| Hotline: 0983.970.780

Cây điều ở Đăk Ơ

Thứ Tư 06/08/2014 , 08:15 (GMT+7)

Bà Trịnh Thị Thu Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước cho biết, Đăk Ơ là xã vùng sâu vùng xa (xã biên giới) có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 70%.

Trước đây, thu nhập chủ yếu của người dân từ trồng lúa, bắp, củ mì… kinh tế khó khăn nhất, nhì tỉnh.

Từ khi có chủ trương và chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con mạnh dạn chuyển đổi từ cây lúa nương (lúa trồng trên rẫy), vườn tạp kém năng suất sang trồng cây điều đã giúp tăng thu nhập đáng kể.

Xã Đăk Ơ có nguồn tài nguyên đất đỏ bazan phong phú màu mỡ, nguồn nước tự nhiên dồi dào, rất thuận lợi trồng cây công nghiệp và lâm nghiệp đặc biệt là cây điều.

Cả xã có 4.236 ha điều, nhờ trồng cây điều, nhiều gia đình đã thoát nghèo vươn lên làm giàu, có điều kiện xây nhà, mua xe, nuôi các con ăn học nên người. Tiêu biểu là hộ ông Nguyễn Xuân Vần (ngụ thôn 6), một trong những người đi tiên phong cắm rễ cây điều, phủ xanh đồi trọc.

Ông Vần cho biết, quê ông ở huyện Tứ Kỳ, Hải Dương.

Năm 1977, ông đi theo đoàn xây dựng kinh tế mới ở huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu. Sống ở đây được 5 năm, do không hợp khí hậu, hay ốm đau, sốt rét, ông lại phải về quê và cưới vợ, hàng ngày làm bạn với con trâu trên thửa ruộng nhỏ gần nhà.

Đầu năm 1989, địa phương lại có đợt khuyến khích dân đi xây dựng kinh tế mới ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, ông liền xung phong.

Theo kinh nghiệm của ông Vần, khi cây điều lớn, bà con nông dân có thể chăn nuôi bò dê, thỏ, đặc biệt là nuôi ong vừa gia tăng thu nhập, vừa giúp tiêu diệt một số côn trùng gây hại, giúp cây điều khỏe hơn, ít bệnh, cho năng suất cao.

Hồi bấy giờ, ở Đức Hòa bạt ngàn những cánh đồng mênh mông ngập trũng, nước bị nhiễm phèn nặng, chưa có hệ thống đê bao, quanh năm lũ lụt chẳng trồng cấy được cây gì. Nhiều gia đình chán nản phải bỏ về quê, hoặc bỏ đi nơi khác để kiếm kế sinh nhai.

“Thực sự lúc đó tôi cũng rất chán nản, mình đã đi xây dựng quê hương mới 2 lần rồi mà không thành, lần này chưa biết đi về đâu? Năm 1990 tình cờ trong một lần đi thăm người anh bên vợ đi bộ đội đóng quân ở huyện Bù Gia Mập, thấy ở đây đất tốt còn rộng mênh mông, người dân trồng loại cây gì rất lạ, hạt lại ở ngoài quả, khi ăn thấy chua chua, ngọt ngọt, nướng lên ăn thấy bùi bùi, có thể thay cơm nên rất thích. Hỏi ra mới biết là cây “đào lộn hột” (cây điều), vậy là tôi “kết duyên” với nó từ thuở đó”, ông Vần tâm sự.

Hồi mới dắt díu nhau vào, không có nhà, ông Vần phải đưa vợ và 3 con nhỏ ở nhờ nhà người anh. Hàng ngày, hai vợ chồng chở nhau trên chiếc xe đạp thồ, đạp mấy chục cây số để đi phát rẫy (ở xã Đắk Ơ bây giờ). Khi đi mặt trời chưa mọc, khi về đã khuất sau núi.

Nhiều đêm sáng trăng, hai vợ chồng ở lại tranh thủ phát rẫy luôn, về tới nhà đã 11 giờ đêm. Để cho kịp thời vụ, ông nhờ thêm người đi phát đổi công, cứ thế chẳng mấy chốc vợ chồng ông đã phát được 5 ha đất hoang.

Năm 1991 ông bắt đầu mua cây giống (giống điều hạt) trồng kín diện tích và cất một cái chòi lợp tranh lấy chỗ trú mưa nắng. Để lấy ngắn nuôi dài, ở giữa hai hàng điều ông trồng xen ngô, khoai, sắn, lạc… Thời gian thấm thoắt thoi đưa, 3 năm sau cây điều bắt đầu cho thu hoạch.

Những năm điều có giá, ông lại gom góp tiền bán điều mua thêm đất, dần dà trang trại của vợ chồng ông Vần lên tới 15 ha và đang đi vào kinh doanh rất hiệu quả, năng suất điều đạt trên dưới 3 tấn/ha.

Ông Vần chia sẻ: “Thực sự cây điều đối với gia đình tôi quá gắn bó, nó là cuộc sống, là nguồn nuôi dưỡng gia đình, các cháu ăn học nên người. Nếu không có cây điều, gia đình tôi không có ngày hôm nay và chính vùng đất biên giới này là quê hương thứ 2 để gia đình tôi có bến đậu, lập nghiệp. Toàn bộ 15 ha điều này tôi sẽ giữ lại cho cho con cháu mai sau tiếp tục phát triển”.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế về tỉnh Gia Lai

Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đã đề nghị một số địa phương nộp hơn 57 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.

Tăng cường tập huấn phòng chống cháy rừng tại các phân trường

Sóc Trăng Ngoài chuẩn bị tốt phương án xử lý khi có cháy rừng, lãnh đạo Sóc Trăng đề nghị ngành kiểm lâm tăng cường tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường.