| Hotline: 0983.970.780

Cây gai xanh AP1, giống cây lạ dần quen với xóm bản

Thứ Năm 20/04/2023 , 15:46 (GMT+7)

Ngày cán bộ đưa cây gai xanh AP1 về xóm bản, người dân ai cũng ngại trồng vì sợ loài cây này không biết 'đẻ' ra tiền mà còn lấy tiền của họ ra đi.

Tay muốn làm nhưng đầu nghĩ chưa ra

Ông Nông Văn Nhâm là người tiên phong trồng cây gai xanh AP1 ở Bản Va, bản người Tày của xã Yên Hoa, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Ở bản của ông Nhâm đất dài cả mấy quả núi, tay của người dân nơi đây cũng muốn làm nhiều việc với đất nhưng chẳng hiểu sao bao năm vẫn nghèo.

Ông Nhâm chia sẻ, ngày cán bộ đưa cây gai xanh về bảo dân trồng, để dân nghe và hiểu, cán bộ đến các cuộc họp thôn. Nhà nào chưa kịp đi họp cán bộ vượt cả mấy con dốc ngoằn ngoèo đến từng hộ vận động rồi chờ đến tối mịt họ mới làm nương về để nói cho bà con dân bản hiểu.

Cây gai có thể cho lãi 80 đến 100 triệu đồng/ha. Ảnh: ĐT.

Cây gai có thể cho lãi 80 đến 100 triệu đồng/ha. Ảnh: ĐT.

Nhưng cái khó là cây gai xanh là loài cây mà người làng chưa từng nghe thấy bao giờ, lại không phải là giống cây trồng cho quả có thể ăn được no cái bụng như cây lúa, cây ngô. Do đó người làng phân vân nhiều lắm. Người dân phải đủ ăn thì mới dám nghĩ đến ước mơ như lời cán bộ nói.

Là người nhanh nhạy nhất làng, thấy cán bộ nói khiến cái đầu đã thông, ông Nhâm nhận ngay việc trồng 1ha cây gai xanh trên những vùng núi đồi trước đây chỉ trồng cây ngô, cây đỗ tương. Người làng thấy ông Nhâm mạnh dạn đầu tư, bán cả con ngựa bạch được 30 triệu đồng để bỏ xuống đất trồng cây gai xanh, nhiều người đã nghĩ từ trước tới nay ông làm cái gì cũng chắc chắn, chắc lần này cũng thế, vì vậy đã có nhiều người đăng ký trồng theo.

Ông Nhâm cho biết, trồng cây gai xanh ban đầu cây mới chỉ lên 1 nhánh, sau đó cắt đi mới lên 4 đến 5 nhánh, sau đó phải tiếp tục cắt. Cả 1 năm trời cây lên được từ 10 đến 12 nhánh. Cứ cắt mãi mà chẳng thấy thu tiền về nên bản thân ông Nhâm cũng thấy khá sốt ruột.

Cuối năm ngoái, vụ thu hoạch cây gai xanh đầu tiên sau nhiều tháng trồng ông chỉ thu được vỏn vẹn 1 triệu đồng. Thấy thế, người dân trong bản vốn tin và trồng cây gai xanh theo ông cũng cảm thấy lo lắng.

Thấy dân bản sốt ruột, ông gọi điện cho cán bộ chia sẻ rằng, nếu trồng ngô, 1 năm diện tích 1ha ông thu được hơn 10 triệu đồng. Nhưng trồng cây gai xanh, đã mấy tháng mới chỉ thu được 1 triệu đồng, nhiều hộ dân bảo nếu vụ này nữa mà không có thêm tiền thì sẽ phá bỏ.

Cán bộ nghe chuyện của ông chia sẻ, giải thích rằng phải từ từ đã, để mấy vụ tiếp theo mới có lãi. Cây gai không giống như cây trồng khác, năm đầu tiên chỉ là năm để lớn thôi chứ hiệu quả kinh tế chưa thể nhìn thấy. Đến khi lên từ 27 đến 30 nhánh/bụi mới thu hoạch đảm bảo năng suất. Nó không phải là cây thời vụ ngắn, mà là cây 10 năm, càng những lứa sau năng suất càng cao.

Đến vụ thu hoạch tháng 4/2023 này, vườn gai của gia đình ông Nhâm bắt đầu cho thu hoạch vụ tiếp, năng suất gai đã cao hơn. Dự kiến vụ này ông được thu khoảng 10 triệu đồng, bằng tiền thu từ trồng ngô cả năm, trong khi đó trồng cây gai xanh có thể thu ít nhất được 4 vụ trong năm.

Tôi hỏi ở nhiều nơi nếu chăm sóc tốt, cây gai có thể cho lãi 80 đến 100 triệu đồng/ha, vậy là người làng sẽ có nhiều tiền rồi.

Ông Nhâm cười hiền bảo: "Ở lâu với cái khổ, trong đầu của nhiều người làng Tày ở Bản Va quên mất nghĩ đến việc trong túi có nhiều tiền. Nay cây gai xanh mang về cho dân bản nhiều tiền thật thì cái đầu người già, người trẻ trong bản ai ai cũng mừng".

