhiều nguyên nhân dẫn tới diện tích nho của tỉnh sụt giảm. Một phần là do nhận định của người trồng chưa hiểu đầy đủ về cây nho.
Cứ nghĩ lợi nhuận thu được từ trồng nho rất cao nên đã ồ ạt phá bỏ các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng nho, bất chấp đất được chọn trồng có thích hợp với nho hay không. Vì lợi nhuận, người trồng đã thúc ép cây nho cho trái 2 - 3 vụ/năm, trong khi việc chăm sóc lại không thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, khiến vườn suy thoái.
Ngành nông nghiệp tỉnh này đang đẩy mạnh nghiên cứu tạo ra những giống nho mới, chất lượng cao, có khả năng kháng sâu bệnh thay thế những giống cũ.
Từ khi sản phẩm nho Ninh Thuận được xây dựng chỉ dẫn địa lý, tỉnh đã quy hoạch, mở rộng diện tích trồng nho ở những vùng không bị ngập úng. Đến năm 2015, nâng diện tích trồng nho lên 2.000 ha, đến năm 2020 ổn định 2.200 ha, chủ yếu ở những vùng SX trọng điểm ở các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Sơn và TP Phan Rang – Tháp Chàm.
Tỉnh có chính sách ưu tiên hỗ trợ các thủ tục về đất đai cho doanh nghiệp đầu tư vào SX, chế biến tại những vùng nho, tập trung ở 4 xã thuộc khu vực phía Tây của huyện Ninh Phước và xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn. Đồng thời hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây cơ sở chế biến rượu vang nho với công suất 3 triệu lít/năm và 5.000 tấn sản phẩm khác như nho khô, nước giải khát…
Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quảng bá các sản phẩm từ cây nho để mở rộng thị trường. Qua đó đến năm 2020, đưa giá trị cây nho chiếm 19 - 20% giá trị SX ngành trồng trọt và 22 - 23% giá trị SX cây trồng chính của tỉnh.
Thương hiệu nho Ninh Thuận được người tiêu dùng trong nước biết đến với các sản phẩm nho đỏ - nho rượu; nho xanh NH.01-48; nho Black Queen... Tuy diện tích, sản lượng nho có giảm, nhưng không ít hộ nông dân ở các xã Phước Hậu, Phước Sơn, huyện Ninh Phước; xã Thanh Hải, Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải; xã Thành Hải, phường Ðô Vinh, TP Phan Rang - Tháp Chàm đã thoát được nghèo nhờ biết áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm bón.