Cây gai xanh mở ra hi vọng ấm no

Từ những người tiên phong như ông Nhâm, cây gai xanh đã nhanh chóng lan rộng ra khắp các bản làng. Giờ đây ở Bản Va của ông, diện tích trồng cây gai xanh đã lên tới gần 5ha. Còn toàn huyện Na Hang diện tích trồng cây gai xanh là 50ha và là địa phương có diện tích cây gai xanh lớn nhất tỉnh.

Để đạt được kết quả này, điểm tựa quan trọng là chính sách đồng hành của chính quyền huyện Na Hang. Lãnh đạo huyện Na Hang đã kịp thời có văn bản đến UBND các xã cho bà con đăng ký, cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đến tuyên truyền tại các xã để bà con biết được loài cây này, rồi đăng ký kỹ thuật trồng và giống với doanh nghiệp. Phía Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước sẽ thực hiện hỗ trợ cây giống cho người dân và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch cho bà con.

Đến năm 2025, cây gai xanh có tiềm năng mở rộng diện tích lên đến 300ha tại huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: ĐT.

Đến năm 2025, cây gai xanh có tiềm năng mở rộng diện tích lên đến 300ha tại huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: ĐT.

Ông Ma Quý Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết, khi nhìn thấy được tiềm năng của cây gai xanh AP1, chính quyền huyện Na Hang xác định để dân tin, dân nghe, dân làm thì ngoài việc cán bộ đồng hành cùng người dân bên ruộng nương, chính quyền cũng cần có chính sách đồng hành.

Khuyến khích người dân mở rộng vùng trồng cây gai xanh, chính quyền huyện Na Hang ban hành văn bản thực hiện hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho khoảng 25% tổng mức đầu tư/đơn vị diện tích (dùng cho đầu tư mua cây giống); Hội Nông dân và các tổ chức đoàn thể của huyện sẵn sàng hỗ trợ cho bà con vay vốn ưu đãi để đầu tư mua phân bón.

Có điểm tựa về chính sách của chính quyền huyện Na Hang, cây gai xanh nhanh chóng được mở rộng từ bản làng này sang bản làng khác, phủ xanh khắp núi đồi trùng điệp ở các xã của huyện Na Hang.

Bởi thế, khi mới triển khai, toàn huyện Na Hang chỉ có 10 đến 12 hộ trồng với khoảng 8ha nhưng sau đó nhanh chóng trở thành cây trồng phát triển với diện tích lên đến 50ha và trở thành địa phương dẫn đầu của tỉnh Tuyên Quang về phát triển diện tích trồng cây gai xanh AP1. Tương lai đến năm 2025, cây gai xanh có tiềm năng mở rộng diện tích lên đến 300ha tại huyện Na Hang.

Không chỉ mang theo khát vọng về loài cây cho giá trị về kinh tế, cây gai xanh AP1 còn mang đến cho huyện vùng cao Na Hang khát vọng phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống từ nguyên liệu sợi gai xanh. Bởi từ bao đời nay, đồng bào người dân tộc Tày ở huyện Na Hang có nghề dệt thổ cẩm. Sản phẩm thổ cẩm không chỉ gắn bó thân thuộc với người dân mà còn là biểu trưng, là một phần không thể thiếu trong tinh hoa văn hóa ngàn đời của người dân tộc Tày.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch UBND xã Yên Hoa, huyện Na Hang cho biết, từ bao đời nay, người dân tộc Tày ở xã Yên Hoa có nghề dệt thổ cẩm truyền thống, bà con sử dụng các loại sợi như bông, gai, len để làm nên những sản phẩm như chăn, khăn, gối, đệm… sử dụng cho cuộc sống hằng ngày.

z4263108902272_313c57abb892def735377c98ecb5a5f3

Cây gai xanh mở ra hi vọng phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày ở Na Hang. Ảnh: Đào Thanh.

Từ khi triển khai dự án trồng cây gai xanh trên địa bàn, người dân địa phương đã biết tận dụng và vận dụng sợi gai để thêu dệt nên các sản phẩm của địa phương mình, từ đó tăng thêm giá trị cho các sản phẩm của địa phương và làm cho sản phẩm đẹp, đảm bảo chất lượng hơn. Cây gai xanh đang mở ra kỳ vọng tạo cơ hội cho chị em có nhiều sợi chất lượng để nâng cao thu nhập đời sống, mở rộng phát triển thành sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch của địa phương. 

Sau hơn 1 năm bén duyên với mảnh đất vùng cao Na Hang, cây gai xanh từ loài cây lạ đang dần trở nên thân quen với bà con bản làng. Trong dịp tháng 4, tháng 5 này, nhiều địa phương của huyện Na Hang cây gai xanh sẽ cho thu hoạch rộ và bước đầu đạt năng suất cao, một số hộ đã nhìn thấy hiệu quả kinh tế. Đó là những tín hiệu đáng mừng với bà con vùng cao về loài cây trồng mới này. Qua đó, sẽ tiếp tục thắp lên ước mơ về loài cây gai xanh góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, đi đôi với đảm bảo sinh kế, mở ra hướng thoát nghèo bền vững.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm